Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Giải “cơn khát” tại một trường học vùng khó

Giải “cơn khát” tại một trường học vùng khó

Ngày công trình cấp nước hoàn thành là dấu mốc không thể quên đối với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú THCS Thẳm Dương (huyện Văn Bàn). Từ đây, “bài toán” thiếu nước sinh hoạt đã có lời giải.

Trái ngược với hình ảnh của những năm học trước, thời điểm này, Trường PTDT bán trú THCS Thẳm Dương ngập tràn niềm vui. Công trình nước sinh hoạt với 2 giếng khoan cùng hệ thống năng lượng mặt trời đã chấm dứt hành trình “ngược, xuôi” lo nước sinh hoạt của cả thầy và trò nhà trường.

292.jpg

Ngược thời gian về năm 2012, khi đó trường được nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ đổi loại hình từ trường THCS sang trường PTDT bán trú THCS. Đến năm 2019, trường được đầu tư xây mới 1 bể nước với dung tích 30 m3 và 3 téc nước, mỗi téc có dung tích khoảng 3 m3 để phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, qua mỗi năm học, số lượng học sinh lại tăng (năm học 2024 - 2025, trường có 216 học sinh, trong đó 110 học sinh bán trú) trong khi cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp khiến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt tại trường gặp nhiều khó khăn.

Theo thầy giáo Lương Cảnh Toàn, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Thẳm Dương, do trường thuộc địa bàn xã vùng III nên điều kiện học tập và sinh hoạt rất khó khăn, trong đó việc đảm bảo nguồn nước trong nhà trường là vấn đề nan giải. Những năm qua, hệ thống cấp nước của trường để phục vụ sinh hoạt cho học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú không ổn định. Mùa khô, tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, còn khi trời mưa, lượng cát bẩn, rác thải trên đầu nguồn tích tụ khiến nước trở nên đục ngầu, không thể sử dụng. Ngoài ra, vào mùa đông, do trường chưa có hệ thống nước nóng nên học sinh phải mang củi từ nhà đến trường để đun nước tắm.

Nhớ về khoảng thời gian khó khăn ấy, thầy giáo Lương Cảnh Toàn trầm ngâm: Để khắc phục, nhà trường thường xuyên vận động thầy cô giáo và học sinh sử dụng tiết kiệm nước nhất có thể. Ngoài ra, sau mỗi giờ học, giáo viên cùng học sinh thay phiên đi lấy nước từ khe suối, đi xin hoặc mua lại của người dân rồi tích trữ trong các téc nước để dùng dần. Tuy vậy, đó chỉ là giải pháp tình thế, phần lớn thầy và trò vẫn phải chịu cảnh “khát” nước suốt nhiều năm qua.

293.jpg

Trước những vất vả, khó khăn ấy, tháng 11/2024, khi nhận được thông tin có đơn vị thiện nguyện tổ chức khảo sát, hỗ trợ xây dựng giếng khoan nước và hệ thống năng lượng mặt trời, giáo viên, học sinh của trường rất phấn khởi. Sau những ngày tháng vất vả vì thiếu nước, cuối cùng “bài toán” ấy cũng đã có lời giải. Như tâm sự của thầy Toàn, mọi khó khăn “dồn nén” bao năm giờ được hóa giải nên cảm xúc của cả thầy và trò đều “vỡ òa”.

Có nguồn nước phục vụ sinh hoạt dồi dào, có lẽ em Triệu Thị Khách, học sinh lớp 9 là người vui nhất. Suốt gần 4 năm theo học tại trường, Khách hiểu rõ những khó khăn khi sinh hoạt do thiếu nước. Em Khách chia sẻ: “Trong những năm qua, em cùng các bạn gặp nhiều khó khăn vì nguồn nước luôn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và sinh hoạt. Giờ có giếng khoan dẫn nước về tận khu bán trú và có sẵn nước nóng để sử dụng, em và các bạn mừng lắm”.

Niềm vui của thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Thẳm Dương có được ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, trong đó có Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Với vai trò cầu nối, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức khảo sát, kết nối với các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ để giúp Trường PTDT bán trú THCS Thẳm Dương xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt.

Nhờ sự tâm huyết, sát sao của lãnh đạo, cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chỉ sau 3 tháng thi công, công trình cấp nước với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 150 triệu đồng của Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam đã được bàn giao và đưa vào sử dụng cuối tháng 1/2025 trong niềm vui vô bờ bến của giáo viên và học sinh Trường PTDT bán trú THCS Thẳm Dương.

294-8720.jpg

Bà Vàng Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Công trình cấp nước sinh hoạt tại Trường PTDT bán trú THCS Thẳm Dương là một trong rất nhiều công trình nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện trong thời gian qua. Sau hơn 3 tháng thi công, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và được đưa vào sử dụng ngay khi học sinh tựu trường để bắt đầu học kỳ mới.

Với việc xây dựng công trình này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hy vọng cải thiện điều kiện sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe tốt cả về thể chất, tinh thần cho thầy cô cùng học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại trường.

Bà Vàng Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình nhân đạo để đem lại những điều kiện tốt nhất trong công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những trường học ở vùng đặc biệt khó khăn”, bà Vàng Thị Mai Hương cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tạo hệ sinh thái sử dụng ngoại ngữ để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Tạo hệ sinh thái sử dụng ngoại ngữ để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó xác định nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, giải pháp gốc rễ là cần thay đổi cách dạy, cách học, cách thi, cách tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục ngoại ngữ hiện nay.

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những hoạt động giáo dục lòng yêu nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi, tràn đầy cảm xúc. Các em học sinh từ mầm non đến trung học không chỉ được học về lịch sử mà còn được trải nghiệm những hoạt động thực tế, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vinh danh 18 “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”

Vinh danh 18 “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”

Ngày 29/4, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Vòng Chung kết toàn quốc Ngày hội “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”, Viết chữ đẹp: “Nét chữ - Nết người” lần thứ XXIII và Bảng vàng ghi danh lần thứ V, năm học 2024 - 2025 đã diễn ra trong không khí sôi nổi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Còn nhiều việc phải làm, tuyệt đối không chủ quan

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Còn nhiều việc phải làm, tuyệt đối không chủ quan

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra. Kỳ thi năm nay đặc biệt quan trọng bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính.

[Ảnh] Trường học Lào Cai sôi nổi các hoạt động hướng về ngày đại thắng của dân tộc

[Ảnh] Trường học Lào Cai sôi nổi các hoạt động hướng về ngày đại thắng của dân tộc

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều hoạt động ý nghĩa cho học sinh đã được các trường học các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai sôi nổi, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào, biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

fb yt zl tw