Bên cạnh việc thay đổi quyền năng của phụ nữ thông qua phát triển các mô hình kinh tế, tuyên truyền xây dựng bình đẳng giới từ mỗi gia đình là một trong những hoạt động chính của Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà trong thời gian qua.
Năm nay ngoài 30 tuổi, anh Lý Vần Sồ và chị Ma Thị Dí ở thôn Bản Phố 2 (xã Bản Phố) đã có gần 10 năm “góp gạo thổi cơm chung” và có 2 “thiên thần” đáng yêu. Hằng ngày, chị Dí đảm nhiệm công việc nội trợ, phục vụ ăn uống cho khách đến nghỉ tại homestay của gia đình, còn anh Sồ phụ trách việc tiếp đón khách.
Anh Lý Vần Sồ tâm sự: Công việc homestay không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Đặc biệt là cách đây vài năm, khi dịch Covid xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi may mắn vì luôn có vợ đồng hành, chia sẻ khó khăn… Gần 10 năm qua có rất nhiều vất vả nhưng tôi luôn hạnh phúc khi vợ chồng cùng nhau vun vén, nuôi dạy các con và chăm lo cho gia đình.
Từ nhiều năm nay, anh Sồ, chị Dí là tuyên truyền viên tích cực của xã Bản Phố. Anh chị thường xuyên phối hợp với Chi hội Phụ nữ thôn Bản Phố 2 đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hành vi bạo lực gia đình. Nhờ đó, nhiều năm qua, thôn không xảy ra các vụ bạo lực nghiêm trọng, không còn tình trạng các cặp vợ chồng ly hôn do bạo lực gia đình.
Vì hoàn cảnh nên ông Lý Ân Su ở xã Nậm Mòn đã hơn 1 lần có ý định cho 2 con gái nghỉ học giữa chừng để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Tuy nhiên, sau nhiều lần được tổ truyền thông cộng đồng xã Nậm Mòn đến nhà tuyên truyền, vận động, thậm chí, Hội Phụ nữ xã đã giúp gia đình làm thủ tục vay vốn để phát triển kinh tế, ông Su quyết tâm cùng vợ cố gắng nuôi 2 người con gái học xong đại học. Cả 2 con gái của ông Su đang theo học sư phạm mầm non. Nhờ sự thay đổi từ trong suy nghĩ không phân biệt trai, gái không chỉ giúp các con ông Su có cơ hội được đi học đầy đủ, tương lai có công việc ổn định, mà còn giúp gia đình ông luôn vui vẻ, thuận hòa.
Chị Vàng Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Mòn cho biết: Xã có 1 tổ truyền thông cộng đồng gồm 10 thành viên (trong đó có 2 thành viên là nam giới) thuộc các thôn: Ngải Số, Bản Ngồ Thượng, Cồ Dề Chải và Sử Chù Chả. Chúng tôi xác định lấy người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái của các thôn đặc biệt khó khăn là đối tượng truyền thông, đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông, trong đó tập trung tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới trong mỗi gia đình.
Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Hà đã thành lập và duy trì các tổ truyền thông cộng đồng tại cơ sở. Các tổ đẩy mạnh truyền thông cho nam giới và khuyến khích nam giới tham gia các hoạt động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái. Theo bà Hảng Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà, khi có sự tham gia của nam giới về nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bình đẳng giới thì công tác này sẽ hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt đối với nam giới là người dân tộc thiểu số hoặc người có uy tín.
Trong khuôn khổ Dự án 8, huyện Bắc Hà đã có gần 90 thành viên đến từ các thôn, xã thuộc diện khó khăn, gồm cả phụ nữ và nam giới được trang bị kiến thức liên quan đến bình đẳng giới. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vàng Thị Liểng (xã Nậm Mòn) cho biết: Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu hơn về Luật Bình đẳng giới. Tôi cũng hiểu, trong gia đình, vợ chồng phải tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi tập huấn, tôi có kiến thức hơn để vận động chị em về bình đẳng giới.
“Để đạt mục tiêu trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, Hội Phụ nữ huyện sẽ tuyên truyền, vận động, khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số chủ động tham gia học tập và hòa nhập vươn lên. Đồng thời, phân định chính sách có phạm vi, ưu tiên vấn đề cấp thiết để điều phối và kiểm tra, giám sát” - bà Hảng Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà cho biết thêm.