Lật từng trang Lịch sử Đảng bộ huyện Si Ma Cai, trở lại năm 1966, khi mới thành lập huyện, vùng đất in dấu ngựa thần rất hoang sơ, ít người biết đến, chủ yếu là địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số.
Do địa hình dốc núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, thu nhập phụ thuộc vào nương đồi và những vụ mùa ngắn hạn nên cuộc sống của người dân rất bấp bênh. Phần lớn hộ dân trong diện thiếu đói, trên 80% dân số mù chữ và tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu.
Giao thông gặp vô vàn khó khăn và nơi đây gần như bị tách biệt. Những thôn bản rải rác trên núi cao, thiếu ánh sáng điện; đường giao thông nhỏ hẹp quanh co, hạ tầng cơ sở thô sơ.
Trong thời điểm ấy, Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai lần thứ I (giai đoạn 1966 - 1968) là dấu mốc quan trọng, định hướng chủ trương, đường lối phát triển, đoàn kết Nhân dân các dân tộc vượt qua nghèo nàn, lạc hậu. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, mở ra phong trào phát triển hợp tác xã trong toàn huyện.
Đến năm 1968, Si Ma Cai đã có 99 hợp tác xã với hơn 2.800 hộ xã viên. Chính phong trào phát triển hợp tác xã đã giúp cuộc sống đồng bào vùng cao nơi đây dần ổn định, dần xóa bỏ tập quán du canh, du cư...
Không chỉ tập trung sản xuất, giai đoạn 1966 - 1975, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Si Ma Cai đã làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến, đóng góp tích cực vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi đất nước hòa bình, huyện Si Ma Cai tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tập trung củng cố lực lượng dân quân ở cơ sở vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, gìn giữ mảnh đất quê hương.
Đến năm 1979, huyện Si Ma Cai sáp nhập vào huyện Bắc Hà và sau hơn hai thập niên, ngày 18/8/2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới huyện Bắc Hà để tái lập huyện Si Ma Cai.
Trải qua 24 năm tái lập và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự điều hành linh hoạt của chính quyền các cấp, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai đã phát huy truyền thống, đoàn kết, năng động, sáng tạo từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Người dân được tiếp cận với chính sách hỗ trợ phát triển vùng cao, biên giới, không ngừng cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống.
Huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là hạ tầng được đầu tư, tất cả tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn đã được cứng hóa. Hạ tầng điện - trường - trạm được quan tâm đầu tư, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững dần hình thành, giúp người dân từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong giai đoạn 2020 - 2025 duy trì ở mức cao, bình quân đạt 9,5%/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực đạt hơn 22 nghìn tấn.
Đồng chí Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: Si Ma Cai hôm nay so với những ngày đầu thành lập đã có những bước tiến vượt bậc, hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân nơi đây bứt phá, vươn lên.
Nhìn lại chặng đường đã qua, 58 năm là khoảng thời gian không quá dài trong dòng chảy lịch sử, nhưng đối với Si Ma Cai, đó là một hành trình đầy nỗ lực.
Đồng chí Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Hành trình gần 6 thập niên từ một huyện nghèo khó nơi biên cương, Si Ma Cai đã đi qua nghèo đói, lạc hậu và đang vươn mình, tiến về phía trước với sức sống mới và khát vọng phát triển.
Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vẫn còn những thử thách, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai sẽ tiếp tục đoàn kết để xây dựng địa phương trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp, du lịch và văn hóa; bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới của Tổ quốc.