Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nêu mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ thường xuyên, then chốt”. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo trên tất cả các mặt công tác, lĩnh vực với nhiều cách làm mới, cách làm hay, sáng tạo, đạt nhiều kết quả.
Nổi bật trong lĩnh vực xây dựng Đảng là nhiệm vụ củng cố tổ chức cơ sở đảng, đổi mới công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, nêu cao tinh thần gương mẫu, sự vào cuộc trực tiếp của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và trưởng các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy về đảm nhận hỗ trợ trực tiếp các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh; người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh tăng cường đối thoại với Nhân dân.
Tổ chức đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, hạt nhân lãnh đạo tại cơ sở, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; một Đảng mạnh trước hết tổ chức cơ sở đảng phải mạnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó và với tinh thần hướng mạnh về cơ sở, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Tỉnh ủy quan tâm đặc biệt lãnh đạo các đảng bộ trực thuộc về nhiệm vụ thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Đến nay, toàn tỉnh có 522 tổ chức cơ sở đảng với gần 55 nghìn đảng viên. Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng tổ chức, cơ cấu, bộ máy và đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, năng lực, vững vàng về chính trị, tư tưởng và có uy tín trong quần chúng.
Một trong những đổi mới trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh tại nhiệm kỳ này là tập trung hướng mạnh về cơ sở có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh Lào Cai có hơn 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay trên địa bàn tỉnh có 326 tổ chức cơ sở đảng, gồm 198 đảng bộ cơ sở, 128 chi bộ cơ sở và 1 đảng bộ bộ phận vùng dân tộc thiểu số. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các đảng ủy trực thuộc, các tổ chức cơ sở đảng vùng dân tộc thiểu số đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, định hướng phát triển của các cấp ủy, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả; đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có nhiều đổi thay và khởi sắc.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn thể hiện ở việc tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, trong đó khích lệ xây dựng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo ngay tại cơ sở. Nổi bật phải kể tới mô hình “Chính quyền thân thiện” tại huyện Bảo Yên đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Mô hình còn nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu về thực thi công vụ, thể hiện rõ bản chất Nhà nước ta là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Tại huyện Bảo Thắng là mô hình “Sáng thứ 7 dành cho cơ sở”, trong đó các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy đã gương mẫu dành sáng thứ 7 về với cơ sở, về với Nhân dân, trọng tâm là các thôn vùng sâu, diện khó khăn nhất của huyện để nắm tình hình, lắng nghe Nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vấn đề phát sinh ở cơ sở để chỉ đạo hoặc tham mưu cách giải quyết, tháo gỡ. Hoặc như tại huyện Văn Bàn có mô hình “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn” đã mang lại hiệu quả, tạo thành phong trào trong cộng đồng dân cư. Hàng trăm mô hình dân vận khéo ra đời trong thời gian qua ở khắp các cơ sở trên địa bàn tỉnh khi đi vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng.
Sinh thời, Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở bài học “lấy dân làm gốc” và Bác thường xuyên nói về phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân”. Thực hiện lời căn dặn của Người, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường các nội dung lãnh đạo hướng mạnh về cơ sở, trong đó có việc thực hiện nghiêm Quy chế số 17-QC/TU ngày 4/12/2019 của Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của người dân, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân và của cán bộ, đảng viên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Từ năm 2020 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 7 cuộc đối thoại, thu hút gần 1.000 lượt cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân tham dự. Điển hình như năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức 2 cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân huyện Bảo Thắng, huyện Mường Khương về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo, tạo sinh kế, việc làm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân tại 2 dự án có nhiều thắc mắc, khiếu kiện là Dự án chợ Du lịch Lào Cai tại phường Lào Cai (thành phố Lào Cai); Dự án trồng, chế biến cây ăn quả, dược liệu tại phường Ô Qúy Hồ (thị xã Sa Pa) của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ. Năm 2022, Thường trực Tỉnh ủy tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, người lao động ngành y tế tỉnh và đối thoại, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên, Nhân dân thành phố Lào Cai; riêng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc, đối thoại trực tiếp 23 hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án đường vành đai 2 thuộc xã Na Hối và xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) và tiếp xúc, đối thoại với 25 hộ có liên quan đến Dự án trồng, chế biến cây ăn quả, dược liệu tại phường Ô Qúy Hồ (thị xã Sa Pa) của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ. Năm 2023, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, viên chức ngành lao động - thương binh và xã hội, ngành giáo dục - đào tạo…
Một trong những cách làm chủ động, sáng tạo nổi bật về đổi mới phương thức lãnh đạo mà Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện đó là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền của tỉnh thường xuyên về cơ sở, trực tiếp tham gia hỗ trợ 10 xã nghèo, khó khăn nhất của tỉnh. Đây là cách làm mới, rất cụ thể và thiết thực, phù hợp thực tế của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong triển khai Đề án số 10-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Hưởng ứng sự vào cuộc của Thường trực Tỉnh ủy, nhiều nhà hảo tâm, nhà tài trợ, doanh nghiệp đã có những đợt hỗ trợ vật chất đối với 10 xã nghèo nhất của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc khảo sát, kiểm tra, làm việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó yêu cầu, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành, đơn vị, đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; khuyến khích, động viên doanh nghiệp, ngân hàng có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đời sống và đầu tư cho địa phương bằng các công trình, dự án thiết thực, hiệu quả…
Lời dặn của Bác về “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân” mãi là chân lý để mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, cùng nỗ lực, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị, cùng xây dựng Nhà nước ta thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.