Nhiều người nhiễm HIV đã đau khổ từ bỏ quyền làm cha mẹ vì sợ sinh con sẽ lây mầm bệnh. Đồng cảm, thấu hiểu với nỗi tuyệt vọng của những cặp vợ chồng có H, các "bà đỡ" càng nỗ lực giúp họ thỏa ước mơ làm cha mẹ
Cách đây không lâu, status có tiêu đề "Gấp" của một bác sĩ (BS) kể về hành trình đầy gấp gáp, lo lắng của ông và đồng nghiệp khi hỗ trợ một bà mẹ nhiễm HIV đã có hàng ngàn lượt thích và chia sẻ trên Facebook. Đó là câu chuyện về một người mẹ đáng thương đã từ bỏ việc điều trị bởi nỗi sợ sai lầm rằng thuốc ARV sẽ có hại cho con mình. Lúc quay lại khám, chị đã sắp sinh và ngỡ ngàng khi biết việc ngưng thuốc giữa chừng khiến nguy cơ bé bị lây nhiễm HIV từ mẹ là rất cao.
Cuộc chạy đua kỳ diệu
Chủ nhân status ấy là BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM). "Vì một đứa trẻ nhiễm H từ mẹ là quá nhiều" - ông viết. OPC Bình Chánh, nhóm sản BV Hùng Vương, nhóm XN của Viện Pasteur, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM... là những cái tên được BS Khanh nhắc đến trong lời cảm ơn.
"BS của phòng khám quyết định làm nhanh xét nghiệm để tiên lượng sự an toàn của thai trước virus H. Hội chẩn gấp nhiều chuyên gia, đọc tài liệu gấp, quyết định gấp phác đồ mới cho mẹ, liên lạc gấp với người mẹ, uống thuốc thế nào, sinh ở đâu, bé sinh ra cần làm gì gấp, uống thuốc gì tốt nhất và an toàn nhất cho bé... Một kế hoạch tốt nhất có thể. Bé sinh cũng gấp, không theo lịch, nhóm đỡ đẻ thông báo gấp cho nhóm nhi và điều phối làm xét nghiệm sớm, uống thuốc gấp" - BS Khanh kể trong status.
Sự gấp gáp, nỗ lực, đợi chờ, hy vọng của nhiều người đến từ nhiều đơn vị đã đem đến quả ngọt. Lần xét nghiệm thứ nhất với đứa bé sau sinh cho kết quả âm tính; lần xét nghiệm thứ hai mới đây, tức 4 tuần sau sinh, cũng âm tính.
Một phụ nữ nhiễm HIV được bác sĩ hướng dẫn cách dự phòng từ giai đoạn mang thai đến lúc sinh nở, nuôi con. |
Những người tham gia cuộc chạy đua kỳ diệu ấy không thể không nhìn nhận là họ có phần may mắn. Bởi lẽ, cơ thể phụ nữ nhiễm HIV mà đột ngột ngưng thuốc khi mang thai thì virus sẽ tăng cao, tức nguy cơ mầm bệnh nghiệt ngã ấy truyền cho con tăng gấp bội. Thế nhưng, quyết định sai lầm ấy lại đến từ tình thương bản năng của người mẹ. Vì mặc cảm, vì mưu sinh, chị ngưng thuốc đã đành nhưng trao đổi với chúng tôi, BS Trương Hữu Khanh còn tiết lộ thêm lý do nữa: Chị quá lo cho con, sợ thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến đứa bé.
Đau khổ, mặc cảm, bị kỳ thị, thiếu thông tin..., phụ nữ nêu trên không phải là người mẹ đầu tiên suýt vuột mất cơ hội giúp con mình bắt đầu một cuộc đời không có H. "Có nhiều lý do có thể đưa đến nguy cơ một đứa bé phải ra đời với căn bệnh lây nhiễm từ mẹ. Có những người mẹ không biết họ nhiễm HIV. Có người biết nhưng chưa hiểu hết vai trò của bản thân và của chuyện điều trị đúng cách trong việc giúp con mình ra đời mà không bị lây nhiễm từ mẹ. Có người lại lo lắng thuốc điều trị ảnh hưởng đến thai kỳ, như người phụ nữ này" - BS Khanh phân tích.
Không phải là dấu chấm hết
Theo BS Nguyễn Thái Minh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết. Thực tế, rất nhiều người còn hiểu mơ hồ về HIV. Thậm chí, có gia đình còn làm cái chòi để đưa người thân nhiễm HIV ra sinh sống, tách bạch với mọi người vì sợ lây nhiễm.
"Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng nói suốt ngày về sự lây lan của virus HIV nhưng nhiều người vẫn không hiểu lây nhiễm từ đâu. Từ đó dẫn đến hậu quả là có người nhiễm HIV chết nhanh hơn vì sự kỳ thị của người thân và sự ghẻ lạnh của người xung quanh" - BS Minh băn khoăn.
Nhắc lại cái kết có hậu của một người đàn ông gần 50 tuổi, là công chức nhà nước bị nhiễm HIV, BS Minh cho biết: "Do không tuân thủ điều trị nên vợ chồng anh này đã bị kháng thuốc và buộc phải chuyển sang điều trị phác đồ bậc 2. Người vợ nhiều lần chia sẻ nguyện vọng muốn có con nhưng anh chồng nhất định không đồng ý. Bởi lẽ, anh đã có 2 đứa con riêng với người vợ đầu đang du học nước ngoài".
Thế nhưng, trong ngôi nhà rộng thênh thang, người vợ có H khao khát được làm mẹ và mong muốn được nghe tiếng bi bô của trẻ thơ nên đã thuyết phục bằng được anh chồng đồng ý sinh con. Cuối cùng, cả hai tìm gặp BS Minh để chia sẻ tâm tư.
"Lúc đầu, tôi khuyên họ cân nhắc việc có con. Thế nhưng, sự quyết tâm của người vợ khiến mọi người biết chuyện đều mủi lòng. Trước và trong khi mang thai, chị được các BS theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe. Đứa con được chỉ định sinh mổ để giảm nguy cơ trong quá trình người mẹ chuyển dạ và được uống xirô kháng virus ngay sau sinh. Đến nay, đã gần 6 năm trôi qua, con trai của họ vẫn phát triển khỏe mạnh" - BS Minh nhớ lại.
Quyền có con là tuyệt đối
BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), cho rằng xét trên cơ sở pháp lý, không ai có thể tước quyền làm cha mẹ của những người đàn ông, đàn bà có H. Không thể khuyên họ đừng có con. Vấn đề ở đây là làm sao để hỗ trợ họ cho ra đời đứa con khỏe mạnh, không phải mang căn bệnh thế kỷ từ khi mới chào đời.
"Khi một cặp vợ chồng muốn có con mà một trong hai người có H hoặc cả hai đều nhiễm, họ cần được tư vấn. Họ có thể đến BV Từ Dũ hay một BV phụ sản nào khác hoặc rất nhiều cơ sở y tế có đơn vị tư vấn và hỗ trợ. Ở BV Từ Dũ, những cặp vợ chồng như thế sẽ được đơn vị chuyên trách giúp họ hiểu rõ về bệnh tình, làm sao chung sống với nó, làm sao để khỏi lây lan đến cộng đồng và người thân của mình, nguy cơ khi mắc thêm các bệnh thông thường, cách theo dõi sức khỏe… Riêng với phụ nữ, họ cần được sự hướng dẫn và đồng hành sát sao ngay từ khi có ý định có thai, mang thai đến lúc sinh nở và chào đón đứa trẻ ra đời. Việc dự phòng lây nhiễm khi chăm sóc con cũng cần thiết không kém giai đoạn trẻ còn nằm trong bụng mẹ" - BS Hải cho biết.