LCĐT - Theo thông tin từ UBND xã Trì Quang (Bảo Thắng), từ ngày 16/8 -18/8, nhiều hộ dân trên địa bàn tá hỏa vì hiện tượng cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt ao chỉ sau một đêm. Nguyên nhân là do thiếu hàm lượng oxy trong nước.
Ngày 17/8, các thành viên trong gia đình chị Phạm Thị Hoa, thôn Trì Thượng chết lặng khi hơn 2 tấn cá, chủ yếu là cá chép, trắm cỏ sắp xuất bán bỗng phơi bụng chết nổi trắng mặt hồ. Chị Hoa kể: “Rạng sáng, tôi đi kiểm tra hồ cá, dùng đèn soi thì phát hiện cá nhao nhao, lao đầu vào bờ. Để cứu đàn cá, ngoài hai chiếc máy sục khí đã bật sẵn, tôi còn bổ sung một máy bơm và một máy guồng 12 cánh để tạo oxy cho cá nhưng đã quá muộn. Khi trời sáng hẳn thì cá đã chết rất nhiều, chủ yếu là cá chép hơn 1kg, cá trắm cỏ từ 3 đến 5kg”.
Cá bị chết khi sắp được xuất bán gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. |
Với cá chưa chết, bà con quanh vùng mua hỗ trợ gia đình chị Hoa với giá 10.000 đến 15.000 đồng/con. Số cá chết, gia đình phải vớt mang đi chôn lấp, chỉ một phần nhỏ được chị Hoa mang phơi để sau nghiền làm phụ gia thức ăn cho gia cầm. Ba ngày sau, những con cá chép, cá trắm được chị Hoa mổ và phơi kín sân thượng, nóc chuồng gà. “Nuôi cá rủi ro lắm, chỉ sơ sểnh là trắng tay ngay. Đêm nào cũng vậy, nhất là khi “trái gió, trở trời”, vợ chồng chị nhiều lần thay nhau thức dậy kiểm tra hồ cá, tăng cường thiết bị tạo oxy, sáng 17/8 dậy muộn chút xíu so với thường lệ mà không kịp cứu đàn cá hơn 2 tấn, trị giá gần trăm triệu đồng” - chị Hoa cho biết thêm.
Chị Phạm Thị Hoa phơi cá trên nóc chuồng gà để nghiền làm thức ăn cho gia cầm. |
Hồ cá rộng 2ha được chị Hoa thuê của UBND xã Trì Quang với giá 25 triệu đồng/năm, bắt đầu từ tháng 4/2017, mỗi vụ chị Hoa thả 7.000 con cá giống. Mới hơn 2 năm, nhưng đã 5 lần cá chết hàng loạt, tính riêng từ đầu năm đến nay, chị đã mất gần 3 tấn cá.
Người dân đến mổ cá giúp gia đình bị cá chết hàng loạt. |
Không riêng gia đình chị Hoa, tại xã Trì Quang, 3 hộ dân khác cũng bị chết cá hàng loạt, trong những ngày vừa qua với tổng sản lượng bị thiệt hại 3,5 tấn cá chuẩn bị xuất bán. Ông Đào Văn Quý, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thượng cũng bị chết khoảng 3 tạ cá trong ao nuôi. Ông Quý cho biết: “Gia đình tôi đã sắm hai máy sục nước, nếu cắm điện sục liên tục thì chi phí tiền điện rất lớn, nên nửa đêm là tôi lại đi kiểm tra ao và cắm sục. Những hôm dậy muộn hoặc mất điện thì cá có nguy cơ bị chết hàng loạt, tình trạng này thường xảy ra vào khoảng 1 giờ cho tới sáng. Năm nào cũng vậy, người nuôi cá ở Trì Quang lại phải đối diện với rủi ro cá chết khiến kinh tế gia đình rơi vào khó khăn”.
Về hiện tượng này, ông Vũ Văn Trọng, cán bộ phụ trách nông – lâm nghiệp UBND xã Trì Quang lý giải: Khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao sẽ khiến hàm lượng oxy hòa tan trong nước sẽ xuống thấp, trong khi các loại thủy sinh trong nước lại tiêu thụ oxy nhiều hơn, nếu không tăng cường kịp thời oxy cho nguồn nước sẽ khiến đàn cá chết ngạt. Ngoài ra, thiếu oxy trong nước còn có thể do nuôi cá mật độ dày, nguồn nước ít được thay thế, lượng thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước… Trong những ngày vừa qua, sau khi nhận được tin báo của người dân, lãnh đạo xã Trì Quang đã cử cán bộ xuống các hộ dân kiểm tra, hướng dẫn bà con tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn cá. Với các hộ bị thiệt hại, UBND xã đề nghị việc xử lý, chôn lấp cá cần rắc thêm vôi bột để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Toàn xã Trì Quang hiện có 45 ha mặt nước nuôi thủy sản, mang lại khoảng 30% nguồn thu hàng năm cho người dân nơi đây. Mới đây, UBND xã Trì Quang đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng và Trường Cao đẳng Lào Cai mở 2 lớp tập huấn nuôi thủy sản cho 60 hộ gia đình. Trong các buổi họp thôn, cán bộ khuyến nông cũng thường xuyên có mặt để tuyên truyền cho bà con cách phòng, trị bệnh cho cá, nhất là trong mùa nắng nóng.
Ông Nguyễn Duy Triệu, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để giảm bớt hiện tượng cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và đêm thì các ao cần đảm bảo độ sâu hợp lý, thiết kế ao nuôi cá có lượng nước bổ sung, thay thế thường xuyên. Về kỹ thuật, mật độ nuôi cũng cần thực hiện đúng tiêu chuẩn, khi cá lớn hơn cần tăng cường lượng oxy cho ao bằng bổ sung nguồn nước sạch hoặc sử dụng máy sục trong thời điểm từ 19 giờ hôm trước đến đến 6 giờ hôm sau. Khi nước ao chuyển màu xanh lá cây cần có biện pháp diệt bớt tảo và ổn định độ PH bằng vôi bột và kiểm soát chặt lượng thức ăn cho cá, tránh để dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước.