Cuối tháng 10 vừa qua, chị Lý Tả Mẩy ở thôn San Lùng, xã Bản Xèo (huyện Bát Xát) thu xếp công việc để tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Phòng Dân tộc huyện Bát Xát tổ chức. Những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đến gần hơn với chị Mẩy bởi nội dung được lựa chọn trọng tâm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và có hình ảnh minh họa đi kèm. Chị Mẩy bảo: “Biết pháp luật quy định, tôi cùng bà con không để con em của thôn tảo hôn, bởi tương lai của trẻ chính là tương lai của gia đình, của cộng đồng; cùng chăm sóc để trẻ có môi trường phát triển”.
Là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, gắn bó với công tác tư pháp gần 25 năm, chị Nguyễn Lê Hằng, Phó Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) hiểu rằng, muốn đưa pháp luật đến với đồng bào, nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cần có cách thức truyền tải phù hợp. Trước mỗi chuyến công tác, chị luôn dành thời gian nghiên cứu để hiểu hơn về đối tượng, địa bàn, từ đó lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền phù hợp.
Ở bất cứ giai đoạn nào, công tác tuyên truyền cũng đòi hỏi đội ngũ báo cáo viên pháp luật cập nhật thông tin mới và cần đổi mới, linh hoạt trong cách thức truyền tải. Không chỉ là nói những nội dung mình có mà điều quan trọng hơn là phổ biến được kiến thức pháp luật mà người dân cần, bởi thực tế tùy vào từng đối tượng, vùng miền, lĩnh vực pháp luật mà nội dung người dân quan tâm cũng khác nhau.
- Chị Nguyễn Lê Hằng chia sẻ.
Lào Cai là địa bàn vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của đồng bào. Để đưa pháp luật đi vào cuộc sống, trong năm 2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị theo đợt nhằm tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, các cơ quan, đơn vị và địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền và vận động người dân chấp hành pháp luật. Các cấp, ngành đã tổ chức hơn 680 buổi tuyên truyền cho hơn 56.600 lượt người; in ấn các tài liệu phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng tiếng phổ thông, tiếng Mông và tiếng Dao, cùng với các chuyên đề và hội nghị tuyên truyền cho hơn 31.000 người; duy trì 19 mô hình cấp tỉnh và 121 mô hình cấp huyện, xã nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật và cải thiện đời sống xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều năm gần đây, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức, cách thức, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Bên cạnh tuyên truyền tại các hội nghị, các buổi sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, tại các buổi chợ phiên vùng cao ngày càng được quan tâm, thu hút sự tham gia và theo dõi của đông đảo người dân. Nét mới khác là chuyển đổi số được đưa vào công tác này và đang phát huy hiệu quả, như thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến…
Với việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trong thời gian qua đã góp phần đưa pháp luật đi sâu vào cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, từ đó đóng góp vào kết quả phát triển chung của tỉnh.
- Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.