Trọng trách nước lớn

Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Moscow trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga kéo dài 3 ngày theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo thông tin trước thềm chuyến thăm, chuyến công du có hai mục đích chính: Tăng cường quan hệ song phương và giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine-trọng trách của một nước lớn với hòa bình trên thế giới.

Có thể thấy, Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Nga bởi đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông tái đắc cử chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba. Khi thông báo về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow có ảnh hưởng quan trọng trên trường quốc tế, đồng thời gọi chuyến thăm là “hành trình hữu nghị, làm sâu sắc thêm sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời củng cố nền tảng chính trị và dư luận xã hội của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước qua nhiều thế hệ”.

Trên thực tế, quan hệ Nga-Trung đã được nâng lên tầm cao mới trong chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc đầu tháng 2 năm ngoái khi hai bên khẳng định trong tuyên bố chung rằng tình hữu nghị giữa hai nhà nước là “không giới hạn”, không có lĩnh vực hợp tác bị cấm. Hơn một năm sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ song phương này, cũng là quãng thời gian các quan hệ quốc tế biến chuyển mạnh sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2-2022, quan hệ Nga-Trung đã “ở mức cao nhất trong lịch sử”-theo bài viết của Tổng thống Putin đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 19-3. Cũng trước khi thăm Moscow, ông Tập Cận Bình đã viết trên tờ Rossiiskaya Gazeta của Nga rằng hai nước đã “củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau và thúc đẩy một mô hình quan hệ nước lớn mới” và “quan hệ song phương đã trưởng thành và bền vững hơn”.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="/images/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 4/2/2022.  

Hợp tác song phương Nga-Trung chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại chính của Nga trong hơn 10 năm qua, đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 30% trong năm 2022, dự kiến vượt mục tiêu 200 tỷ USD đề ra vào năm 2024. Cùng với nhiều công trình giao thông kết nối hai nền kinh tế, Nga đứng thứ hai về cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống và thứ tư về khí đốt hóa lỏng cho Trung Quốc. Hiện hơn 50% giao dịch thương mại giữa hai nước thực hiện bằng nội tệ. Nga và Trung Quốc cũng tổ chức hai cuộc tập trận trong năm 2022.

Những điểm nhấn nêu trên trong hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh trong khi Nga phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ “không giới hạn” của hai nước. Từ nền tảng là quan hệ tốt đẹp với Nga và Ukraine cùng vị thế quốc tế ngày càng lớn của mình, Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Việc Trung Quốc mong muốn vãn hồi hòa bình giữa Nga và Ukraine đã được thể hiện một cách bài bản, từ các tuyên bố của nước này ngay khi xung đột bùng nổ tới việc ra tài liệu lập trường và nay là chuyến thăm tới Moscow của ông Tập Cận Bình. Khi các nỗ lực ngoại giao giữa Nga và Ukraine trong giai đoạn đầu của xung đột hay vai trò hòa giải của lãnh đạo Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không làm tình hình dịu đi mà còn đẩy cuộc phiêu lưu quân sự tới mức nguy hiểm hơn thì Trung Quốc bày tỏ rõ lập trường gồm 12 điểm vào dịp tròn một năm chiến sự tại Ukraine. Trong tài liệu này, Bắc Kinh cho rằng đối thoại, đàm phán là cách khả dĩ duy nhất nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho rằng, tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt, để dần dần hạ nhiệt tình hình, cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.

Trong khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tỏ ra hoài nghi về việc sứ mệnh hòa bình tới Moscow của ông Tập Cận Bình có thành công hay không thì Nga chào đón nồng nhiệt kế hoạch của Bắc Kinh, còn Ukraine cho biết, họ để ngỏ cho “một số phần của kế hoạch”. Như vậy, dù lập trường đàm phán của Nga và Ukraine rất xa nhau nhưng với đề xuất của Trung Quốc, hai bên cũng gửi đi tín hiệu mong muốn có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Đây là một khởi đầu tốt nữa cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Moscow trong khi đã có thông tin ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau chuyến thăm Nga lần này.

Trung Quốc-thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới-ngày càng khẳng định vai trò là một cường quốc có trách nhiệm. Mới ngày 10-3 vừa qua, tại Bắc Kinh, với vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc, Iran và Saudi Arabia đã tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao sau nhiều nỗ lực bất thành. Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ khó thuyết phục được Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán vì mâu thuẫn giữa Moscow và Kiev không giống như Saudi Arabia và Iran.

Rõ ràng, thuyết phục Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán là vấn đề rất khó vì nó liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia và rồi cả tác động của NATO hay Liên minh châu Âu. Việc lớn cần tới nước lớn và nước lớn có thể mang lại hy vọng cho hòa bình giữa Nga và Ukraine hiện nay chỉ có thể là Trung Quốc, bởi các cường quốc, các nền kinh tế mạnh còn lại trên thế giới đều đã lên tiếng phản đối, áp đặt và thực thi các lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao với Moscow, hoặc hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev. Do vậy, tuy hơi muộn nhưng chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Moscow lần này là cơ hội lớn để Trung Quốc chìa cành ô liu hòa bình cho cả Nga và Ukraine. Vai trò và quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trên một thông điệp đăng trên Twitter ngày 17-3 rằng Trung Quốc sẽ giữ “vị trí khách quan và công bằng” về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và “đóng vai trò xây dựng trong việc khuyến khích đàm phán vì hòa bình”.

Vấn đề giữa Nga và Ukraine tất nhiên phải do hai nước cùng giải quyết. Thế nhưng, trong khi xung đột ngày một leo thang ở Ukraine thì vai trò trung gian hòa giải của một cường quốc có ảnh hưởng với cả hai bên sẽ rất quan trọng. Tín hiệu đáng mừng là Moscow đã hoan nghênh vai trò của Bắc Kinh. Trong bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo hôm 19-3, ông chủ Điện Kremlin khẳng định: “Chúng tôi biết ơn vì đường lối cân bằng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Ukraine, vì đã hiểu được bối cảnh và lý do thực sự của chúng. Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Không dễ để có ngay một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay. Thế nhưng, với việc Trung Quốc thể hiện trọng trách của một nước lớn, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, có thể chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Moscow lần này sẽ mở ra một cách tiếp cận thiện chí hướng tới hòa bình mà cả Nga và Ukraine đều mong đợi.

Báo Quân đội Nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Songkran năm đầu tiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Songkran năm đầu tiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Thái Lan vừa tổ chức Tết cổ truyền Songkran hết sức thành công sau khi nước này được UNESCO công bố quyết định công nhận Songkran là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 6/12/2023. Trước Songkran, nghệ thuật biểu diễn Khon, massage Thái và múa Nora đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Đạt thành tựu tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường vị thế trên trường quốc tế, song Ấn Độ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Ấn Độ được đánh giá có vai trò định hướng sự phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới, ít nhất trong 5 năm tới.

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

fb yt zl tw