Thôn Cốc Sâm 1, xã Phong Niên có 121 hộ. Đây là một trong những thôn điển hình phát triển kinh tế của xã với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, trong đó phải kể đến mô hình phát triển kinh tế trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi ong lấy mật của gia đình ông Trần Hữu Thường.
Hiện gia đình ông Thường có hơn 100 cây nhãn, trong đó 50 cây nhãn lai đang cho thu hoạch năm thứ 4. Bên cạnh đó, gia đình ông duy trì 150 đàn ong, cho thu từ 500 - 1.000 lít mật/năm. Tổng thu nhập của gia đình ông Thường đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng tôi còn sức khỏe nên vẫn chăm chỉ phát triển kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu, cũng từ đó giáo dục con cháu đức tính cần cù, không ngừng nỗ lực vươn lên.
Tấm gương điển hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh Trần Hữu Thường đã góp phần lan tỏa phong trào phát triển kinh tế, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương Cốc Sâm 1. Anh Trần Quốc Toản, Trưởng thôn Cốc Sâm 1 cho biết: Để người dân vững tin, yên tâm phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, Tổ Tuyên vận thôn Cốc Sâm 1 đã bám sát chủ trương, chính sách, nhiệm vụ chính trị địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, đồng thời thông qua nêu gương điển hình làm kinh tế giỏi như hộ ông Thường. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ Tuyên vận cũng phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế. Cụ thể, 3 thành viên Tổ Tuyên vận thôn Cốc Sâm 1 đều có mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, từ đó người dân tin tưởng, làm theo. Đến nay, Cốc Sâm 1 có 40 hộ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, 60 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được nâng cao.
Phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, vận động, 16 tổ tuyên vận của xã Phong Niên đã thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền theo hướng dẫn của cấp trên và phù hợp với tình hình địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, như chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu, cây ăn quả; chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...
Kết quả, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 của xã đạt hơn 2.000 tấn; xã có hơn 370 ha cây ăn quả, giá trị thu hoạch đạt 5 tỷ đồng; 16 ha chè, sản lượng đạt 123 tấn; tổng đàn gia súc hơn 12 nghìn con, gia cầm hơn 164 nghìn con, hơn 72 ha mặt nước nuôi thủy sản. Kinh tế phát triển ổn định góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, năm 2023, Phong Niên có 10/16 thôn kiểu mẫu.
Cùng với Phong Niên, Sơn Hải cũng là địa phương phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động trong phát triển kinh tế. 7 tổ tuyên vận của xã tăng cường tuyên truyền, lan tỏa điển hình phát triển kinh tế trong Nhân dân, từ đó tạo khí thế thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đồng chí Tạ Văn Biên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Hải cho biết: Nội dung tuyên truyền, vận động tập trung định hướng cho người dân sản xuất thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Hiện Sơn Hải có 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm chuối ngự An Tiến xếp hạng OCOP 3 sao năm 2021, giải quyết việc làm cho 24 lao động địa phương, thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy lợi thế đất đai rộng, bằng phẳng, Sơn Hải đã phát triển mạnh chăn nuôi với 63 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Các hộ còn tích cực nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn khoảng 4%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 66 triệu đồng. Điển hình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế là tổ tuyên vận các thôn Cánh Địa, Cố Hải, An Tiến, Soi Chát, Nam Hải...
Huyện Bảo Thắng hiện có 14 ban tuyên vận xã, thị trấn, 188 tổ tuyên vận với 754 thành viên, 100% tổ tuyên vận do bí thư chi bộ làm tổ trưởng. Công tác tuyên truyền, vận động được quan tâm, ngày càng đi vào chiều sâu, đa dạng hình thức thông tin, tuyên truyền, qua đó các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương được chuyển tải kịp thời, tạo đồng thuận trong Nhân dân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung phát triển kinh tế được các tổ tuyên vận sáng tạo triển khai, góp phần đưa địa phương đạt kết quả quan trọng trên lĩnh vực này.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Bảo Thắng đạt bình quân 14,22%/năm, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 106 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người dân đạt 64,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,72%.
Xác định lĩnh vực đột phá là nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển theo hướng tập trung, hình thành vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm, định hướng này được các tổ tuyên vận bám sát tuyên truyền, vận động phù hợp với tình hình địa phương. Kết quả, Bảo Thắng đã hình thành vùng rau an toàn quy mô 100 ha, cây ăn quả 3.000 ha, chè hàng hóa 510 ha, quế 8.000 ha; toàn huyện hiện có hơn 400 trang trại, trong đó 110 trang trại cấp tỉnh...