Xã biên giới Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương) vào đông lạnh buốt, sương mù giăng kín lối, nơi này dường như mùa xuân đến sớm hơn, trước tết cả tháng mà hoa đào đã bung nở.
Bao năm công tác trong lực lượng, thực hiện nhiệm vụ ở hầu khắp các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai, với Trung tá Nguyễn Duy Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần nhận nhiệm vụ vào năm 1997. Trên chuyến tàu đêm Hà Nội - Lào Cai, anh cứ thao thức, cố hình dung miền đất Y Tý, huyện Bát Xát ra sao. Tàu dừng ở ga cuối, xe khách ì ạch thêm nửa ngày mới đến được xã Bản Xèo thì hỏng máy và người lính trẻ khi ấy đã cuốc bộ thêm nửa ngày mới tới xã Mường Hum, nơi đây có một đơn vị bộ đội biên phòng. Sáng hôm sau, anh hành quân thêm 18 tiếng đồng hồ xuyên rừng trong mây mù, mưa lạnh mới tới được đơn vị. Niềm vui anh nhận được sau đó là những cái bắt tay, những vòng tay ôm ấm nồng của chỉ huy và đồng đội.
Nhận nhiệm vụ đầu tiên, anh Cường được phân công tại Tổ công tác biên phòng thôn Hồng Ngài. Anh nhớ lại, thời điểm đó phần lớn người dân trong thôn không biết chữ, trẻ em không đi học do điểm trường chính cách thôn hàng chục km đường rừng. Không ngại khó khăn, cùng với người dân địa phương, bộ đội biên phòng lên rừng chặt vầu, chặt tre, đào đất dựng lớp học, đóng bàn, ghế, vận chuyển đồ dùng học tập, những cuốn sách, quyển vở cũng ướt đầm mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ. Bữa ấy ở Hồng Ngài chưa có điện lưới quốc gia, đèn thắp sáng cho học sinh được các anh tận dụng vỏ chai, vỏ lon bia, ánh đèn dầu leo lét. Tính đến nay, anh Cường đã tham gia xóa mù chữ cho hàng trăm lượt người dân nơi biên giới huyện Mường Khương và huyện Bát Xát.
Rồi những năm tháng nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, anh Cường và đồng đội đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả mô hình điểm “Bộ đội biên phòng đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Sinh kế cho hộ nghèo”, nhờ đó, hàng chục hộ được hỗ trợ cây, con giống cùng kinh nghiệm sản xuất.
Bức tranh “Người chiến sĩ biên phòng” được Thiếu tá Nguyễn Văn Chỉnh, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bản Lầu (huyện Mường Khương) đặt ở vị trí trang trọng trong phòng làm việc. Kể về bức tranh trên, anh Chỉnh cho biết: Đó là một ngày hè năm 2019, khi anh đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh nhặt được túi xách bên trong có gần 100 triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân. Sau nhiều nỗ lực xác minh thông tin, liên hệ, chiếc túi đã được anh bàn giao lại cho chủ nhân và bức tranh trên là món quà cảm ơn mà tự tay người chủ chiếc túi xách vẽ tặng.
Có nhiều năm làm công tác vận động quần chúng tại một số đồn biên phòng trên tuyến biên giới Mường Khương, thấy người dân thường sử dụng tiếng đồng bào thiểu số trong sinh hoạt, cuộc sống, anh đã chủ động học tiếng địa phương. Đây cũng là “chìa khóa” giúp công tác vận động quần chúng được thuận lợi, hiệu quả hơn. Gần 15 năm công tác, anh đã trực tiếp vận động thành công nhiều trường hợp có ý định tảo hôn ở địa bàn biên giới. Theo anh Chỉnh, không chỉ các cháu nhận thức không đầy đủ mà nhiều người lớn vẫn quyết theo lệ xưa khi cho con lập gia đình sớm để thêm người lao động, có cháu bế bồng.
Đáng nhớ là trường hợp của Vàng Thị P. (xã Bản Lầu) khi đang học lớp 9 thì bố mẹ có ý định cho nghỉ học để gả chồng. Mặc cho cán bộ địa phương vận động, giải thích nhiều lần, bố mẹ của P. vẫn không thay đổi ý định. Biết tin, anh đã tìm xuống gia đình thăm, động viên, dùng tình cảm chân thành, lời lẽ có lý, có tình, dẫn chứng cụ thể để thuyết phục. Nhiều ngày sau đó, anh còn nhờ một bậc cao niên trong dòng họ đến cùng trò chuyện và đã vận động thành công.
Những năm gần đây, nhiều học sinh ở các thôn, bản vùng cao học xong lớp 9 là nghỉ học để đi làm xa. Gần đây nhất, khi biết em Sùng Thị Duyên, xã Bản Lầu nộp hồ sơ xin đi làm công nhân sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, anh đã đến gia đình thuyết phục, đồng thời báo cáo chỉ huy đơn vị xem xét, hỗ trợ cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường” để cháu có điều kiện học tập tốt hơn.
Hoặc như việc vận động đồng bào từ bỏ những hủ tục trong việc hiếu, anh bảo: Nếu chỉ dùng lời nói mà không tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh từng trường hợp, tín ngưỡng của đồng bào thì rất khó thành công. Vậy nên, những năm tháng công tác tại địa bàn biên giới, anh đã tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán, “cái lý” của đồng bào, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín, đội ngũ thầy mo, thầy cúng trong bản để cùng tham gia tuyên truyền.
Không chỉ là người “mát tay” trong vận động đồng bào trong xóa bỏ hủ tục, anh Chính còn thành công trong vận động, giải quyết nhiều việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới hoặc các tranh chấp về nguồn nước, đất đai. Anh vẫn còn nhớ việc vận động người dân ở một thôn biên giới trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án phát triển kinh tế. Mặc dù đã được chính quyền địa phương vận động nhiều lần nhưng người dân chưa đồng thuận, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Được chỉ huy đồn tín nhiệm giao nhiệm vụ, anh đã xuống thôn trò chuyện, nắm tâm tư, nguyện vọng của từng hộ, đồng thời trao đổi với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tìm phương án giải quyết thấu tình, đạt lý nhất. Tại buổi họp thôn, anh kiên trì, mềm mỏng, vừa tuyên truyền, vừa lắng nghe, nắm tâm lý người đối diện để có điều chỉnh phù hợp. Sau nửa tháng kiên trì, cán bộ biên phòng đã thuyết phục thành công các hộ ở địa phương đồng thuận di dời, trả mặt bằng để dự án thi công đảm bảo tiến độ. Hoặc câu chuyện về người dân 2 thôn thuộc thị trấn Mường Khương tranh chấp nguồn nước sinh hoạt căng thẳng, anh cũng trực tiếp xuống địa bàn, tìm hiểu sự việc. Với uy tín của bản thân, anh đã đưa ra phương án giải quyết hợp lý, được đôi bên ưng thuận…
Một mùa xuân mới đang về trên khắp nẻo biên cương, nơi đó, những người lính biên phòng đang chắc tay súng, thầm lặng cống hiến, cùng đồng bào bảo vệ vững chắc biên cương, xây dựng cuộc sống mới no ấm, bình yên.