Giữa bạt ngàn cây lá, giữa không gian sơn thủy hữu tình, khoáng đạt, thơ mộng, ngôi đền cổ kính, uy nghi tọa lạc ở địa thế vững chãi, lưng tựa sơn, mặt hướng ra hồ Thác Bà xanh thẳm.

Từ bao đời nay, lịch sử ngôi đền được ghi chép và người dân nơi đây vẫn lưu truyền rằng ngôi đền là nơi thờ phụng công chúa Minh Đạt, con gái Vua Hùng Vương thứ 18, người có công cai quản và dạy muôn dân vùng Thác Bà cấy lúa, trồng dâu và dựng xây cuộc sống ấm no.

Đền Mẫu Thác Bà trên núi Hoàng Thi
Không gian cổ kính đền Thác Bà. 

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, Vua Hùng đã chọn cử các công chúa xinh đẹp, nết na nhất đến trông coi các cửa sông, cửa rừng, giúp đỡ nhân dân cách làm ăn, sinh sống. Công chúa Minh Đạt vâng lệnh vua cha, đến vùng cửa sông Thác Bà (Yên Bái) để coi giữ, sống trọn đời trinh bạch ở vùng đất này.

Khi mất, công chúa đã hiển linh giúp đỡ dân lành vượt qua tai ương, hoạn nạn trên rừng, dưới sông. Vì vậy, để tưởng nhớ công ơn của Minh Đạt công chúa, người dân Thác Bà tôn kính bà là Thánh Mẫu, đã lập đền thờ bà ở phía dưới bờ phải của Thác Bà, bên bờ sông Chảy. Sau này, khi xây dựng thủy điện Thác Bà, nước dâng cao, người dân đã di chuyển ngôi đền lên vị trí cao hơn, tại đỉnh núi Hoàng Thi ngày nay. Tương truyền, ngôi đền được khởi dựng trước khi có sắc phong của Vua Minh Mạng (1880).

Bước chân vào cổng tam quan dưới chân núi, du khách được hòa mình vào không gian thanh tịnh, hoa rừng thơm ngát, cây lá xanh tươi, líu lo chim hót. Để lên được đền Mẫu, du khách sẽ dạo bước trên 100 bậc đá uốn lượn quanh triền núi Hoàng Thi. Phía xa xa là những dãy núi trùng điệp uốn lượn quanh hồ Thác Bà mênh mang, những hòn đảo lớn nhỏ xinh đẹp nhô lên giữa hồ nước gợi lên một bức tranh thủy mặc tựa chốn thần tiên.

Ngôi đền tọa lạc bên hữu ngạn hồ Thác Bà, ở giữa đỉnh núi Hoàng Thi, mặt theo hướng Đông Bắc. Mái được lớp ngói vảy, ở giữa có lưỡng long chầu mặt nguyệt, phía trước có đôi rồng đá hướng đầu ra phía trước gợi lên vẻ đẹp thanh cao, uy nghi và linh thiêng. Mái đền, những mái vòm cong vút, uốn lượn như tạc những nét vẽ tài hoa của người xưa lên trời xanh, màu thời gian lắng đọng, điểm tô trên từng viên ngói, từng đường nét kiến trúc của ngôi đền.

Phía trong ngôi đền là sự hội tụ không gian thực hành tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ, Tam tòa Thánh Mẫu. Các cung thờ đều được bài trí hài hòa, sáng đẹp, gợi lên sắc màu cổ kính, linh thiêng và đậm chất tín ngưỡng. Đặc biệt, trong không gian cung cấm là nơi thờ tượng Mẫu Minh Đạt công chúa. Pho tượng Mẫu được tạc với dáng vẻ ngồi uy nghi, khuôn mặt phúc hậu, xinh đẹp, toát lên sự thông minh, quyết đoán.

Đền Mẫu Thác Bà đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004, di tích lịch sử quốc gia năm 2021. Hiện ngôi đền còn lưu giữ 6 đạo sắc của các triều vua phong. Lễ hội chính của đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm với các nghi lễ cổ truyền như lễ rước kiệu, rước Mẫu, lễ hội bắt cá hồ Thác Bà, lễ nấu chè kho và các nghi thức tế lễ tại đền. Ngoài phần lễ, các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian được người dân tổ chức như đánh đu, ném còn, đua thuyền, chọi gà, đẩy gậy…

Đền Mẫu Thác Bà trên núi Hoàng Thi

Không gian hồ Thác Bà mênh mang sóng nước phía trước đền Mẫu Thác Bà.   

Chiêm bái đền Mẫu Thác Bà, du khách sẽ được các bậc cao niên trong vùng kể cho nghe những huyền tích về Công chúa Minh Đạt thuở xưa. Trong đó, câu chuyện công chúa đã báo mộng, âm phù cho tướng quân Trần Nhật Duật đánh tan quân giặc, giành chiến thắng trên dòng sông Chảy trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1285 được người đời sau còn kể mãi.

Dân gian từ xa xưa tới nay vẫn tôn kính Mẫu Thác Bà như một vị nhân thần cứu nhân độ thế, linh thiêng, tôn bà là vị Thần nữ tối linh. Các triều vua thời đại phong kiến Việt Nam ban cho bà mỹ tự cao quý “Trinh uyển Thục Diệu Minh Đạt thần nữ Trung đẳng thần”.

Đền Mẫu Thác Bà là điểm nhấn tâm linh của tỉnh Yên Bái nói riêng và cửa ngõ vùng Tây Bắc nói chung. Nơi đây hội tụ tinh hoa trong tín ngưỡng thờ Mẫu, là sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng thời đại Hùng Vương với văn hóa miền ngược. Ngôi đền là sự ngưỡng vọng của hậu thế đối với công lao trời biển của Công chúa Minh Đạt, là nơi giáo dục cho muôn đời sau truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những vị nhân thần có công lao đối với quê hương, đất nước.