Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thanh Quang, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai về nội dung này.
- Thưa ông, những vấn đề của tình hình khu vực, quốc tế đang có tác động đến công tác đối ngoại của Lào Cai?
Chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi rõ rệt, các vấn đề quốc tế của khu vực và trên thế giới có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam nói chung và tỉnh biên giới Lào Cai nói riêng. Đó là cuộc xung đột Nga - Ukraina; xung đột ở Trung Đông ; sự cạnh tranh giữa các nước lớn và manh nha hình thành trật tự thế giới đa cực; di chứng của khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19... Ngoài ra, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, an ninh quốc gia là các thế lực thù địch từ bên ngoài vẫn chưa từ bỏ việc tăng cường chống phá, tạo ra các yếu tố bất ổn từ trong lòng xã hội nước ta.
- Trong điều kiện đó, công tác đối ngoại của tỉnh Lào Cai đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
Đứng trước hình đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, quản lý điều hành thống nhất của UBND tỉnh, công tác đối ngoại của tỉnh vẫn thu nhiều thắng lợi, mối quan hệ với các địa phương nước ngoài được duy trì, như với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), tỉnh Brest (Cộng hòa Belarus). Với tỉnh Vân Nam, trong năm 2023, Lào Cai tham gia Hội nghị lần thứ 3 giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh của Việt Nam với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) và Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) diễn ra tại tỉnh Hà Giang; trong 6 tháng đầu năm 2024, Lào Cai có 3 đoàn cấp cao thăm và làm việc tại Vân Nam.
Đó là chuyến thăm và làm việc với Tỉnh ủy Vân Nam của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào tháng 1/2024 và tham gia Hội nghị thường niên lần thứ 4 giữa các Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Nhóm Công tác liên hợp diễn ra tại Trung Quốc; đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự Giao lưu xuân biên giới. Ngoài ra, hai tỉnh tiếp tục trao đổi nhiều đoàn công tác các cấp, các ngành và tổ chức nhiều sự kiện hợp tác giữa hai bên về kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, thể thao...
Trong năm 2023, Lào Cai tiếp tục là điểm đến của nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ốtxtrâylia, Canada, Hoa Kỳ, Phi-líp-pin, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, UAE, Indonesia tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đón tiếp, làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.
Tỉnh Lào Cai cũng đón nhiều đoàn khách quốc tế khác như Đoàn đại biểu UNICEF Bỉ do Hoàng hậu kiêm Chủ tịch danh dự UNICEF Vương quốc Bỉ làm trưởng đoàn; Đoàn Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam (KOVECA); Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO); Đoàn Ủy ban Kiểm toán Indonesia; Đoàn Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Cộng hòa Namibia; Trưởng cơ quan đại diện Phát triển Pháp (AFD); các đoàn doanh nghiệp nước ngoài như Tổng Công ty đất hiếm Ấn Độ, công ty EREX - Nhật Bản; nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay đã phối hợp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công giao lưu quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại Lào Cai; tổ chức thành công sự kiện ngày Quốc tế Yoga lần thứ X tại thị xã Sa Pa...
- Việc vận dụng sáng tạo đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam” vào định hướng đối ngoại của tỉnh được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam” là vấn đề có tính lý luận, khái quát, mang tầm trí tuệ sâu sắc, là "di sản" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho đời sau. Đường lối có sự vận dụng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa thực tiễn kết quả ngoại giao của Đảng qua gần 90 năm. Với tầm quốc gia, đó là đường lối ngoại giao với quan điểm là “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”, về giá trị tư tưởng, “cây tre” thể hiện tinh thần, khí phách, sự kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Vận dụng đường lối “ngoại giao cây tre” vào điều kiện thực tế của Lào Cai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu rõ chủ trương nhất quán của đường lối đối ngoại của Lào Cai là đảm bảo độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; kết hợp hài hòa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; tăng cường các hoạt động đối ngoại, trong đó xác định hợp tác, đối ngoại về chính trị, kinh tế, văn hóa và quản lý biên giới lãnh thổ là trọng tâm; xây dựng Lào Cai trở thành địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, giai đoạn 2020 - 2025” (Đề án số 11).
- Và việc phát huy trên thực tế!?
Tôi lấy ví dụ như thế này: Sau một số chuyến thăm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam tới Lào Cai, nhận lời mời từ phía bạn, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong dẫn đầu đã tới thăm Ấn Độ, tại đây đã có các chương trình xúc tiến du lịch, văn hóa, đầu tư. Kết quả là lượng du khách Ấn Độ đến Lào Cai, Sa Pa tăng vọt. Cùng với đó là các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, tìm hiểu thị trường, tiềm năng của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn Ấn Độ tại Lào Cai được thúc đẩy và diễn ra liên tục. Tương tự, Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ nhất theo sáng kiến của tỉnh Lào Cai, lượng du khách Thái Lan tới Sa Pa, Lào Cai cũng đã tăng thời gian qua. Hay chuyến thăm, làm việc tới Nhật Bản của Đoàn đại biểu Lào Cai do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường tới Nhật Bản cũng là một ví dụ điển hình. Có rất nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư vào Lào Cai trong chuyến công tác đó của Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai và triển vọng thực tế đã mở ra.
Trong tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng chủ động thiết lập, củng cố mối quan hệ hợp tác với đại diện các tập đoàn kinh tế lớn, các định chế tài chính quốc tế có đại diện ở Việt Nam thông qua kết nối trực tiếp, các buổi làm việc giữa hai bên. Điều đó có thể thấy rằng đường lối “ngoại giao cây tre” ở đây đã được vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả, hướng đến mục tiêu chung là “hợp tác, phát triển”, huy động nguồn lực, tạo lợi thế để Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Việc vận dụng sáng tạo đường lối ngoại giao chủ động, uyển chuyển còn có kết quả là tỉnh thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài với các yêu cầu đảm bảo giữ vững nguyên tắc “độc lập, tự chủ”, giữ vững ổn định chính trị, an ninh chủ quyền biên giới quốc gia, an toàn trật tự xã hội.
- Xin cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn!