LCĐT - “Ngày mai, Đồn tổ chức cho bà con ăn tết, vui lắm, nhà báo lên chung vui nhé!”. Giọng ông Lù Phủ Dung, Trưởng thôn Pạc Tà, xã Dìn Chin (Mường Khương) sang sảng nói như khoe khi tôi gọi điện hỏi thăm tình hình chuẩn bị tết của bà con trên ấy. Cũng đã lâu, tôi không có dịp đến mảnh đất gian khó, nơi được coi là “Trường Sa trên cạn” của Lào Cai. Lần này, phần vì muốn trải nghiệm mùa khô nơi “đất khát”, phần vì muốn đến với người dân nhân dịp tết đến, xuân về, nên tôi quyết định ngược dốc đến nơi hò hẹn.
Ấm áp tình quân dân. |
Để đến Dìn Chin, từ thị trấn chỉ có 1 cung đường duy nhất ngược hướng Bắc theo Quốc lộ 4D đã khá êm thuận. Thấm đẫm không gian là những làn mây mỏng vờn ngang lưng núi, bản làng, cây lá cũng vì thế mà lấp ló, ẩn hiện. Có những nơi mây lại xếp tầng, trải dài tạo thành những dòng sông trắng mênh mang. Nhưng chỉ một lát thôi, khi làn gió thổi đến, dòng sông ấy dạt trôi, để thoảng ra những ngôi nhà lúp xúp của người dân tộc Mông, Pa Dí, La Chí… Vùng “đất thép” Mường Khương tựa như chốn bồng lai. Tôi chợt thấy mình may mắn, vì bao nghệ sĩ “săn” mây ngày đêm, chắc gì đã được thấy cảnh này.
Mải mê ngắm cảnh đẹp, “con ngựa sắt” đã đưa tôi đến Dìn Chin lúc nào không hay. Đứng trên đỉnh dốc vào xã, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, nơi bà con chung vui ăn tết, rực rỡ sắc thắm của hoa đào. Trời về chiều, không gian thật tĩnh lặng, thanh bình. Có tiếng tuýt còi khiến tôi giật mình, Trưởng thôn Pạc Tà cười tươi: “Mọi người cử tôi đi đón nhà báo đấy”.
Chạm chân đến cổng đồn đã nghe tiếng cười vui vẻ. Rất đông người đang ở ngoài sân, một cán bộ biên phòng dáng người cao lớn, rẽ đám đông ra bắt tay tôi hồ hởi. Ông Lù Phủ Dung giới thiệu: “Đây là đồng chí Tẩn Sành Nhàn, đại úy, Chính trị viên phó của đồn”. Đồng chí chính trị viên phó cười tươi, bảo: Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày cuối năm, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu lại mổ lợn, gói bánh chưng để mời các gia đình chính sách, người có uy tín của 13 thôn thuộc xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin do đồn phụ trách và những hộ dân sống gần đến vui bữa cơm tất niên.
Mai mới là ngày tổ chức, nhưng từ sáng nay không khí đã rất rộn ràng, cán bộ, chiến sĩ của đồn tất bật chuẩn bị thực phẩm cho gần 20 mâm cỗ ngày mai. Một số bà con cũng đến chuẩn bị cùng. Đây là nhóm rửa lá, chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng, kia là nhóm làm rau, quả, đây nữa là nhóm chuẩn bị thực phẩm tươi sống… tất cả như một nhà hàng lớn với những đầu bếp chuyên nghiệp. Phía bên cạnh nhà ăn có một vườn rau xanh tốt. Tôi thầm ngưỡng mộ, bởi ở nơi có những mùa “vắt kiệt đất” không còn một giọt nước, mà vẫn có thể vun trồng lên những mầm xanh tươi tốt như thế này thì quả là kỳ tích. Trong khu vườn mênh mông, vài người đang lúi húi tưới rau. Thật cẩn trọng và tỉ mỉ, họ lấy từng gáo nước đổ vào gốc rau. Khi đổ nước, tay còn xòe ra bên cạnh như để tránh cho nước không bắn ra ngoài. Nhìn cách tưới rau mới biết vì sao vườn rau lại xanh tốt thế kia. Thấy có người đến, mọi người đều ngưng tay tiếp chuyện. Trong nhóm tưới rau, có 2 cậu bé cũng sắm cho mình 2 chiếc xô nhỏ. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Nhàn giới thiệu, đây là hai anh em, nhà ở cách xa đây. Gia cảnh của các cháu rất khó khăn, nên đồn đã nhận nuôi và đưa về đây ở. Thì ra đây là “con nuôi” của đồn. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm áp, bởi không chỉ có Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, mà ở các đồn biên phòng khác trong tỉnh, chương trình “Nâng bước em đến trường” đã giúp bao em thơ có hoàn cảnh không may mắn được đến trường viết tiếp ước mơ tuổi học trò.
Sẩm tối, cả Dìn Chin chìm vào màn sương mờ đục. Sương giăng khắp lối khiến không gian núi rừng càng tĩnh lặng. Sau khi dùng xong bữa tối, cả đơn vị ai vào việc đấy. Tôi tự cắt mình vào nhóm làm bánh chưng, vì khi nãy tâm sự, biết đấy là nhóm của 2 cậu “con nuôi”. Một chiếc bếp lớn được chất giữa sân, chiếc nồi lớn được đặt lên. Những chiếc bánh gói từ chiều được xếp ngay ngắn vào nồi. Chúng tôi trải chiếu ngồi chung quanh nồi bánh và tiếp tục gói bánh. Hai cậu “con nuôi” tỏ ra thuần thục cùng người lớn gói những chiếc bánh chưng tày truyền thống của đồng bào mình. Đôi tay bé nhỏ trải lá, nêm gạo, thịt, đỗ rồi vén lá, gói lạt nhanh thoăn thoắt. Nồi bánh bắt đầu sôi lục bục, những thanh củi khô nổ tanh tách thật vui tai…
Chiến sỹ biên phòng tuyên truyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số về chính sách pháp luật bảo vệ biên giới. |
Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác như thời thơ bé, ngồi bên bếp lửa, canh nồi bánh chưng xanh. Hai cậu “con nuôi” đã xong công việc của mình, ngồi trong lòng các chú bộ đội. Qua những câu chuyện kể, tôi mới biết hai cậu “con nuôi” là anh em ruột. Bé lớn tên là Ma Seo Khoa, học lớp 4; bé nhỏ tên là Ma Seo Xuyên, học lớp 1. Nhà Khoa và Xuyên ở thôn Sín Chải A, cách đây gần 1 giờ đi bộ, thuộc diện đặc biệt khó khăn của thôn, xã. Cách đây 3 năm, khi ấy, Khoa mới học lớp 1, Xuyên mới 3 tuổi thì bố mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Nhà vốn đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn khi một mình mẹ phải nuôi ông, bà nội và 4 anh chị em Khoa. Chị của Khoa buộc phải bỏ học giữa chừng để ở nhà giúp mẹ, còn Khoa cũng “buổi đực, buổi cái” đến trường. Cảm thương với gia cảnh, năm ngoái, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đón hai anh em Khoa về nuôi và cho đi học. Ma Seo Khoa tâm sự: “Mẹ em vất vả lắm. Em chỉ mong lớn thật nhanh, học được thật nhiều điều hay lẽ phải để về giúp đỡ mẹ, cho cuộc sống gia đình em được tốt hơn…”. Nghe Khoa nói, ai cũng xúc động, Chính trị viên phó Tẩn Sành Nhàn ôm chặt Khoa vào lòng. Vòng tay ấm áp như của một người cha mà Khoa đã thiếu vắng bấy lâu nay. Đôi mắt Khoa lấp lánh…
Trời bắt đầu sáng, một hồi kẻng ngân vang, các dãy nhà lần lượt sáng đèn. Sau khi tập thể dục buổi sáng, mọi người hối hả với công việc của mình. Có tiếng bước chân huỳnh huỵch rồi tiếng lợn kêu eng éc. Hai con lợn béo được khiêng từ khu chăn nuôi về đặt ở sân sau đề chờ mổ thịt làm cỗ.
Gần trưa, cỗ bàn với các món ăn ngày tết đã được bày thịnh soạn. Trong bữa cơm đầy ắp tình quân dân, họ cùng kể cho nhau nghe về những “chiến công” trong một năm qua và bàn chuyện năm mới. Ông Lù Phủ Dung nói lớn như quản ca: “Năm mới, chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết xây dựng thôn bản bình yên, giữ vững an ninh biên giới bà con nhé…”. Tiếng vỗ tay rào rào, họ đang cùng hưởng ứng lời của Trưởng thôn Pạc Tà, đồng thời “hiệp ước” thực hiện tốt trong thời gian tới.
Nghe các chú, các bác nói, Khoa và Xuyên đang ăn cũng ngừng lại, vỗ tay bôm bốp. Không biết chúng có hiểu hết lời người lớn nói hay không, nhưng dáng điệu hào hứng ấy khiến ai cũng thấy vui. Rồi mai đây, chúng sẽ lớn lên, là chủ nhân của vùng “đất khát”. Với sự chăm lo, chỉ dạy ngày hôm nay, chúng sẽ viết tiếp bài ca cho hoa đào nở mãi nơi vùng biên…