Hơn 3 tháng trở lại đây, cứ buổi chiều có gió, anh Nguyễn Trung Kiên, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) lại ra sân vận động tập các động tác bay. Tự đón hướng gió, tập chạy và các thao tác trên mặt đất, anh mong có cơ hội được chính thức bay lượn trên bầu trời.
Anh Kiên biết đến dù lượn khi huyện Bát Xát lần đầu tiên tổ chức môn thể thao này tại xã Sàng Ma Sáo và “phải lòng” môn thể thao này ngay khi thấy các phi công bay lượn trên bầu trời một cách thuần thục. Vốn là người thích các môn thể thao như chạy bộ, leo núi, nhiều đỉnh núi, những cung đường trekking đã được anh khám phá và giờ đây “chinh phục” bầu trời là mục tiêu tiếp theo mà anh Kiên đặt ra cho mình. Từ ngày biết về dù lượn, anh tích cực tìm hiểu, tìm cơ hội để được tham gia bay. Tuy nhiên, hầu hết lớp dạy bay và tổ chức bay thường ở các thành phố lớn hoặc các địa phương khác. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều năm đã qua, giấc mơ của anh vẫn chưa được thực hiện.
Sau một thời gian tìm hiểu, anh biết một số người trên địa bàn thành phố Lào Cai cũng yêu thích môn này, thậm chí có người đã bay thuần thục nên đã làm quen và nhờ chỉ dẫn. Anh Kiên tâm sự: "Mỗi ngày, tôi đều nghiêm túc tập luyện, hy vọng sẽ sớm được thể hiện các kỹ năng mà mình học. Dù lượn không có nhiều động tác nhưng đòi hỏi người chơi phải cẩn trọng và có sức bền. Khó khăn và mệt nhất là chạy để cất cánh, khi đó cần sự bổ trợ từ các môn thể thao mà tôi yêu thích trước đó như leo núi, chạy bộ...".
Khác với anh Trung Kiên, anh Hồ Sĩ Chung, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) đã có kinh nghiệm bay dù lượn nhiều lần. Anh Chung là người thích mạo hiểm, khám phá, ước mơ được bay lượn ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao nên môn đầu tiên anh tìm hiểu là nhảy dù. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở tìm hiểu và nghiên cứu. Dần dà, anh quen biết một số người bạn ở Hà Nội và biết đến dù lượn.
Chia sẻ về lần đầu được bay, anh Chung cho biết: Cảm giác lâng lâng, sung sướng, cơ thể mình được nhấc lên cao, tầm nhìn mở rộng bao la, thấy rõ những ngôi làng, sông suối, núi đồi từ trên cao. Xen lẫn cảm giác đó là sự sợ hãi, cố gắng làm chủ bản thân khi cơn gió thổi qua, toàn bộ cơ thể như muốn văng ra ngoài không gian vô tận.
Dần dần anh cũng quen, bởi kinh nghiệm bay nhiều hơn, kiểm soát cánh dù tốt hơn. Dù lượn cất cánh từ đỉnh đồi và hoạt động hoàn toàn trên cao nên thường được xếp vào loại hình thể thao mạo hiểm, đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe, can đảm.
Nói về rủi ro và sự mạo hiểm của bộ môn này, anh Chung chia sẻ: Rủi ro thì môn thể thao mạo hiểm nào cũng có, nếu đem so sánh thì môn dù lượn có độ an toàn rất cao và có quy tắc an toàn khắt khe nên giảm thiểu được phần lớn rủi ro. Những rủi ro thường xảy ra do người chơi chủ quan, chưa nắm chắc kỹ thuật mà đã bay, khi bay tinh thần chưa tốt và thiếu kinh nghiệm xử lý sự cố.
Anh Chung là người bay độc lập nên mỗi lần bay anh đều dành thời gian tìm hiểu, học hỏi rất nhiều về lý thuyết lẫn thực hành môn này và xem xét kỹ lưỡng mọi tình huống trước khi cất cánh. Một mình giữa bầu trời rộng lớn, trên độ cao hàng trăm mét, những người chơi dù lượn như anh Chung được tôi luyện tinh thần thép, ý chí kiên định và sự điềm tĩnh, vững vàng để xử lý các tình huống bất ngờ.
“Điểm thú vị của dù lượn là kỹ thuật tìm ra các cột khí nóng hoặc các cơn gió bật vào núi để nâng dù lên. Nếu biết chế ngự các cơn gió, người chơi dù lượn lâu năm có thể du hành trên những cơn gió nhiều giờ”, anh Chung chia sẻ thêm.
Ngoài bay độc lập, người chơi có thể bay đôi với sự hỗ trợ từ phi công hoặc người bay có nhiều kinh nghiệm. Với người đam mê môn thể thao này, khi kỹ thuật bay còn hạn chế có thể lựa chọn hình thức bay đôi.
Là người ưa mạo hiểm, chị Lương Thị Việt Hưng (phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa) đã có 3 lần bay lượn trên bầu trời. Chị Hưng tâm sự: "Lần đầu được bay, tôi rất hồi hộp, có chút lo lắng. Thế nhưng, nhờ sự động viên và hướng dẫn nhiệt tình của các phi công nên tôi tự tin và yên tâm hơn. Lần đầu tiên được bay lên cao, cơ thể ở giữa khoảng không bao la, chơi đùa với những đám mây, với từng cơn gió, tôi như quên đi mọi thử thách trong cuộc sống hằng ngày".
Chị Hưng cũng cho biết thêm: Đây là môn cho nhiều cảm xúc, từ sợ hãi đến phấn khích. Nếu có điều kiện về kinh tế và thời gian thì nhất định tôi sẽ tham gia nhiều hơn nữa hoặc có thể học thêm về môn này để bay độc lập.
Ngày nay, dù lượn đang trở nên phổ biến. Ở Lào Cai hiện chưa có lớp học hoặc câu lạc bộ nào về môn này. Một số người yêu thích dù lượn tự trao đổi và tập luyện. Vừa qua, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Hội Dù lượn thành phố Hà Nội tổ chức khảo sát địa điểm bay dù lượn tại địa phương. Qua khảo sát thực tế, khu vực đồi Trứng, thôn Sỉn Trồ, xã Dền Thàng được các phi công đến từ Hội Dù lượn thành phố Hà Nội đánh giá rất cao. Đây là một trong những địa điểm đẹp, có địa hình và điều kiện thuận lợi để người đam mê dù lượn thi triển kỹ năng bay. Địa điểm hạ cánh tại thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo là nơi lý tưởng với địa hình tương đối bằng phẳng.
Mỗi năm, vào mùa thu, huyện Bát Xát đều tổ chức trình diễn và tạo cơ hội để du khách được tham gia bay dù lượn. Với những trải nghiệm thú vị và chất tự do rất riêng của dù lượn, chắc chắn đây sẽ là môn thể thao phát triển trong thời gian tới trên địa bàn Lào Cai.