
Mặc dù bận rộn với hoạt động chuyên môn, nhưng thạc sỹ Bùi Xuân Tiệp vẫn tích cực tham gia sáng tác nghiên cứu, phê bình lý luận văn học - nghệ thuật. Thời gian qua, thạc sỹ Bùi Xuân Tiệp đã có một số công trình nghiên cứu có giá trị, như Lễ hội Gầu tào và Dân ca giao duyên dân tộc Mông (Tài trợ của Hội VHNT Lào Cai); Văn học dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Tài trợ của Hội VNDG Việt Nam)...
Những tác phẩm đoạt giải:
- Tìm hiểu truyện Vợ chồng A Phủ trong mối quan hệ với văn hóa dân gian Mông - Giải B, Hội VHNT tỉnh Lào Cai năm 2004.
- Bước đầu giải mã một số biểu tượng văn hóa trong dân ca giao duyên dân tộc Mông - Giải C, Hội VHNT tỉnh Lào Cai năm 2007.
- Diễn xướng dân ca giao duyên Mông trong Lễ hội Gầu tào - Giải B, Hội VHNT tỉnh Lào Cai năm 2010.
Một số điểm cần lưu ý về bản dịch dân ca Mông
Các dân tộc đều có nét đặc sắc riêng về ngôn ngữ. Ngôn ngữ dân ca Mông là ngôn ngữ nghệ thuật rất tinh tế, duyên dáng, do vậy việc dịch thuật đòi hỏi người dịch phải thông thạo tiếng Mông và am hiểu phong tục, tập quán, nếp cảm, nếp nghĩ, cách diễn đạt của đồng bào. Các bản dịch dân ca Mông hiện nay đã dịch sát nguyên văn, nhưng không gò vần để giữ gần như nguyên vẹn phong cách dân tộc. Dịch giả Doãn Thanh đã chú trọng đến việc chú thích tỉ mỉ những ý dịch chưa thoát, những từ ngữ lạ, những phong tục, tập quán, cách diễn đạt riêng... giúp cho người đọc có thể nắm bắt tương đối trọn vẹn tác phẩm. Tuy nhiên, đọc dân ca, lại thông qua bản dịch dù sao cũng rất khó có thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp trong tình ý sâu xa của bài ca. Do đó, khi nghiên cứu dân ca Mông nói riêng, tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói chung rất cần đối chiếu với văn bản gốc của ngôn ngữ đó.
Chúng tôi đối chiếu bản dịch so với văn bản bản gốc 45 bài và xin lưu ý một số điểm sau:
Về số lượng dòng thơ, từ ngữ: Chỉ có 3 bài, số dòng thơ bản gốc và bản dịch bằng nhau; còn lại đều lệch ngắn hơn, trong đó, 34 bài bản dịch ngắn hơn bản gốc (23 bài ngắn hơn từ 4 dòng trở lên; có bài ngắn hơn 35 dòng). Số chữ từng dòng thơ dịch cũng thường ít hơn số chữ bản gốc. Từ tiếng Mông là từ đơn âm tiết như tiếng Việt, vì vậy, nguyên nhân chủ yếu bản dịch vênh so với bản gốc là do cấu tạo ngữ pháp khác nhau và do đặc điểm dân ca Mông có nhiều tiếng đệm không có nghĩa hay nghĩa mờ nhạt trong bài. Ví dụ: Caox nav caox txir txơưx zus, Zuz caox pôngz ntơưs têx bông tơưr/Caox hluz tơưv trôngx ntus plơưl/Caox nav caox txir muôz caox xang/ Hmôngl têx tsêr cơưv ntơưr. (Dịch: Mẹ cha cô biết sinh/Sinh ra cô đặt trong bịch thóc/Lớn khôn, mẹ cha cô cho cô đi học (Dân ca Mèo Lào Cai, Nxb VHTT, 1974). Ở ví dụ trên, từ bốn dòng thơ, khi dịch còn ba dòng thơ (lược 1 dòng). Vì trôngx ntus plơưl không có nghĩa nên dịch gộp hai dòng thơ cuối còn một dòng. Câu đầu 6 tiếng, dịch còn 5 tiếng vì caox nav caox tris (4 tiếng) dịch ra tiếng Việt là mẹ cha cô (3 tiếng). Như vậy, khi dịch ra tiếng Việt, có sự thay đổi đáng kể sẽ làm giảm đáng kể vai trò nhạc điệu và nhịp điệu của lời ca. Người đọc khó hình dung ra diễn xướng của lời ca ấy.
Có khi muốn dịch cho có hồn thơ thì lại bị sai lệch về ý nghĩa. Ví dụ: Caox nav caox trir trôngx plangs txơưv tsaoz măngx/Cha mur cêr jur/ Caox uô caox nav caox txir mêr nxeik gâux xưz/ Cur lê tâu txu cêr thur (Dịch: Trước cửa nhà em có cây lanh mọc/Ong có nơi về đậu/Em làm thân con gái bẩy năm theo mẹ theo cha/Anh có nơi qua lại). Nguyên nghĩa: Bố mẹ em trồng cây lanh trước cửa/ Ong mới về đậu/Em làm cô gái đồng trinh của mẹ, của cha/Anh mới qua lại). Nếu nói bố, mẹ em trồng lanh... tức là gia đình có nền nếp lao động, bản thân em chắc biết làm lanh, may vá thêu thùa... được thừa hưởng nền nếp gia đình... Em lại là cô gái còn trong trắng nên anh đến tìm hiểu là lẽ đương nhiên. Như vậy mới đúng phong tục, tập quán dân tộc Mông. Mặt khác, dịch ra tiếng Việt như thế, câu thơ khó đảm bảo được vần điệu (jur vần với thur, dịch là đậu - lại ).
Có khi ý nghĩa hình tượng thơ không còn nguyên vẹn: Ví dụ: Caox tuôr cur lux têl tuôr trơưr/Cur tuôr caox lux têl tuôr truz/Ưz uô chiv cêr plênhl gâux đrâus/Puôr tangv têx jâuz tsênhx grêl jâuz sur hluz. (Dịch: Em nắm tay anh nắm cho vững/Anh cầm tay em cầm cho chặt/Ta yêu nhau đằm thắm như khóm ngải xanh tươi). Nguyên nghĩa hai câu cuối: Con đường tình duyên của đôi ta, như là từ đám rau xương cá chuyển sang đám rau ngải lớn. Bản dịch đã bỏ từ con đường (cêr) và từ lớn (hlus), và thêm vào đó từ xanh tươi. Nếu dịch như vậy thì chỉ cho ta cảm nhận về một tình yêu đằm thắm, ở thời điểm ấy mà thôi. Từ bản gốc, có thể phân tích ý nghĩa hình tượng thơ như sau: Vùng cao mọc rất nhiều rau xương cá và rau ngải, nhưng rau xương cá chỉ mọc vào mùa xuân, rất tươi tốt và tàn rất nhanh; rau ngải hầu như không tàn quanh năm. Từ sự nhanh tàn chuyển sang sự lâu tàn ví với con đường tình duyên là con đường dài lâu, bền chặt, càng ngày càng bền chặt hơn, thắm thiết hơn, tin tưởng hơn. Điều đó tương đồng với cái việc cầm tay nhau cho vững (têl tuôr truz) ở trên. Đây cũng là cách diễn đạt quen thuộc của đồng bào Mông (Ví dụ, nói về sự bất tận: Bài hát sắp hết, có bài không hết, hết như từ nương ớt sang vườn kiệu) và cũng phù hợp với tâm lý ưa thuỷ chung của nam nữ Mông.
Bản dịch chưa thể hiện hết đặc trưng giao duyên, bối cảnh diễn xướng, nhất là trong các đối ca nam - nữ: Mở đầu các đối ca nam nữ, người Mông thường hát một số làn điệu, câu hát quen thuộc: -Ntux tês nduô! -Ntux tês nduô nxeik gâux sênh! -Ntux tês nduô nxeik gâux xưz! -Ntux tês nduô lênhx tangz!... Tất cả đều được dịch là chàng ơi!, nàng ơi! hoặc không dịch sẽ không lột tả hết cái tinh tế trong đó. Ntux tês nduô có nghĩa: đất trời đẹp kết hợp với lời gọi chàng ơi!, nàng ơi!... thì mới có sự duyên dáng! Mặt khác, dịch là nàng ơi nhưng mấy từ chỉ cô gái có nghĩa khác nhau. Không ai hát với người đã có chồng mà gọi là nxeik gâux xưz (cô trinh nữ) cả. Cái duyên của lời ca nằm ở chỗ đó!
Trên đây, chúng tôi sơ bộ nêu ra một vài điểm rất cần lưu tâm khi đọc, nghiên cứu, thưởng thức dân ca Mông qua bản dịch; còn nhiều phương diện khác đòi hỏi chúng ta phải thâm nhập được vào ngôn ngữ, văn hóa bản địa của đồng bào mới có thể tìm hiểu được. Do ngôn ngữ bất đồng nên việc dịch tất nhiên không thể thể hiện hết cái hay, cái đẹp, cái tình ý sâu xa, sự tinh tế và đặc biệt là nét đặc sắc văn hóa của những lời ca. Vì lẽ đó, chúng tôi đề xuất: 1) Khi tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng thức dân ca Mông và nói chung dân ca các dân tộc thiểu số, để hiểu được chiều sâu cũng như cái hay, cái đẹp của từng lời ca trong đó, việc cần thiết và hết sức quan trọng là người thực hiện cố gắng đối chiếu văn bản dịch với văn bản gốc; rộng hơn là đối chiếu với bản gốc và tìm hiểu trên cơ sở văn hóa truyền thống của đồng bào. 2) Hiện nay, các tác phẩm dân ca Mông đã xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt, có quá ít tác phẩm ghi âm, tiếng Mông hoặc song ngữ Việt – Mông; đây là vấn đề lớn đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sưu tầm để bảo tồn nền dân ca truyền miệng đặc sắc ấy. 3) Khi sưu tầm dân ca Mông nói riêng, văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, các tác giả nên ghi âm nguyên bản, ghi lại bằng chữ viết của dân tộc (nếu có) và khi dịch, cố gắng ghi chú tỷ mỷ, kỹ những chỗ mà việc dịch thuật gặp khó khăn, như vậy sẽ giúp người đọc tiếp cận được giá trị đích thực của tác phẩm.