LCĐT - Chuyện làng, chuyện xóm lâu nay, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp như “tối lửa tắt đèn có nhau”, thì đôi khi vẫn xảy ra mâu thuẫn, xích mích, bằng mặt không bằng lòng, thậm chí là gây gổ, xô xát. Những lúc như vậy, tổ hòa giải ở khu dân cư luôn là nòng cốt trong việc tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, rồi tổ chức hòa giải và giải quyết sự việc một cách thấu tình, đạt lý, qua đó góp phần xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu nại vượt cấp.
Tổ hòa giải trao đổi kinh nghiệm giải quyết vụ việc ở khu dân cư. |
Khi tìm hiểu về công tác hòa giải cơ sở ở thành phố Lào Cai, chúng tôi mới cảm nhận được sự gian nan, vất vả của những hòa giải viên trong công việc “vác tù và hàng tổng”. Ông Phạm Văn Hiền, Tổ trưởng tổ dân phố 52 kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải dân cư ở phường Kim Tân chia sẻ: Gặp nhiều mới thấy, tiếp xúc nhiều mới biết, việc hòa giải mâu thuẫn giữa hai tập thể đã khó, hòa giải xích mích giữa hai cá nhân lại càng khó hơn, bởi lẽ “cái tôi” của nhiều người quá lớn, dù được khuyên nhủ nhiều lần nhưng chưa chắc họ đã nghe theo.
Theo ông Hiền, người làm công tác hòa giải phải có kinh nghiệm, kỹ năng thuyết phục, nếu không, khi xử lý mâu thuẫn rất dễ khiến người được hòa giải tự ái, lúc đó sự việc sẽ càng khó khăn hơn.
Ông Hiền nêu ví dụ về trường hợp tranh chấp đất giữa hai gia đình thuộc tổ dân phố số 49 và 52. Gia đình ở tổ 49 dựng nhà sinh sống trước và có lấn sang một phần đất của gia đình ở tổ 52, tình trạng này kéo dài suốt 10 năm. Khi gia đình ở tổ 52 đòi phần đất bị lấn, gia đình ở tổ 49 đồng ý, nhưng điều kiện theo giá đất thị trường thì hai bên không thống nhất được, dẫn đến mâu thuẫn khiến họ phải nhờ tòa án phân giải. Sau khi nắm được thông tin, tổ hòa giải của tổ dân phố đã tìm hiểu kỹ tình hình, sau đó gặp trực tiếp từng gia đình, phân tích thấu tình, đạt lý và đã thành công. Gia đình ở tổ 49 cam kết trả lại đất cho gia đình ở tổ 52 và ngược lại, gia đình ở tổ 52 sẽ hỗ trợ một phần giá trị công trình đã xây dựng trên phần đất đó.
Đa số mâu thuẫn, tranh chấp tại các khu dân cư xảy ra trên địa bàn thành phố thuộc lĩnh vực đất đai. Để tháo gỡ những tình huống cụ thể, mỗi tổ hòa giải, hòa giải viên lại có những kinh nghiệm riêng. “Muốn giải quyết được những mâu thuẫn trong khu dân cư, tổ hòa giải phải kiên trì, nhẫn nại. Trong khi trao đổi, phải dùng tình cảm phân tích nhiều hơn, kết hợp với lý lẽ xác đáng thì mới thành công” - ông Nguyễn Tiến Hòa, Trưởng ban Công tác mặt trận, thành viên Tổ hòa giải khu dân cư số 11, phường Pom Hán, tâm sự. Cuối năm 2017, ông Hòa cùng các thành viên trong tổ hòa giải đã hóa giải thành công mâu thuẫn giữa 2 gia đình do để máng nước chảy tràn qua nhà nhau tại tổ 27, khu dân cư số 11. Sự việc nhỏ nhưng đã đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm, khiến mối quan hệ giữa hai gia đình rất căng thẳng. Nhờ sự nỗ lực hòa giải của ông Hòa và các thành viên, đến nay, dường như 2 gia đình đã trở lại mối quan hệ bình thường.
Bà Đào Thị Thim, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận, thành viên Tổ hòa giải khu dân cư số 14, phường Pom Hán cho rằng, việc lắng nghe là rất quan trọng và phải nghe cả hai bên mới tìm được nút thắt để tháo gỡ. Trong những năm qua, bà Thim và các hòa giải viên đã hóa giải mâu thuẫn cho trên 10 hộ gia đình, góp phần giữ gìn tình đoàn kết ở khu dân cư.
Bà Thim, ông Hòa đều cho rằng, các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình hoặc giữa các gia đình chủ yếu do những người trong cuộc hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Vì thế, các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương cần tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để xây dựng các khu dân cư văn minh, đảm bảo về an ninh, trật tự.
Thành phố Lào Cai hiện có 275 tổ hòa giải cơ sở với 1.615 hòa giải viên, các tổ hòa giải được thành lập và hoạt động theo hình thức tự quản. Hòa giải viên cơ sở đa số là các tổ trưởng tổ dân phố hoặc cán bộ mặt trận, thành viên chi hội người cao tuổi, cựu chiến binh, chi hội phụ nữ. Đó là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có kiến thức pháp luật và nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng. Khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, thành phố Lào Cai đã tiếp nhận và giải quyết gần 275 vụ việc, trong đó 224 vụ hòa giải thành công, số vụ còn lại chuyển cơ quan cấp trên hoặc tiếp tục hòa giải. Theo bà Lê Thị Lan, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Lào Cai, để công tác này ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả hơn thì hoạt động hòa giải ở cơ sở cần gắn với nội dung của các phong trào thi đua, các cuộc vận động như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự...