LCĐT - Những năm qua, hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) được các cấp công đoàn Lào Cai quan tâm thực hiện, hiệu quả ngày càng nâng cao. Qua đó, nhiều ý kiến thiết thực của đoàn viên được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trả lời, giải quyết, giúp tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Bình quân mỗi năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Văn Bàn tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát và 2 cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, CNVCLĐ trên địa bàn huyện. Ông Bùi Ánh Dương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Bàn cho biết: Hoạt động này được triển khai thực hiện theo Đề án số 11 của Huyện ủy về “Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân huyện Văn Bàn giai đoạn 2016 - 2020”. Trên cơ sở đó, LĐLĐ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm.
Quang cảnh buổi tiếp xúc, đối thoại giữa Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh với đoàn viên công đoàn ngành giáo dục. |
Cách làm của đơn vị là trước mỗi buổi đối thoại đều thành lập 1 tổ tham vấn (gồm cán bộ chuyên trách và lãnh đạo LĐLĐ huyện, các chủ tịch công đoàn cơ sở) xuống cơ sở gặp gỡ, thu thập ý kiến của đoàn viên công đoàn và người lao động, sau đó tổng hợp gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét trả lời. Trong buổi đối thoại, liên quan đến đơn vị nào thì lãnh đạo đơn vị đó giải đáp câu hỏi của người lao động. Với cách làm trên, hiệu quả cuộc đối thoại được nâng lên, đi vào các vấn đề trọng tâm, vấn đề mà đoàn viên công đoàn và người lao động quan tâm. Quan trọng hơn, câu hỏi được trả lời thỏa đáng, có sự phối hợp giữa LĐLĐ và các cơ quan chức năng trong tìm nguyên nhân vướng mắc để tháo gỡ, từ đó mang lại niềm tin cho cán bộ, CNVCLĐ.
Đơn cử, trong buổi tiếp xúc, đối thoại với CNVCLĐ cụm xã Võ Lao, Văn Sơn, Nậm Mả, Nậm Dạng và xã Sơn Thủy do LĐLĐ huyện tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, đoàn viên Lý Thị Đợi Chờ (giáo viên Trường Mầm non Nậm Mả) hỏi về trường hợp giáo viên là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và công tác tại nơi kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn có được đổi thẻ bảo hiểm y tế theo mã quyền lợi đối tượng dân tộc thiểu số không? Câu hỏi đã được lãnh đạo ngành bảo hiểm huyện trả lời rõ ràng, trường hợp trên được đổi bình thường và hướng dẫn thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Tại huyện Mường Khương, việc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ huyện cũng được thực hiện theo Đề án số 14 của Huyện ủy về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Mường Khương” và kế hoạch hằng năm của LĐLĐ tỉnh về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Mường Khương khẳng định: LĐLĐ huyện đã nghiên cứu kỹ, nắm chắc những nội dung cơ bản của đề án và các kế hoạch, từ đó định hình ý tưởng về một số giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ với mục đích tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách, pháp luật. Đặc biệt là tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, những chủ trương, chính sách của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam... Từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị và xây dựng khối đại đoàn kết.
Các cuộc tiếp xúc, đối thoại được xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ nội dung cụ thể thông qua tham vấn, thu thập ý kiến của CNVCLĐ. Vì vậy, chất lượng đối thoại ngày càng được nâng cao, phong phú về nội dung và sát với thực tế; các đề xuất, kiến nghị của CNVCLĐ được trả lời trực tiếp, giải quyết tại chỗ, làm thỏa mãn sự kỳ vọng của CNVCLĐ đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; giải tỏa được những bức xúc trong CNVCLĐ. Ngoài nội dung đối thoại còn tích hợp lồng ghép công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong việc thực hiện Điều lệ Công đoàn, thăm nắm thực tế nơi ở và làm việc của CNVCLĐ.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ trong tỉnh. Tuyên truyền đến các công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn và người lao động học tập, quán triệt nội dung Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động và hội nghị đối thoại.
Ngoài đối thoại, trong 2 năm qua, LĐLĐ tỉnh, các huyện, thành phố chủ trì thực hiện 26 cuộc giám sát và phối hợp thực hiện 27 cuộc; tổ chức 25 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với CNVCLĐ và đoàn viên công đoàn với hàng trăm ý kiến phản ánh về các chế độ, chính sách, quyền và lợi ích liên quan. Các ý kiến được tổng hợp, theo từng cấp đề nghị giải quyết với tỷ lệ đạt cao, riêng những ý kiến thuộc thẩm quyền của LĐLĐ tỉnh giải quyết đạt 100%. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp ở cơ sở đã phát huy tinh thần dân chủ; giúp Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, đại diện lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trực tiếp nghe kiến nghị, đề xuất, tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Qua đó, CNVCLĐ yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất; tăng cường đoàn kết, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn; củng cố thêm lòng tin giữa công nhân, lao động với công đoàn, hạn chế được tranh chấp lao động, khiếu kiện vượt cấp.