Sản xuất, xuất khẩu tinh dầu quế: Đừng “bỏ trứng vào một giỏ”!

Giá bán thấp, thị trường nhập khẩu truyền thống tinh dầu quế sụt giảm dẫn đến nhiều nhà máy, cơ sở chiết xuất tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngưng “đỏ lửa”, số còn lại hoạt động cầm chừng. “Cơn bĩ cực” này cho thấy đã đến lúc phải quan tâm hơn nữa đến chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế và cần tìm đường xuất khẩu sang các thị trường khác thay vì “bỏ trứng vào một giỏ” như hiện nay.
Những ngày này, về Văn Yên - nơi được coi là "thủ phủ” quế của tỉnh Yên Bái không còn gặp cảnh người người lên đồi tận thu cành, lá quế; các đoàn xe chở cành, lá, quế về các nhà máy cũng thưa dần. Bề ngoài yên bình ấy cũng phản ánh một thực tế không hề dễ chịu - nghề chế biến tinh dầu quế ngày càng trở nên khó khăn và bấp bênh. Chúng tôi vào nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát ở thôn An Phú xã An Thịnh. Dạo một vòng quanh xưởng, các kho chứa nguyên liệu cũng đã vơi, chỉ có khoảng 2 tấn cành lá quế. 
Lý giải điều này, công nhân ở đây cho biết, sau thời gian ngừng hoạt động, nhà máy mới hoạt động trở lại từ cuối tháng 5/2024. Nhà máy "đỏ lửa” trở lại chủ yếu để giữ chân công nhân thôi chứ lượng tinh dầu sản xuất ra vẫn còn để kho. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn huyện Văn Yên. 
Hiện trên địa bàn huyện Văn Yên có 11 nhà máy với 12 dây chuyền sản xuất và khoảng 10 hộ tư nhân nấu chưng cất thủ công. Sản lượng tinh dầu trung bình đạt trên 500 tấn/năm, chiếm 1/2 sản lượng của toàn tỉnh. Các nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu quế sử dụng nguyên liệu là cành nhỏ và lá quế tận thu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng quế. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm sâu khiến các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. 
Nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát ở thôn An Phú xã An Thịnh.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên hiện có 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng, giải quyết việc làm cho 50 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nay thị trường ảm đạm nên HTX  chỉ sản xuất cầm chừng. 
Giám đốc HTX Trần Văn Kiên cho biết: "Giá tinh dầu quế hiện chỉ dao động từ 350 đến 360 triệu đồng/tấn và từ đầu năm đến nay đơn vị mới sản xuất được hơn 5 tấn tinh dầu quế, vẫn còn tồn kho khoảng 2 tấn tinh dầu, còn chủ yếu chuyển sang làm vỏ quế. Hiện cũng chỉ sản xuất cầm chừng, một phần giữ chân công nhân, hoạt động cho máy móc đỡ hỏng, một phần giữ mối mua nguyên liệu. Rất mong các cấp chính quyền đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho tinh dầu quế”.  
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có trên 82.000 ha quế và được coi là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn của cả nước. Với vùng nguyên liệu dồi dào, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, nhu cầu về tinh dầu quế cũng tăng lên đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành này với nguyên liệu là cành nhỏ, lá quế tận thu, nông dân trồng quế có thể tận dụng mọi sản phẩm từ cây quế. 
Trên địa bàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất là 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Thời kỳ hoàng kim, giá một tấn tinh dầu quế lên đến 600 - 700 triệu đồng, các cơ sở chế biến ăn nên làm ra thu được lợi nhuận đáng kể. 
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm sâu, thị trường tiêu thụ giảm sút. Tính riêng tại thủ phủ quế Văn Yên năm 2023, sản lượng tinh dầu quế đạt khoảng 350 tấn, nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 60 -70%. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do mặt hàng này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tại nhiều thời điểm, thị trường truyền thống này bị ngừng trệ, thậm chí "đóng băng” khiến rất nhiều cơ sở chế biến tinh dầu ngưng "đỏ lửa", số còn lại cũng sản xuất cầm chừng. 
Trước thực trạng này, bài toán đặt ra cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế là phải mở rộng thị trường để không phụ thuộc vào 1 thị trường. Tuy nhiên, muốn làm được điều này các doanh nghiệp phải tiến hành nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm chế biến sâu. Bởi hầu hết các cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh chỉ là sản phẩm tinh dầu thô, hàm lượng tinh dầu quế đạt 82-85%, có giá trị thấp. Sản phẩm tinh dầu quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao, được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. 
Thực tế, tình trạng đìu hiu ở thủ phủ quế Văn Yên nói riêng hay ngành công nghiệp chế biến tinh dầu trên địa bàn sẽ còn rơi vào tình trạng bi đát hơn nếu các cơ sở sản xuất không thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc. Không phải các doanh nghiệp không nghĩ đến điều này nhưng vấn đề là "lực bất tòng tâm”.
Ông Trần Văn Kiên - Giám đốc Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm cho biết: "Để đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu cần phải mất hơn 40-50 tỷ đồng, trong khi đó thị trường chưa biết thế nào nên hiện trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư”. Trước thực tế này, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, hỗ trợ về công nghệ chế biến sâu, đặc biệt cần thu hút được doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, về công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị quế. Khi đó các doanh nghiệp này sẽ đứng ra bao tiêu tinh dầu quế từ các cơ sở sản xuất của địa phương làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Còn nếu cứ sản xuất sản phẩm thô cùng với việc "bỏ trứng vào một giỏ” như hiện nay thì các nhà máy chế biến tinh dầu chỉ biết nằm im và trông chờ vào một cú hích tích cực từ thị trường Trung Quốc.
Văn Thông

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng tránh, khắc phục thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất

Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng tránh, khắc phục thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất

Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 3, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp cần một chiến lược riêng

Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp cần một chiến lược riêng

Mỗi năm, nông nghiệp Việt Nam phát sinh hơn 156 triệu tấn phụ phẩm như rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê và chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10-35% trong số này được tái chế hoặc tái sử dụng, phần còn lại chủ yếu bị thải bỏ ra môi trường, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm sinh thái.

Vận động hộ dân thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đường Kim Thành – Ngòi Phát

Xã Bát Xát: Vận động hộ dân thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đường Kim Thành – Ngòi Phát

Để tạo sự đồng thuận trong thực hiện thu hồi đất Dự án Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối Dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát), chiều 18/7, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án và xã Bát Xát tổ chức gặp mặt, vận động người dân nhận bồi thường, sớm bàn giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án.

Xây dựng chiến lược mới cho ngành hàng trái cây

Xây dựng chiến lược mới cho ngành hàng trái cây

Sáu tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm mạnh sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao. Ngành hàng này cần có chiến lược để nâng lợi thế cạnh tranh, trong đó chú trọng các mặt hàng tiềm năng đang trên đà tăng trưởng, tiệm cận đạt và vượt mốc tỷ USD như: chuối, dứa, dừa và chanh leo.

Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai

Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai

Về xã vùng cao Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai những ngày này, khắp các thôn bản lại nhộn nhịp, hối hả trong mùa thu hoạch măng mai. Từ một loại cây bản địa, măng mai đã trở thành "cây vàng" giúp hàng trăm hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mùa măng về không chỉ mang theo niềm vui được mùa mà còn thắp lên hy vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn cho bà con nơi đây.

Bước tiến gần dân, vì dân

Giải quyết thủ tục đất đai ngay tại xã: Bước tiến gần dân, vì dân

Từ ngày 1/7, cùng với việc chính thức đưa mô hình chính quyền hai cấp vào hoạt động, người dân tỉnh Lào Cai đã bắt đầu cảm nhận rõ nét sự thay đổi về giải quyết các thủ tục đất đai. Một số thủ tục quan trọng không còn phải qua nhiều cấp trung gian như trước, mà được thực hiện trực tiếp tại UBND cấp xã, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.  

Mùa ngô ở Khao Mang

Mùa ngô ở Khao Mang

Mùa thu hoạch ngô nếp mini trên địa bàn xã Khao Mang, tỉnh Lào Cai đã vào vụ thu hoạch mới. Giống ngô này một năm chỉ có một lần, kéo dài hơn 1 tháng, bắp nhỏ bằng 1/3 bắp thường nhưng nhiều người ưa thích.

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát sinh, gây bệnh cho vật nuôi. Trước những nguy cơ đó, người dân xã Bảo Thắng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.

fb yt zl tw