Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong các buổi sinh hoạt đảng, cơ quan, Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát đã quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên, kế hoạch của đảng ủy cơ quan đến cán bộ, đảng viên và người lao động. Đơn vị xác định, việc học tập và làm theo Bác phải bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực và gắn với hoạt động chuyên môn.
Xuất phát từ thực tế địa bàn quản lý rộng (diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 70.500 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 51.900 ha); địa hình chia cắt mạnh; người dân tại 201 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng vẫn còn coi việc khai thác rừng là nguồn sống nên để thay đổi nhận thức không hề đơn giản; trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng người dân săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản trái phép...
Ông Bùi Quốc Túy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Học Bác ở phong cách quần chúng, đơn vị hướng cho cán bộ, đảng viên phải lắng nghe tiếng nói cơ sở, có tác phong gần gũi, chia sẻ với dân. Gần dân với kiểm lâm ở đây là thái độ thân thiện, khi dân cần hỏi, thắc mắc điều gì phải giải đáp thấu đáo, sẵn sàng nghe ý kiến phản ánh. Cán bộ ở các trạm phải tích cực bám thôn, bám hộ dân nắm tình hình; cán bộ chuyên môn phải thường xuyên bám sát các cơ sở chế biến lâm sản để tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Hằng năm, đơn vị tổ chức trên 250 cuộc cho cán bộ xuống cơ sở tiếp xúc với dân, tuyên truyền cho hơn 21.000 lượt người về Luật Lâm nghiệp; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các thôn, hộ sống gần rừng; tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng hơn 6.000 lượt. Nhờ đó, diện tích rừng được bảo vệ tốt, giúp tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện tăng từ 54,45% (năm 2015) lên 58% (năm 2022), chất lượng rừng cũng được nâng lên rõ rệt...
Đảm nhận trọng trách bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai cổ thụ hơn 1.000 năm tuổi tại xã Cốc Ly (Bắc Hà) rộng gần 260 ha, anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cụm xã Cốc Ly luôn đau đáu làm sao giữ được “báu vật” trong khi lâm tặc ngày đêm rình rập, tìm mọi thủ đoạn để chặt phá. Vận dụng tư tưởng của Bác về công tác dân vận, phát huy vai trò của Nhân dân, anh Toàn xác định, muốn giữ được rừng thì người dân địa phương là lực lượng quan trọng nhất, vì vậy, phải làm sao cho người dân tình nguyện tham gia giữ rừng.
Tuy đã xác định được cách làm nhưng khi đến với dân, anh gặp phải khó khăn rất lớn là bất đồng ngôn ngữ. Nhớ về những câu chuyện kể việc Bác Hồ học tiếng dân tộc thiểu số để làm công tác dân vận khi sống ở chiến khu Việt Bắc, anh quyết tâm học theo. Anh kiên trì học tiếng Mông, Dao mỗi tối, còn ban ngày đến từng hộ hướng dẫn người dân làm đất, mua cây quế giống trồng rừng và hướng dẫn cách chăm sóc…
“Muốn vận động được bà con thì trước tiên mình phải nghe, nói được tiếng của đồng bào, từ đó hiểu phong tục, tập quán và giúp họ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, canh tác bền vững, hạn chế áp lực vào rừng”, anh Toàn tâm sự.
Nhờ sự tận tình giúp đỡ của anh và các lực lượng chức năng, người dân xã Cốc Ly đã đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng hơn 1.300 ha quế, đem lại thu nhập bền vững. Cuộc sống ổn định, người dân không còn phá rừng làm nương hoặc khai thác rừng trái phép, thay vào đó là tình nguyện bảo vệ rừng.
Tỉnh Lào Cai có diện tích đất lâm nghiệp lớn với hơn 382 nghìn ha, trong đó có hơn 266 nghìn ha rừng tự nhiên. Tại những vùng giáp ranh với các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái có nhiều khu rừng tự nhiên với nhiều loài gỗ quý, hiếm. Việc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản vẫn xảy ra theo chiều hướng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đồng thời, cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ ở các trạm gác cửa rừng luôn có thái độ thân thiện, sẵn sàng nghe ý kiến phản ánh của người dân, tích cực phối hợp với người dân tuần tra, bảo vệ rừng.
Bằng những việc làm cụ thể, Chi cục Kiểm lâm Lào Cai đã và đang nỗ lực học tập và làm theo Bác, không ngừng rèn luyện nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản; độ che phủ rừng tăng nhanh (từ 38,9% năm 1993 lên 57,7% năm 2023); ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của người dân cũng như của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở ngày càng được nâng cao…