Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6) và Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Báo Lào Cai trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực, hiệu quả hơn.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng. Các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên hằng năm, các phong trào thi đua chuyên đề giai đoạn đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm nhấn trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của tỉnh là việc triển khai sâu rộng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tại địa phương. Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo ra những điểm nhấn mới trong chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh, người dân đã chủ động trong thực hiện các nội dung, phần việc của mình, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; tình làng, nghĩa xóm được gắn kết hơn… góp phần quan trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt một cách bền vững; đặc biệt đã tạo sự lan tỏa thi đua giữa các thôn để thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống xã hội.
Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai đã nâng cao vai trò của các cấp, các ngành đồng hành với doanh nghiệp hội nhập và phát triển; phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, khuyến khích các hoạt động sản xuất tạo ra nhiều của cải cho xã hội; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân đối với cộng đồng xã hội.
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được triển khai với tiêu chí và nội dung thi đua cụ thể, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh từng bước chấn chỉnh lề lối, tác phong, phong cách làm việc, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác gắn với thực hiện cam kết nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thông qua phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đổi mới nâng cao hiệu quả tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện, đảm bảo nguyên tắc chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Ưu tiên khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, biên giới và vùng dân tộc thiểu số. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng được tổ chức thực hiện với kết quả nổi bật. Hiện nay, cả 10/10 thủ tục hành chính về thi đua, khen thưởng cấp tỉnh đã được thực hiện theo dịch vụ hành chính công mức độ 4.
Những kết quả đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh trong những năm qua rất đáng tự hào và là động lực quan trọng để Lào Cai phát triển. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan sau hơn 30 tái lập, nhất là một số năm trở lại đây cũng như sau đại dịch Covid-19, những điển hình tập thể, cá nhân phong trào thi đua đã gây dựng, vun trồng; những điển hình người tốt, việc tốt; những kinh nghiệm hay, cách làm tốt được phát hiện từ cơ sở để nhân lên thành sức mạnh lan tỏa thông qua phong trào thi đua của Lào Cai ở tầm quốc gia và khu vực còn hạn chế; còn ít điển hình tiên tiến tiêu biểu trở thành Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang được tôn vinh, khen thưởng so với thực lực và thực tiễn phát triển của tỉnh.
Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế. Hội đồng thi đua - khen thưởng ở một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng của thi đua yêu nước; có nơi, có lúc, thi đua còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò, vị trí, tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua yêu nước là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tổ chức tốt hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai lần thứ VI. Thông qua hội nghị, đại hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm điểm, đánh giá tình hình tổ chức triển khai cũng như kết quả đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 - 2030. Sau hội nghị, đại hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phổ biến, tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt những nội dung đã được trao đổi, đề ra tại hội nghị, đại hội, nhất là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để hưởng ứng phát động thi đua tại các hội nghị, đại hội.
Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân và thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết; qua các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời. Kết hợp tổ chức phong trào thi đua thường xuyên hằng năm với tổ chức các phong trào thi đua theo chuyên đề để hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, chương trình, đề án trọng điểm; những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc mà dư luận và Nhân dân quan tâm. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phát hiện, biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn xã hội.
Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận trong toàn xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.