Tháng Tư một năm về trước, Đoàn công tác số 6 gồm 207 đại biểu đi tàu Trường Sa 571 thực hiện nhiệm vụ thăm, tặng quà trên các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK-1/11.
Chặng đầu của cuộc hành trình, chúng tôi được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển suốt 30 giờ để đến với đảo Song Tử Tây. Đây là khoảng thời gian khá dài để chúng tôi chiêm nghiệm thế nào là biển cả mênh mông. Ngoài những quy định về thời gian ăn - nghỉ, chúng tôi được phép leo lên khoang thủy thủ lái xem từng đoàn tàu của ngư dân ra khơi đánh bắt cá xa bờ. Được phép của trưởng tàu, chúng tôi giao lưu với bộ đội hải quân đang làm nhiệm vụ trên tàu để tìm hiểu về biển, đảo trên Quần đảo Trường Sa.

Qua chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ hải quân, chúng tôi hiểu thêm về lịch sử biển, đảo Tổ quốc. Thời xa xưa, hành trang ra khơi bám biển của các bậc tiền nhân chỉ bằng thuyền gỗ nhỏ với thiết bị thô sơ, kết hợp sức người chèo lái, thêm chút vốn kinh nghiệm. Ấy vậy mà người xưa vẫn vượt trùng khơi đến đảo xa để đặt mốc chủ quyền của đất nước. Các thế hệ kế tiếp xác định nhiệm vụ giữ gìn biển, đảo của Tổ quốc là sự khẳng định tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn xa của con người Việt Nam.

Bởi vậy, đã là những người lính làm nhiệm vụ nơi đảo xa, ai cũng nhớ lời Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Hôm nay đây, chúng tôi vượt trùng khơi ra với đảo xa bằng con tàu hiện đại với thế hệ thủy thủ trẻ được đào tạo bài bản, có kiến thức khoa học - kỹ thuật để vận hành theo thao tác ấn nút với những phương vị, tọa độ, kinh tuyến, vĩ tuyến ẩn hiện trên màn hình...
Chúng tôi rất xúc động khi được nghe câu chuyện của Đại úy Nguyễn Tiến Thành, cán bộ Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân về trận chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Máu đào của các chiến sĩ hòa cùng biển cả, tạo thành một tượng đài bất tử về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình yêu quê hương, đất nước.

Trò chuyện với Đại tá Phạm Minh Tuấn, thời điểm này giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân - Trưởng đoàn công tác số 6 thông tin thêm những câu chuyện về giải phóng các đảo trên Quần đảo trường Sa. Cụ thể, từ ngày 14 - 29/4/1975, bộ đội Quân khu V phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa do Ngụy quân Sài Gòn chiếm giữ. Lực lượng Hải quân của ta lần lượt làm chủ các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và một số đảo khác. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định: Thời điểm tháng Tư năm 1975, ta chớp thời cơ giành lại các đảo, thể hiện sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Quân ủy Trung ương. Thắng lợi của việc giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đã tạo ra một vành đai, một tiền đồn bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam...

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đảo nổi với tên gọi xã đảo Song Tử Tây. Sau khi thăm hỏi, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo, chúng tôi dành thời gian tìm hiểu thêm xã đảo này. Xã đảo Song Tử Tây với diện tích 0,21 km², có mạch nước ngọt để khoan 5 giếng đủ điều kiện phục vụ cuộc sống của quân và dân trên đảo. Khí hậu và thổ nhưỡng trên đảo rất phù hợp với các loại thực vật như cây tra, phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông đã tô điểm cảnh quan đẹp và xanh mát. Chúng tôi, ai cũng muốn lưu giữ kỷ niệm thật khó quên khi được nghe, được thấy các cháu học sinh ê a đánh vần và làm con tính qua sự hướng dẫn của hai thầy giáo từ trong đất liền xung phong ra đảo dạy học...

Trong những ngày tiếp theo, Đoàn công tác số 6 thăm, động viên, tặng quà bộ đội đang làm nhiệm vụ trên các đảo: Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B và đảo lớn Trường Sa. Chúng tôi đứng bên cột mốc chủ quyền trên đảo để nghe Thượng tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên Đảo Trường Sa kiêm Bí thư Đảng ủy thị trấn huyện đảo Trường Sa giới thiệu bức tranh toàn cảnh về đảo lớn Trường Sa. Nơi đây được mệnh danh là “thủ đô” của Quần đảo Trường Sa, với diện tích 0,365 km². Trên đảo có thể khoan sâu khai thác nguồn nước ngọt, kết hợp tích trữ nước mưa đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho quân và dân, góp phần tạo nên thành quả xanh hóa Trường Sa. Cuộc sống của người dân trên đảo không ngừng được cải thiện; khi màn đêm buông xuống, thị trấn Trường Sa rực sáng giữa biển khơi.
Hiện nay, thị trấn Trường Sa có Trung tâm Y tế được cung cấp trang thiết bị hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho quân và dân làm nhiệm vụ, sinh sống trên đảo. Đây cũng là điểm tựa tinh thần về chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Nhân dân và ngư dân đánh bắt cá trên biển. Trẻ em sinh ra, lớn lên trên đảo được đi học đến hết cấp tiểu học...

Trong hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi còn được thăm Nhà giàn DK- 1/11. Do sóng lớn nên Đại tá Phạm Minh Tuấn quyết định cho tàu làm thủ tục tặng quà qua những xuồng máy cỡ nhỏ; việc thăm, chúc mừng và nói lời tạm biệt cũng thực hiện qua hệ thống máy bộ đàm kết nối giữa tàu với nhà giàn. Cảm động nghẹn ngào xen lẫn nuối tiếc khi chúng tôi chỉ cách những người lính nhà giàn “trong gang tấc” mà không thể có cái bắt tay thật chặt hoặc cái ôm nồng ấm. Con tàu kéo một hồi còi dài thay lời tạm biệt rồi tăng tốc theo hướng trở về đất liền. Thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/11 cũng là nhiệm vụ cuối cùng trong chuyến công tác lần này của đoàn chúng tôi.

Vậy là chúng tôi từ biên cương Lào Cai đã có một hành trình vượt qua hàng trăm hải lý trên Biển Đông để đến với Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Được một lần ngắm nhìn Tổ quốc từ phía biển chứa đựng nhiều cảm xúc khó quên; được một lần hòa mình vào cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và những người dân ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng giữa trùng khơi... là những ký ức chúng tôi sẽ mãi gìn giữ, trân trọng. Xa Trường Sa vừa tròn một năm nhưng trong tôi không thể quên những ngày tháng Tư lịch sử tại Quần đảo Trường Sa.
