Ước mơ xây được căn nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đã trở thành hiện thực với gia đình anh Hoàng Văn Lù, dân tộc Nùng, ở thôn Na Đẩy, thị trấn Mường Khương (Mường Khương). Ở tuổi 34, anh Lù đã có một cuộc sống tương đối đầy đủ, trong khi nhiều người trong thôn ở độ tuổi của anh vẫn còn đang loay hoay chuyện “cơm áo, gạo tiền”.
Anh Lù không thể nghĩ rằng, thành công lại đến sớm như vậy, bởi anh vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2008, anh đã làm đủ thứ nghề nhưng chỉ đủ ăn và lo được sinh hoạt tối thiểu cho gia đình. Bước ngoặt thay đổi khi anh quyết định đi lao động tại Hàn Quốc vào năm 2012. Làm việc tại đây, anh được trả 36 triệu đồng/tháng, nhờ sự cần cù, chịu khó, anh cố gắng tăng ca, làm thêm để nâng cao thu nhập.
Kết thúc hợp đồng lao động sau 3 năm, anh tích góp được số tiền lớn để về quê mua đất, làm nhà. Anh Lù hồ hởi chia sẻ: “Thật sự, tôi thấy rất vui và hài lòng với cuộc sống hiện tại”. Vừa qua, anh Lù tiếp tục làm hồ sơ đăng ký và sang Hàn Quốc để làm việc thêm 3 năm nữa.
Cũng như anh Lù, gia đình anh Long Đức Mạnh, 33 tuổi, ở tổ dân phố Xóm Cũ (thị trấn Mường Khương) gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Năm 2022, anh Mạnh đi lao động tại Nhật Bản. Với công việc vận hành máy xây dựng và từ nguồn thu nhập tăng thêm, trừ các khoản chi phí, anh đã tiết kiệm được 30 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập đáng mơ ước mà anh chưa bao giờ nghĩ tới. Anh kỳ vọng sau khi kết thúc hợp đồng lao động, trở về quê hương sẽ có một khoản tiền để làm nhà, mua xe vận tải phục vụ kinh doanh, sản xuất.
Làm việc tại Nhật Bản sau 14 tháng, anh Mạnh cảm nhận môi trường làm việc ở đây rất tốt, thu nhập ổn định, bản thân cũng trưởng thành hơn rất nhiều. “Tôi học được nhiều điều từ người Nhật, họ có tính kỷ luật, trách nhiệm với công việc rất cao. Tôi sẽ cố gắng tiếp thu, trau dồi kinh nghiệm quý báu trong thời gian được làm việc ở đây để phục vụ cho bản thân sau này khi trở về quê hương”, anh Mạnh chia sẻ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Mường Khương đã có 41 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc theo hợp đồng tại nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á.
"Công tác đưa người dân đi làm việc tại nước ngoài ngày càng được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao, coi đây là giải pháp giúp người dân có thu nhập cao, thoát nghèo bền vững".
Để triển khai hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương đã làm tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động. Thời gian qua, phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại những xã nghèo, xã khó khăn, khu vực biên giới; mời các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hợp đồng tại nước ngoài trực tiếp tư vấn cho người dân để họ nắm rõ chính sách, quyền lợi khi đi làm việc tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Không chỉ ở Mường Khương, nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang ngày càng tăng cao. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022 và 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 328 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tăng hơn 51% so với năm 2020 và năm 2021), trong đó, tỷ lệ người lao động là người dân tộc thiểu số chiếm đến 75%. Hiện nay, Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động trọng điểm, thu hút người lao động Việt Nam nói chung và lao động của tỉnh Lào Cai nói riêng; thị trường Hàn Quốc cũng đang hấp dẫn người lao động, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Trung bình 3 năm đi làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế cho bản thân và gia đình.
Quan niệm, nhận thức của người dân Lào Cai về lao động tại nước ngoài đã có nhiều thay đổi, nên đã chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, chủ động học nghề, ngoại ngữ để bắt nhịp xu thế, với mong muốn có môi trường làm việc tốt, mức thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống. Nhờ vậy, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh không ngừng được nâng cao.
Trước nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng cao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số đơn vị trực thuộc phối hợp, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp, việc làm cho người dân, nhất là các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lưu Công Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Xu hướng người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin về lao động ngoài nước rất nhiều, đặc biệt từ năm 2022 trở lại đây. Thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ người lao động có nhu cầu làm việc tại nước ngoài bằng cách tổ chức hội nghị, phiên giao dịch việc làm, thông qua thông tin đại chúng và mạng xã hội”. Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức trên 50 hội nghị chuyên đề, phiên giao dịch việc làm tại cơ sở.
Để hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại nước ngoài đạt hiệu quả, kết quả cao hơn, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung giải pháp tổ chức, tư vấn chuyên sâu đối với nhóm người thực sự có nhu cầu. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phường, thị trấn và trực tiếp làm việc với người dân, chọn người đi lao động đáp ứng các nhu cầu về trình độ, sức khỏe và yêu cầu công việc đặt ra. Thông qua giải pháp này giúp người lao động không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản ngay từ ban đầu mà còn hạn chế việc người dân đầu tư kinh phí, học tập và sự lựa chọn không phù hợp, không mang lại hiệu quả.
Được biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hồng Minh khẳng định: “Việc triển khai, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đã tháo gỡ những khó khăn, hạn chế và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó thúc đẩy phong trào đi làm việc ở nước ngoài phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số".