Nhận diện âm mưu
Với âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm suy giảm, phai nhạt niềm tin của đồng bào đối với Đảng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thời gian qua, các thế lực thù địch tiếp tục duy trì, gia tăng các hoạt động chống phá nhằm vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, trong đó có việc lợi dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tập trung khai thác một số vấn đề liên quan đến lịch sử tộc người; bảo tồn văn hóa, chế độ, chính sách, để từ đó kích động, lôi kéo người dân khiếu kiện, tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, kẻ xấu đang lợi dụng mạng xã hội để kích động vấn đề đất đai, gây mâu thuẫn trong đồng bào với chính quyền cơ sở và doanh nghiệp; cổ súy hành động, việc làm trái thuần phong, mỹ tục; tuyên truyền, phát tán mê tín dị đoan.
Thâm độc hơn, các thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để gia tăng truyền bá tư tưởng phản động, thành lập những tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Các quan điểm sai trái, thù địch, kích động mâu thuẫn, xung đột không mới, nhiều vấn đề đã được “lập trình” với nhiều kịch bản khác nhau nhưng đều nhằm thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, gây ra “cách mạng màu”, “cách mạng không tiếng súng” để công kích, chuyển hóa chế độ ta.
Quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo về công tác dân tộc trong tình hình mới. Hằng năm, tỉnh ưu tiên dành từ 65% - 70% nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Lào Cai có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong công tác giảm nghèo, tỉnh đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình hiệu quả; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác như phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; vay vốn tín dụng ưu đãi… Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả. Đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ giảm nghèo đạt 11,15%/năm.
Giai đoạn 2021 - 2025, với việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tiếp thêm nguồn lực đầu tư, làm thay đổi diện mạo địa phương và nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần không nhỏ vào việc củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, khơi dậy sự vươn lên của đồng bào để kiến thiết, xây dựng quê hương.
“Bảo vệ Đảng là bảo vệ chính mình”
Theo đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh nói chung, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng; là công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ trong triển khai các giải pháp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn, xuất bản 2.000 cuốn “Sổ tay một số kỹ năng, kinh nghiệm trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh hiện nay” làm tài liệu phục vụ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương.
Tỉnh Lào Cai còn đẩy mạnh tuyên truyền qua các cơ quan thông tấn, báo chí; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trên không gian mạng; phát huy vai trò của các lực lượng ban chỉ đạo 35 các cấp trong viết bài tuyên truyền, đấu tranh trực diện với các luận điệu, thông tin sai sự thật, xấu, độc của các thế lực thù địch… Tỉnh duy trì và phát huy hiệu quả của trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để nắm chắc tình hình trong Nhân dân, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải thường xuyên nắm cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh. Gần dân, sát dân, củng cố niềm tin trong Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là giải pháp căn cơ và cũng là bài học luôn vẹn nguyên giá trị.
Tại huyện Bảo Thắng đã sáng tạo, đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thành một chuyên đề riêng để giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở...
Ở vùng cao, biên giới Bát Xát, theo đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 huyện, cùng với các giải pháp tuyên truyền, địa phương đặc biệt quan tâm việc củng cố, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm, sâu sát với cơ sở.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động và linh hoạt của cấp ủy các cấp cho thấy Lào Cai đã và đang triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước.