Điện Biên - Tây Bắc thênh thang ngập tràn hương sắc ban

Những ngày này, từ lưng đồi, khe núi đến xóm làng, thành thị Điện Biên, những nhành ban đua nhau bung nở, khoe sắc trắng tinh khôi, tỏa hương xao xuyến khắp mọi nẻo đường. Một Điện Biên - một Tây Bắc thênh thang, thơ mộng, ngập tràn hương sắc hoa.

Đây cũng là chủ đề của Lễ hội Hoa Ban năm 2023 - “Hương sắc miền Tây Bắc”, với gửi gắm Điện Biên là Tây Bắc, đến Điện Biên sẽ được thưởng lãm cả Tây Bắc đại ngàn.

Hương sắc hoa ban

Tháng 3 về, núi rừng Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung nên thơ, trữ tình biết bao khi phủ trắng sắc hoa ban. Loài hoa thanh khiết mà kiên cường vươn sống dù trên đất khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo. Như tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi lễ giáo, rào cản, định kiến của chàng Khum - nàng Ban, mà từ xa xưa đồng bào dân tộc Thái vẫn thường hay kể. Ước vọng về hạnh phúc đôi lứa của chàng và nàng da diết, day dứt ngàn đời, để sự tích hoa ban ra đời, như thực như hư. Và cũng từ đó, loài hoa mỏng manh, tinh khôi, nhấn nhá sắc hồng dịu dàng, sắc tím thơ mộng, nhẹ nhàng thoảng hương, nhưng có sức sống bền bỉ, trở thành hình ảnh biểu tượng cho người con gái Thái đang độ xuân thì rực rỡ mà mộc mạc, tinh khôi, cuốn hút, luôn sắt son, thủy chung.

Ban nở trắng tô điểm cho bản làng vùng cao Điện Biên.
Ban nở trắng tô điểm cho bản làng vùng cao Điện Biên.

Hoa ban được ca ngợi, tôn thờ. Rồi từ năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, hoa ban trở nên thân thuộc, song hành cùng dân tộc Thái, đi vào mọi hoạt động văn hóa và trở thành biểu tượng muôn đời của một dân tộc giàu bản sắc. Bà Lường Thị Đại (xã Noong Luống, huyện Điện Biên) - nghệ nhân ưu tú người dân tộc Thái chia sẻ: “Gắn cả cuộc đời với mảnh đất này, hoa ban đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa, tôi luôn mong chờ mùa hoa nở. Từ xa xưa, hoa ban đã gắn liền với đồng bào Thái. Nhiều năm trước, rừng còn bạt ngàn cây ban, đến tháng 3 là nở trắng xóa cả núi đồi. Khi hoa ban nở, tất cả người già, người trẻ đều vui vẻ, hướng đến những điều tốt đẹp. Mọi người cùng nhau lên rừng ngắm hoa, hái hoa. Lúc ấy dù chưa hình thành lễ hội nhưng mùa hoa ban đã rộn rã, gắn với nhiều hoạt động văn hóa của dân tộc Thái. Đặc biệt, trong đời sống tâm linh, đầu năm khi tổ chức Kin Pang Then, người dân thường hái hoa ban trang trí các mâm cúng then và cắm xung quanh nhà làm lễ”.

Hình ảnh hoa ban còn đi sâu vào tiềm thức, vào văn hóa tinh thần, được hình tượng trong thơ ca, nhạc, họa của đồng bào dân tộc Thái. Rất nhiều điệu múa, câu hát, áng văn chương... của người Thái được sáng tạo, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa ban. Dù ở thể loại nào, hoa ban cũng tượng trưng cho sự cao quý trong tâm hồn, tính cách con người. Các tác giả thường lấy hoa ban làm thước đo để đánh giá đạo đức, tư tưởng, tình cảm. Đó chính là điều làm cho các tác phẩm văn học của người Thái thêm thi vị và mang tính nhân văn sâu sắc. Ngày nay, các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng dân tộc Thái cũng đã sáng tạo, gìn giữ những điệu múa về loài hoa đẹp này, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cộng đồng, và tạo ấn tượng với du khách. Không chỉ nuôi dưỡng cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, mà hoa ban, ngọn ban còn là nguyên liệu làm nên những món ăn ngon, đặc trưng đón khách quý, được thực khách yêu thích.

Đến Điện Biên thưởng lãm đại ngàn Tây Bắc

Có sắc, có hương, không biết từ khi nào hoa ban trở thành biểu tượng cho mảnh đất và con người Điện Biên. Vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết của hoa ban không chỉ làm thỏa lòng mà còn gây xao xuyến, nhớ thương cho du khách khi đến với Điện Biên. Nắm bắt những giá trị đó, hoa ban cùng các hoạt động văn hóa mùa hoa được tỉnh nhà phát triển lên thành Lễ hội Hoa Ban, tổ chức thường niên, được du khách đón nhận. Giờ đây, mỗi mùa ban nở là báo hiệu một mùa lễ hội rộn rã, tưng bừng mà rất đặc trưng của mảnh đất vùng cao Điện Biên - Tây Bắc đang đến. Những nét đẹp văn hóa không của riêng dân tộc Thái mà các dân tộc anh em trên mảnh đất Điện Biên được thể hiện, tái hiện trong từng hoạt động của lễ hội, nào là: Không gian văn hóa vùng cao; trình diễn nghi thức lễ hội; trải nghiệm, giao lưu, thi đấu các môn thể thao truyền thống/trò chơi dân gian; liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc... Cả Tây Bắc đại ngàn như được thu nhỏ trong khuôn khổ lễ hội, trong mảnh đất Điện Biên; đưa người dân và du khách trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, qua những không gian, cảnh quan hùng vĩ và mộng mơ, đa sắc màu.

Nỗ lực gây dựng qua nhiều năm, hoa ban, Lễ hội Hoa Ban đã trở thành “thương hiệu” du lịch của xứ sở Mường Trời, sự kiện văn hóa nổi bật của cả vùng Tây Bắc, mở rộng ra cả nước. Và năm nay, để đưa Điện Biên vào hội, ban đã nở trắng khắp các tuyến đường, các địa điểm như: đường Nguyễn Hữu Thọ, quốc lộ 279 đoạn đầu TP. Điện Biên Phủ, đường dẫn lên Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, khu vực rừng bản Ca Hâu (xã Na Ư, huyện Điện Biên), đoạn đường xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên)... Tại những địa điểm này, ngày nào cũng có người dân và du khách dừng chân thưởng lãm, lưu lại hình ảnh đẹp. Các đôi tình nhân rạng rỡ, tay trong tay mong cầu tình yêu son sắt như biểu tượng hoa ban. Chị em phụ nữ thì xúng xính váy áo, khoe dáng cùng những bông hoa ban đang độ bung nở đẹp nhất. Du khách thích thú ngắm nhìn, hít hà mùi thơm dịu nhẹ và không quên chụp những bức ảnh làm kỉ niệm... Không thể phủ nhận sức hút từ vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa ban đã góp phần tạo ấn tượng, mời gọi du khách đến với Điện Biên vào những ngày tháng 3 thơ mộng này.

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Long đến từ TP. Hồ Chí Minh và những người bạn của mình đang chụp ảnh hoa ban trên tuyến đường trung tâm TP. Điện Biên Phủ trong 1 ngày đầu tháng 3. Đây là lần đầu tiên ông lên với mảnh đất lịch sử này, ông chia sẻ: “Chuyến đi này của tôi càng thêm ý nghĩa, trọn vẹn khi đi đúng vào mùa ban nở rộ. Điện Biên mùa này thật đẹp, ai nấy trong đoàn đều rất thích. Lên đây nhìn thấy hoa ban, tôi tự nhiên cảm thấy nao lòng, thấy Tổ quốc mình xinh đẹp quá, Tây Bắc nên thơ quá, những cô gái Thái, những bông hoa ban đều thật đẹp”.

Sắc trắng hoa ban đang tô điểm cho những bản làng Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng vào xuân thật tươi đẹp. Khung cảnh ấy đã làm xiêu lòng bao du khách, để lời hẹn mùa ban được nhắc nhớ, nối dài tiếp những chuyến đi về với vùng cao hùng vĩ không chỉ ngọt ngào hương sắc hoa mà còn đầy lôi cuốn bởi văn hóa truyền thống rực rỡ, đa sắc màu...

Báo Điện Biên Phủ

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Sáng 19/4, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức cuộc họp xem xét, đề nghị việc điều chỉnh Nghị quyết số 06/2021/NQ - HĐND ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025.

Một lần đến Tây Ninh

Một lần đến Tây Ninh

Chúng tôi đặt chân đến Tây Ninh - vùng đất miền Đông Nam Bộ trong một ngày đầy nắng. Từ sân bay, xe đón chúng tôi đi thẳng tới Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Cái nắng hơn 300C khác hẳn với khí hậu se lạnh chỉ hơn 200C của Tây Bắc những ngày cuối tháng 3 khiến chúng tôi chưa kịp thích ứng, có chút ngỡ ngàng.

Xôi miền sơn cước

Xôi miền sơn cước

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó, có nghệ thuật ẩm thực.

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi (từ 11 đến 14/4), Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc, gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm. Đó là thông tin vừa được bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội chợ cung cấp tại Lễ bế mạc VITM Hà Nội 2024 vừa diễn ra chiều ngày 14/4 tại Hà Nội.

Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Để nâng cao khả năng phục vụ du khách và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế đáp ứng những đòi hỏi mới của sự phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, vấn đề chuyên nghiệp hóa trình độ, kỹ năng đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Lào Cai quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024

Lào Cai quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024

Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024 có chủ đề “Du lịch Việt Nam - chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” được tổ chức từ ngày 11 đến 14/4 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E (91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tỉnh Lào Cai có nhiều sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng tham gia trưng bày tại hội chợ.

fb yt zl tw