Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Những cột mốc chủ quyền đặc biệt

Những cột mốc chủ quyền đặc biệt

Khi hoa đào đã nở trên triền núi, chúng tôi có dịp tham quan hai cột mốc chủ quyền đặc biệt nằm ở hai đầu tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai, đó là cột mốc 85 (2) ở thôn Hồng Ngài, xã Y Tý (Bát Xát) và cột mốc 171 (2) tại thôn Hóa Chư Phùng, xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai. Dù còn nhiều gian khó, người dân vùng biên giới vẫn kiên cường bám bản cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền đất nước. Đến đây, chúng tôi càng cảm nhận được sự thiêng liêng của từng tấc đất Tổ quốc.

Nơi đầu nguồn suối Lũng Pô

2.jpg
Cột mốc 85 (2) là điểm đánh dấu cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới Lào Cai.

Tuyến đường chính dẫn đến thôn Hồng Ngài đã được bê tông hóa, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn khoảng nửa giờ đồng hồ thay vì cả nửa ngày như trước đây. Nhiều năm quay lại, khung cảnh nơi đây đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn đó những hình ảnh quen thuộc gợi lên bao ký ức. Đó là căn nhà hai tầng đầu tiên ở Hồng Ngài của gia đình ông Vàng A Chung hay điểm trường Hồng Ngài nhỏ bé được dựng lên bằng vật liệu lắp ghép từ tấm lòng hảo tâm của một đơn vị thiện nguyện.

Chúng tôi đã có dịp đặt chân đến khắp các nẻo đường vùng cao Lào Cai nhưng mỗi lần đứng trên mảnh đất biên giới này, trong lòng lại bồi hồi khó tả. Mấy ai hình dung được rằng nơi biên viễn xa xôi này có những con người nhỏ bé vẫn ngày đêm kiên cường chống chọi trước thiên nhiên khắc nghiệt và những hiểm nguy luôn rình rập, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

3.jpg
Khu rừng già đầu nguồn suối Lũng Pô.

Từ trung tâm thôn Hồng Ngài lên cột mốc 85(2) khoảng 7 cây số, do tuyến đường đang trong quá trình thi công nên việc di chuyển vô cùng vất vả. Sau gần một giờ vật lộn với con đường khó nhằn, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cột mốc.

Nằm ở đầu nguồn suối Lũng Pô, bao quanh cột mốc 85(2) là khu rừng già và những nương thảo quả xanh tươi của bà con. Chỉ vào cánh rừng xanh với tán cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Ngài - Vàng A Sáo cho biết bà con lên rừng canh tác thảo quả vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhiều năm qua ở biên giới Hồng Ngài không có vụ việc phức tạp phát sinh.

Cột mốc 85 (2) là điểm đánh dấu cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới Lào Cai và điểm cuối trên tuyến biên giới Lai Châu. Do khu vực này địa hình hiểm trở, phía tỉnh Lai Châu tiếp cận cột mốc 84 rất khó khăn nên bộ đội biên phòng Lai Châu phải “mượn đường” tuần tra.

4.jpg
Bộ đội biên phòng giúp đồng bào các dân tộc biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thiếu tá Vương Xuân Khải, cán bộ Tổ công tác Hồng Ngài thuộc Đồn Biên phòng Y Tý đã gắn bó với mảnh đất này suốt 15 năm, kể rằng trước đây để tiếp cận cột mốc 85(2) chỉ có cách duy nhất là đi bộ ngược suối lên. Những ngày đầu anh mới nhận công tác, từ Đồn Biên phòng Y Tý đi bộ vào đây phải mất cả tuần trời. Về sau, tuyến đường dần được cải thiện, chỉ cần hành quân bộ từ thôn lên mốc. Mai đây khi tuyến đường biên giới hoàn thành, việc tuần tra sẽ thuận lợi hơn.

Cách đây 6 năm, trong lần đầu lên Hồng Ngài, chúng tôi tình cờ gặp thầy giáo trẻ Vàng A Má. Khi ấy, Vàng A Má vừa tốt nghiệp, được phân công về dạy tiểu học tại chính điểm trường quê hương mình. Thầy giáo Vàng A Má chia sẻ rằng, ngày trước, chính các chú bộ đội biên phòng đã định hướng và giúp đỡ để anh có cơ hội học tập, trưởng thành.

5.jpg
Thầy giáo trẻ Vàng A Má dạy chữ trên quê hương mình.

Hôm nay trở lại, chúng tôi bất ngờ khi thấy thầy giáo trẻ này vẫn ở đó, kiên trì gắn bó với nơi này. Suốt những năm qua, nhiều lớp học trò của thầy đã vượt chặng đường xa xôi để ra trung tâm xã tiếp tục học tập. Thầy giáo trẻ tin rằng những con chữ được gieo hôm nay sẽ trở thành hành trang để các em bước ra khám phá thế giới rộng lớn hơn, góp phần xây dựng quê hương Hồng Ngài ngày càng tươi đẹp. Nhiều em đã và đang theo học tại các trường chuyên nghiệp, trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Hồng Ngài thực sự đang đổi thay nhờ những người trẻ trưởng thành từ chính mảnh đất này. Chủ tịch UBND xã Y Tý - Vàng Láo Lở cho biết: Vàng A Sáo là một trong những bí thư chi bộ trẻ và năng động nhất ở Y Tý. Những ngày này, anh Sáo cùng cán bộ thôn vận động bà con triển khai chương trình xóa nhà tạm trên địa bàn.

Năm nay, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, địa phương có thêm 20 căn nhà được khởi công xây dựng. Tết này, nhiều hộ dân ở thôn Hồng Ngài sẽ vào nhà mới. Cuộc sống nơi biên giới đang từng ngày đổi thay, mang lại hy vọng và niềm tin mới cho người dân nơi đây.

Bình yên thung lũng sông Chảy

Chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Si Ma Cai hành quân xuống cột mốc 171(2) - mốc cuối trên tuyến biên giới Lào Cai. Cột mốc này nằm sâu dưới thung lũng sông Chảy. Từ đồn biên phòng nhìn xuống, khoảng cách có vẻ không xa nhưng hành trình lại khá vất vả khi phải vượt qua con đường ngoằn ngoèo dài khoảng 15 cây số, qua 3 thôn biên giới là Hóa Chư Phùng, Lũng Choáng và Dào Dần Sán (xã Nàn Sán) mới tới nơi. Đứng tại cột mốc 171(2), nhìn ngược lên, hai bên bờ sông là những vách đá dựng đứng, hiểm trở.

6.jpg
Người dân ở các thôn biên giới tham gia tuần tra cùng bộ đội biên phòng.

Ở nơi thượng nguồn này, dòng sông Chảy quanh năm mang một màu nước trong xanh tạo nên khung cảnh thơ mộng, những ngày mưa, nước từ vách đá tuôn xuống đẹp như trong tranh.

Khu vực biên giới này từng là một lối mở sầm uất, nhộn nhịp nhưng sau khi chính sách quản lý biên giới của phía bạn thay đổi, nơi đây đã trở nên trầm lắng hơn. Tuy vậy, các loại tội phạm vẫn không ngừng lợi dụng khu vực biên giới để thực hiện các hành vi phạm pháp như mua bán người, buôn lậu ma túy. Vì thế, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn phải căng mình làm nhiệm vụ, nâng cao cảnh giác.

7.jpg
Cột mốc 171 (2) nằm ven sông Chảy.

Tham gia tuần tra hôm nay, ngoài lực lượng cán bộ, chiến sĩ biên phòng có cả người dân thôn Lũng Choáng và Hóa Chư Phùng. Sau khi ổn định đội hình, Đại úy Giàng A Tờ, Đội trưởng Đội Vũ trang hô khẩu lệnh bắt đầu tuần tra biên giới dọc bờ sông và kiểm tra cột mốc. Suốt đường đi, Đại úy Tờ quan sát dọc biên giới, để ý từng điểm bất thường trên cỏ cây, tảng đá, anh bảo có những thứ mình tưởng bình thường, ngẫu nhiên nhưng có khi lại không phải như vậy.

Trước cột mốc 171(2), cả đội hình xếp thành hàng trang nghiêm đứng chào, đây không biết là lần thứ bao nhiêu họ làm nhiệm vụ nhưng lần nào cũng đong đầy cảm xúc.

Đại úy Giàng A Tờ cho biết bản thân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Si Ma Cai. Từ nhỏ, anh đã luôn ghi dấu hình ảnh bộ đội biên phòng không quản ngày đêm canh giữ biên cương và nuôi dưỡng ước mơ đi bộ đội. Ngày trúng tuyển vào bộ đội biên phòng, rồi sau đó được phân công về nhận nhiệm vụ trên chính mảnh đất quê hương luôn là những kỷ niệm không bao giờ quên của anh.

8.jpg
Mỗi cột mốc là một câu chuyện, ghi dấu từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Là một trong những hộ còn khó khăn của thôn, năm qua, gia đình ông Lùng Dỉ Tình ở thôn Hóa Chư Phùng đã được Đồn Biên phòng Si Ma Cai hỗ trợ mô hình nuôi dê.

Ông Tình mừng lắm bởi nay mai thôi, đàn dê phát triển, ông sẽ có nguồn thu nhập ổn định, từ đó yên tâm gắn bó với mảnh đất này. Chủ tịch UBND xã Nàn Sán - Lù Trá Cheng chia sẻ: Ở các thôn vùng cao biên giới, đất canh tác ít, nguồn nước khan hiếm nên tìm được sinh kế bền vững cho dân thật khó vô cùng. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội biên phòng là điểm tựa vững chắc đối với đồng bào các dân tộc nơi biên cương.

Lào Cai có hơn 182 km đường biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi cao và hiểm trở, nhiều sông, suối. Dọc tuyến biên giới còn biết bao cột mốc chủ quyền chúng tôi chưa đi đến được, mỗi cột mốc là một câu chuyện, ghi dấu từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc - những nơi đã được giữ gìn và bảo vệ bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ.

Những người như Bí thư Vàng A Sáo, thầy giáo Vàng A Má hay người nông dân mộc mạc như ông Lùng Dỉ Tình cũng chính là những cột mốc sống đang ngày đêm góp sức cùng bộ đội biên phòng giữ gìn phên giậu quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kết thúc cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Kết thúc cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi, một bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày non sông liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà sau hơn hai mươi năm bị chia cắt bởi chiến tranh và âm mưu đế quốc. Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là bản anh hùng ca kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, khép lại cuộc trường chinh đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Đặc sắc chương trình giao lưu văn nghệ "70 năm - Tự hào, vững vàng, tiến bước"

Đặc sắc chương trình giao lưu văn nghệ "70 năm - Tự hào, vững vàng, tiến bước"

Nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, tối 28/4, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Quân chủng Hải quân tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề: “70 năm - Tự hào, vững vàng, tiến bước”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 29/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

“Dân vận khéo” trong xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng cao

“Dân vận khéo” trong xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng cao

Những ngày này, các địa phương trong tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát để hoàn thành mục tiêu trước ngày 30/6/2025. Đối với các xã vùng cao của tỉnh, một trong những khó khăn, trở ngại là đồng bào dân tộc thiểu số có tục lệ kiêng kị và xem tuổi, chọn ngày đẹp, giờ đẹp để làm nhà. Để khắc phục khó khăn này, một số xã đã làm tốt công tác dân vận, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

[Infographic] 48 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

[Infographic] 48 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Tại kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh) đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai. Theo đó, sắp xếp 151 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 126 xã, 16 phường và 9 thị trấn) để thành lập 48 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 45 xã và 3 phường. Chi tiết như sau:

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đảng trong mùa Xuân đại thắng"

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đảng trong mùa Xuân đại thắng"

Tối 28/4, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đảng trong mùa Xuân đại thắng” diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Chương trình do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).

Hội thảo sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”

Hội thảo sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”

Chiều 28/4, Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh tổ chức Hội thảo sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

fb yt zl tw