LCĐT - Ngày 9/2, UBND tỉnh ban hành văn bản số 544/UBND-NLN về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thực hiện triệt để việc tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi gia cầm. |
Văn bản nêu rõ, thực hiện nội dung Công điện khẩn số 1263/CĐ-BNN-TY ngày 05/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 308/KH-UBND ngày 29/11/2017 về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm tỉnh Lào Cai năm 2018, Văn bản số 105/UBND-NLN ngày 11/01/2018 về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ Hội xuân năm 2018, đồng thời tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Thành lập các Tổ công tác liên ngành tiến hành giám sát chặt chẽ tại các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu tại các khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở nhằm ngăn chặn vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm của các tổ chức cá nhân và cư dân biên giới; trường hợp bắt giữ được gia cầm sống nghi nhập lậu, phải thông báo với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu giám sát trước khi tiêu hủy và xử lý vi phạm.
- Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát sự lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; chỉ đạo ngành Nông nghiệp, Y tế của địa phương, bố trí nhân lực, vật lực, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và trên diện rộng.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Ban quản lý các chợ có buôn bán gia cầm sống (đặc biệt các chợ tại huyện, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc), bố trí, quy hoạch cụ thể vị trí mua, bán giết mổ gia cầm tại chợ; tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cấm buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại chợ và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.
- Tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới về tác hại, nguy hiểm của bệnh cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm sang người để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, không tiếp tay cho các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; vận động người chăn nuôi chỉ mua giống gia cầm từ các cơ sở uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền để người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng; chủ động khai báo và phối hợp với chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát và chống dịch.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tiếp tục tăng cường lấy mẫu giám lưu hành vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác tại chợ mua bán gia cầm trên địa bàn, để cảnh báo và làm cơ sở chỉ đạo phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch trên địa bàn toàn tỉnh; sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống khi xảy ra cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư hoá chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch; báo cáo kịp thời và chủ động tham mưu biện pháp phòng, chống dịch cho UBND tỉnh khi phát hiện vi rút cúm gia cầm trên địa bàn.
Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tăng cường tuyên truyền về bệnh cúm gia cầm và mức độ nguy hiểm của bệnh để người dân chủ động và phối hợp với chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn phòng, chống dịch cúm gia cầm.
3. Sở Y tế: tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, kịp thời cấp cứu, tích cực điều trị đảm bảo sức khỏe nhân dân; cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để không để dịch lây lan. Kiểm tra, rà soát, đảm bảo đầy đủ trang bị y tế, thuốc và hoá chất cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn Lào Cai qua các lối mòn, lối mở.
5. Công an tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Chi cục quản lý thị trường: Tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; phối hợp với lực lượng Thú y và chính quyền địa phương thu giữ và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm bị bệnh, gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm để người dân chủ động và nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.
8. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí theo kế hoạch UBND tỉnh đã phê duyệt để Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) và Sở Y tế chủ động mua vật tư, hóa chất, vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.