Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News

Ngày mới trên “nóc nhà” Pa Cheo

ngay-moi-tren-noc-nha-pa-cheo-1.png
ngay-moi-tren-noc-nha-pa-cheo-3.jpg

Ngày đầu tháng Ba, từ trung tâm xã Pa Cheo, nhìn về phía đỉnh núi Bản Giàng chỉ thấy sương mù bao phủ trắng xóa. Ở đây là vậy, vùng đất Pa Cheo một mặt giáp xã Bản Xèo, một mặt giáp xã Tả Giàng Phình của Sa Pa nên mùa đông dường như kéo dài hơn, đến tận đầu xuân vẫn trong những ngày sương mù lạnh giá. Nhớ lại quãng đường đất đá gập ghềnh 15 km lên thôn Bản Giàng cách đây gần chục năm, tôi vẫn còn bị ám ảnh...

baolaocai-br_img-4988.jpg
Đường tới Bản Giàng còn nhiều đoạn sạt lở.
img-9449.jpg
Đường lên Bản Giàng đã đổ bê tông.

Khi tôi hỏi đường lên bản Mông xa nhất xã, anh Hầu A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Cheo rót chén nước chè bảo nhà báo yên tâm, cách đây 2 năm đường đến đầu thôn Bản Giàng đã được đổ bê tông rồi. Tháng 9/2024, mưa lũ làm 2 km đường bê tông qua thôn Tả Pa Cheo bị hỏng, hiện nay đi lại còn khó khăn. Tuy nhiên, để đến được bản Giàng không phải đi nửa ngày như trước nữa mà đi 1 tiếng đồng hồ thôi.

img-9450.jpg
Đường lên Pa Cheo đi qua những biển mây trắng bồng bềnh như tiên cảnh.

Để chiếc xe tay ga ở nhà, anh Chư lấy chiếc xe Win đưa chúng tôi lên Bản Giàng. Được khởi động, con “ngựa sắt” xì khói đen, tiếng nổ giòn tan khỏe khoắn, vượt đoạn đường dốc ngược để lên bản Mông. Đúng như anh Chư dự đoán lúc ở UBND xã, chúng tôi đi khoảng 5 km, vượt qua biển sương mù đến đầu thôn Tả Pa Cheo, Séo Pa Cheo thì sương tan dần, nắng ấm bừng lên, bầu trời hiện ra trong xanh không một gợn mây. Vượt qua con dốc dài, băng qua những đoạn đường sạt lở chênh vênh bên sườn núi, lên tới đỉnh rừng già nhìn xuống có thể thấy thôn Tả Pa Cheo, Séo Pa Cheo với những ngôi nhà lợp mái tôn xanh, đỏ hiện ra giữa biển mây trắng bồng bềnh đẹp như một bức tranh.

baolaocai-br_img-4987.jpg
Những khúc cua tay áo thử thách người lái xe.

Từ đây, chúng tôi xuôi dốc theo tuyến đường bê tông mềm mại uốn lượn dưới khu rừng cổ thụ xuống thung lũng nơi con suối chảy qua, rồi lại ngược dốc lên thôn Bản Giàng cheo leo trên sườn núi. Quả thực, ai muốn thử cảm giác mạnh thì chỉ cần ngồi sau xe máy để đến Bản Giàng. Nhiều lúc tim tôi thắt lại vì sợ hãi khi xe liên tục xuống dốc sâu, có khúc cua gấp như tay áo, bên dưới là vách đá với vực sâu. Vậy mà tuyến đường bê tông này là niềm mơ ước của đồng bào Mông thôn Bản Giàng suốt mười mấy năm qua, nay đã thành hiện thực.

ngay-moi-tren-noc-nha-pa-cheo-4.jpg

Từ xa nhìn lại, thôn Bản Giàng hiện ra sau lớp sương tan dần với hơn 50 nóc nhà nằm rải rác trên sườn núi dốc. Anh Chư chỉ về phía thôn Bản Giàng bảo vùng đất này trước đây không có người ở, nhưng đất đai rộng rãi, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nên một số hộ người Mông vào tận đây trồng cây anh túc để lấy nhựa thuốc phiện. Về sau, khi cây anh túc bị xóa bỏ, đồng bào Mông ở thôn Pờ Sì Ngài do thiếu đất canh tác đã chuyển vào đây trồng ngô, làm ruộng bậc thang để cấy lúa, rồi dần dần xây dựng thành bản như ngày hôm nay.

baolaocai-br_img-5019.jpg
Bản người Mông hiện lên trong biển mây.

Ở nơi xa xôi, heo hút, cách trở về giao thông, không có điện lưới, không có sóng điện thoại để liên lạc, suốt hơn chục năm qua, thôn Bản Giàng giống như “ốc đảo” giữa đại ngàn. Niềm vui đến với đồng bào Mông khi được Nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông vào tận đầu thôn, rồi cuối năm 2023, bà con vỡ òa niềm vui khi có điện lưới quốc gia, rồi có cả sóng điện thoại để liên lạc với bên ngoài.

baolaocai-br_img-4986.jpg
Người dân hỗ trợ nhau làm nhà.

Tôi dạo quanh thôn Bản Giàng giữa ngày nắng ấm. Từ xa đã nghe thấy tiếng cưa xẻ rè rè, tiếng người nói chuyện rôm rả phía cuối thôn. Hôm nay, hàng chục người dân trong thôn đến giúp gia đình anh Hầu A Chu dỡ ngôi nhà gỗ đã cũ để dựng nhà mới. Anh Chu phấn khởi bảo, nhà cũ làm hơn chục năm nên cũng hư hỏng, mục nát rồi. Thật vui vì có Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ nên gia đình được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa lại nhà ở cho vững chắc, thoáng đãng.

Cách nhà anh Chu không xa, một số ngôi nhà cũng mới được hoàn thành. Anh Lý A Phải bảo nhà bị sạt lở sau trận mưa lũ tháng 9/2024, được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, anh đã làm được ngôi nhà mới kiên cố, an toàn cách vị trí cũ gần 1 km. “Gia đình tôi rất vui vì vừa qua được đón Tết trong ngôi nhà mới. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào Mông thôn Bản Giàng, giúp bà con vơi bớt khó khăn sau thiên tai” - anh Phải xúc động.

ngay-moi-tren-noc-nha-pa-cheo-6.png

Không chỉ nhà của bà con, mà phấn khởi hơn nữa là điểm trường của thôn cũng đang được Nhà nước quan tâm xây mới. Thầy giáo Nguyễn Văn Tôn, người có 15 năm công tác ở vùng cao Pa Cheo, trong đó có 4 năm “cắm bản” ở Bản Giàng chia sẻ: Điểm trường Mầm non - Tiểu học Bản Giàng có 54 học sinh mầm non và tiểu học (lớp 1, lớp 2) và 4 thầy cô giáo. Khó khăn là các lớp rất chật hẹp, nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa khi ngôi trường mới hoàn thành, thầy cô và các con sẽ có lớp học kiên cố, rộng rãi.

ngay-moi-tren-noc-nha-pa-cheo-7.png
ngay-moi-tren-noc-nha-pa-cheo-5.jpg

Chúng tôi đến Bản Giàng đúng vào mùa hoa đào đang nở. Ở vùng đất hoang sơ này, đào là loài cây dễ mọc, dễ sống và sinh sôi mạnh nhất. Nhà người Mông nào cũng trồng đào, tạo thành những hàng đào tự nhiên bao quanh vườn, trước cổng nhà, hai bên đường. Có những cây đào gốc xù xì, thân cành bám đầy rêu mốc, tỏa tán sum suê. Đào đá ở Bản Giàng thường nở muộn hơn nơi khác vì thời tiết giá lạnh, nhưng nụ mập, bông hoa to và đỏ đậm, khi đã nở thì đẹp đến nao lòng.

baolaocai-br_img-4971.jpg
Hoa đào trên Bản Giàng.

Anh Trương Văn Út, cán bộ văn hóa xã Pa Cheo là người mê vẻ đẹp của những vườn đào đá Bản Giàng nên năm nào cũng vượt chặng đường dốc vào thôn chụp ảnh, ngắm hoa đào nở. Anh Út bảo trước đây người Mông ở Bản Giàng chỉ trồng đào cho đẹp, lấy quả ăn, nhưng bây giờ nhiều hộ dân có thêm thu nhập nhờ bán đào. Có những người làm trang trại, nhà vườn, mê vẻ đẹp của đào đá Bản Giàng không ngại đường xa lên đây mua cả xe cây đào về trồng làm cảnh.

baolaocai-br_img-4973.jpg
Đào được bán để làm cảnh.

Anh Lý Ái Mình, Trưởng thôn Bản Giàng nhìn những vạt đào nở rộ, tươi cười: Dịp Tết năm nay, nhà ông Sùng A Hù bán được trên 70 triệu đồng nhờ trồng đào. Với khát vọng thoát nghèo, có 30 hộ dân đã vượt dốc đá cheo leo lên khu đất bằng phẳng trên núi Bản Giàng để trồng đào, mỗi hộ có vài trăm gốc đào. Ngoài ra, người Mông trong thôn còn trồng khoảng 6 ha cây lê đường. Đây là giống lê mới, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao hơn lê Tai nung. Chỉ khoảng 5 năm nữa, cây đào, cây lê sẽ đem lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con nơi đây.

baolaocai-br_img-4975.jpg
Người dân đang trồng mới đào.

Tôi hỏi bà con thôn Bản Giàng còn khó khăn gì và mong muốn điều gì nữa? Trưởng thôn Bản Giàng bộc bạch: Đồng bào Mông nơi đây chỉ mong thời gian tới thôn có mạng internet để kết nối với bên ngoài, biết được thêm nhiều thông tin, đoạn đường trung tâm thôn sớm được đổ bê tông để bà con đi lại đỡ vất vả. Thêm nữa là tuyến đường kết nối sang thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan sớm hoàn thành để bà con phát triển du lịch, đón du khách sang Bản Giàng ngắm hoa đào nở.

baolaocai-br_img-4982.jpg
Cuộc sống vui tươi, no ấm đang hiện hữu ở Bản Giàng.

Chúng tôi chia tay Bản Giàng khi sương mờ đã bắt đầu tràn xuống khiến cảnh vật dần mờ ảo, nhưng trong lòng thêm vui khi nghe Trưởng thôn Lý A Mình bảo năm 2024 thôn có tới 17 hộ thoát nghèo, chỉ còn 12 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Ở nơi “nóc nhà” xã Pa Cheo ngút ngàn sương gió, khát vọng và niềm tin về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người Mông nơi đây ngày càng mãnh liệt n

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai ghi nhận 1 ca viêm não mô cầu

Lào Cai ghi nhận 1 ca viêm não mô cầu

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện bệnh viện đang điều trị 1 bệnh nhân mắc não mô cầu sinh năm 2016, trú ở Bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng thành lập đoàn điều tra, giám sát tại địa phương - nơi bệnh nhi sinh sống.

Động đất độ 5.0 tại Điện Biên: Người dân cảm nhận rung lắc mạnh

Động đất độ 5.0 tại Điện Biên: Người dân cảm nhận rung lắc mạnh

Đánh giá về trận động đất có độ lớn 5.0 vừa xảy ra tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát địa chấn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (thuộc Viện Các khoa học Trái đất) cho biết: Trận động đất này có độ rủi ro thiên tai tương ứng cấp 2.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 7 tỉnh miền núi phía bắc

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 7 tỉnh miền núi phía bắc

Dự báo, trưa và chiều 16/5 , khu vực các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Cao Bằng có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi mưa rất to, lượng mưa trên 80mm. Cảnh báo lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện thuộc các tỉnh trên.

fb yt zl tw