LCĐT - Theo người trồng địa lan Sa Pa, đây đang là thời điểm “vàng” quyết định số lượng và chất lượng cành hoa nên thời gian này, các chủ vườn đang căng sức chăm sóc để những chậu hoa lan có giá trị cao nhất đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nông dân xã Tả Phìn chăm sóc địa lan. |
Anh Lê Lệnh Thuận, thôn Sả Séng thuê ruộng của người dân trồng địa lan đến nay đã được 9 năm. Trong vườn nhà anh hiện có 500 chậu địa lan Trần Mộng. Thời điểm này, anh đang tập trung chăm sóc cây để chúng đâm chồi, đậu cành. Địa lan Trần Mộng là loài rất khó tính, muốn hoa đạt chất lượng, ngoài kỹ thuật chăm sóc thì khâu chọn giống rất quan trọng. Giống tốt thì mới cho ra nhiều chồi hoa. Nhờ kinh nghiệm 9 năm gắn bó với loài lan bản địa mà anh đã tích lũy được rất nhiều kiến thức để chọn được giống địa lan Trần Mộng tốt.
Anh Thuận cho biết, hiện đang là thời gian nhiều ốc sên và bọ gây hại cho địa lan nên người trồng rất vất vả để tập trung bắt chúng. “Không ít đêm tôi phải thức trắng, nếu không bắt sạch sên, chúng sẽ cắn chồi hoa đang lên và như vậy, thiệt hại với người trồng là rất lớn” - anh nói.
Anh Thuận đã đầu tư khá nhiều vốn vào vườn địa lan trong vòng 9 năm qua, nếu năm nào ổn định có thể thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng, nhưng làm nông nghiệp không hề dễ dàng, rủi ro luôn rình rập, có năm gia đình anh mất trắng.
Không chỉ tập trung chăm sóc cho địa lan nảy chồi hoa, đây còn là thời điểm các chủ vườn trông chừng thời tiết, sẵn sàng di chuyển vườn lan xuống vùng thấp tránh rét. Mấy ngày nay, ông Trần Văn Cường (xã Tả Phìn) luôn bận rộn liên hệ với các hộ ở xã vùng thấp như Cốc San, Tòng Sành (Bát Xát) để có mặt bằng chuẩn bị chuyển vườn lan xuống nếu thời tiết Sa Pa giảm sâu. Theo kinh nghiệm của chủ vườn thì 1 tháng nữa là phải chuyển địa lan về vùng thấp, đồng nghĩa với việc người trồng cũng phải “ăn ngủ” cùng. Năm nào ông Cường cũng được vợ chuẩn bị đồ đạc, xoong nồi, thực phẩm, chăn màn cho cuộc sống xa nhà vài tháng. Ông cho biết: Chi phí để chuyển cả vườn địa lan xuống vùng thấp khá lớn. Chúng tôi phải chọn dịch vụ tốt để bảo vệ chậu cây không bị dập nát và sốc nhiệt.
Những chủ vườn có kinh nghiệm trồng địa lan đều biết cách thức và thời gian cần thiết để chuyển vườn lan về vùng thấp, điều tiết địa lan ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Nếu trong vài ngày mà địa lan đang ra chồi hoa bỗng dưng dừng lại, thì đó là do nhiệt độ không đảm bảo, chúng cần ở một nơi có nền nhiệt cao hơn.
Ngoài ra, để tiêu thụ tốt địa lan, các chủ vườn cũng đang tích cực quảng bá địa lan trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, viber… Đây là công cụ quảng cáo hữu hiệu nhất để tìm kiếm khách hàng. Người trồng địa lan, ngoài kinh nghiệm chăm sóc, nếu biết sử dụng các trang mạng xã hội này thì chỉ cần thao tác như chụp ảnh và đăng ảnh cũng có thể có thêm nhiều bạn hàng.
Huyện Sa Pa hiện có trên 1.000 hộ trồng địa lan, tập trung nhiều ở các xã: Tả Phìn, Bản Khoang, Tả Giàng Phìn, San Sả Hồ… Dự kiến, huyện sẽ có khoảng 15.000 chậu lan cung cấp ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán này. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa cho biết: So với các loại cây nông nghiệp khác thì địa lan có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, địa lan mang lại doanh thu trên 50 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp huyện. Nếu tính trung bình giá bán là 4 triệu đồng/chậu địa lan thì với 15.000 chậu năm nay sẽ cho doanh thu 60 tỷ đồng. Cũng theo ông Thành, huyện Sa Pa có nhiều chính sách khuyến khích phát triển trồng địa lan như tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc địa lan cho nông dân; liên kết các hộ trồng địa lan cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng; cùng nông dân quảng bá cây địa lan trên nhiều phương tiện thông tin...
Với sự chuẩn bị chu đáo của những chủ vườn, hy vọng thời tiết năm nay thuận hòa để cả năm vất vả cùng địa lan của người trồng được trả công xứng đáng, nông dân trồng địa lan sẽ có một cái tết đủ đầy.