Xưởng sửa xe đặc biệt mang tên "yêu thương"

Thấu hiểu khó khăn của những người bị khuyết tật trong việc đi lại, thầy và trò trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đã mở xưởng sửa xe lăn miễn phí.

Trưa đầu tuần, tranh thủ giờ nghỉ, các sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tỉ mỉ sửa chữa những chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Đây là những chiếc xe lăn được các sinh viên nhận từ những người khuyết tật về để sửa chữa miễn phí cho họ.

Xưởng sửa xe đặc biệt mang tên "yêu thương" ảnh 1
“Xưởng sửa xe” đặc biệt giúp người khuyết tật tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

“Xưởng sửa xe” đặc biệt giúp người khuyết tật, được thầy và trò Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng mở ngay tại trường với tên gọi “cộng đồng xe lăn yêu thương”. Bên cạnh sửa xe giúp người khuyết tật, nhà trường còn làm mới và trao tặng những chiếc xe lăn cho những người khuyết tật.

Cẩn thận kiểm tra từng chi tiết cho chiếc xe lăn của một người dân đưa đến sửa, sinh viên Lê Văn Dương (học năm 3 ngành công nghệ ô tô - Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng) chia sẻ, em tham gia công việc sửa chữa xe lăn được gần 1 năm.

“Trước đây, thời gian rảnh rỗi em đi làm thêm, nhưng từ khi trường tổ chức mô hình này em thấy ý nghĩa nên cùng với một số bạn trong lớp sắp xếp thời gian để sửa xe lăn giúp các cô, chú khuyết tật. Với những chiếc xe lăn hư hỏng nhẹ, em mất tầm 1 buổi là sửa xong, còn xe hỏng nặng mất tầm 2 đến 3 ngày”, Dương cho hay.

Kiểm tra lại chiếc xe lăn vừa sửa xong trước khi bàn giao, Nguyễn Hồng Quân (sinh viên năm 3) kể, ngay từ khi có dự án của trường Quân đã xung phong vào đội sửa chữa.

Sinh viên Nguyễn Hồng Quân sửa lại chiếc xe lăn bị hư của người khuyết tật mang đến.
Sinh viên Nguyễn Hồng Quân sửa lại chiếc xe lăn bị hư của người khuyết tật mang đến.

Ban đầu, Quân mày mò học sửa phụ theo thầy giáo và các anh khóa trên. Sau 1 năm, Quân có thể thành thạo “tay nghề” sửa xe lăn.

“Mỗi chiếc xe khi sửa xong bàn giao cho các cô, chú khuyết tật, em vui và hạnh phúc lắm vì bản thân làm được việc ý nghĩa, chia sẻ phần nào gánh nặng với các cô, chú…", Quân thổ lộ.

Bị khuyết tật chân, chị N.T.H (ngụ quận Sơn Trà) cho biết, sau một thời gian sử dụng, chiếc xe lăn của chị hư hỏng nặng. Lo lắng khi chưa tìm được chỗ sửa, chị H. may mắn được người quen giới thiệu đến xưởng sửa xe lăn đặc biệt của Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.

“Phương tiện thay đôi chân tôi bị hư nếu mua mới thì không có tiền, còn sửa chi phí cao lắm. Đem đến trường được sửa, tân trang lại như xe mới tôi mừng lắm. Mô hình của nhà trường rất hữu ích đối với người khuyết tật...”, chị Hồng nói.

Anh Lê Thanh Ngà – Phó Bí thư Đoàn thanh niên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, “xe lăn yêu thương” là một chương trình ý nghĩa và thiết thực giúp người khuyết tật. Hoạt động từ tháng 6/2022, đến nay xưởng có khoảng 20 sinh viên tham gia.

Những chiếc xe lăn được sửa miễn phí giúp người khuyết tập giảm bớt gánh nặng chi phí.
Những chiếc xe lăn được sửa miễn phí giúp người khuyết tập giảm bớt gánh nặng chi phí.

“Điều khó nhất trong việc sửa chữa xe lăn là phụ tùng thay thế. Nhất là các loại xe mới sau này rất khó kiếm trên thị trường. Các em phải chế lại từ những vật liệu, linh kiện có sẵn trong xưởng. Đặc biệt, có trường hợp khuyết tật cả tay, chân, dùng xe lăn khó khăn, các em sáng chế thêm bộ điều khiển và chế thành xe tự động để họ dễ sử dụng hơn”, anh Ngà cho hay.

Theo anh Ngà, chi phí sửa chữa cho mỗi chiếc xe lăn tốn khoảng vài trăm ngàn đồng, còn chi phí mua chiếc xe lăn mới tốn khoảng vài triệu đồng. Chính vì thế, mô hình sửa chữa xe lăn miễn phí cho người khuyết tật sẽ giúp đỡ một phần gánh nặng cho người khuyết tật, nhất là những người khó khăn.

Thầy Hồ Viết Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng chia sẻ, hiện trên địa bàn thành phố và cả nước, những điểm sửa chữa xe lăn cho người khuyết tật hầu như rất ít. Người khuyết tật nghèo khó không dễ để sắm cho mình một chiếc xe lăn mới. Chính vì vậy, trường đã phát động các sinh viên và Đoàn thanh niên làm dự án sửa chữa xe lăn. 

"Việc sửa chữa xe lăn sẽ giúp các sinh viên tăng thêm kỹ năng sáng tạo. Mục tiêu của nhà trường là hướng đến tính cộng đồng, xây dựng cho các em lòng yêu thương giữa con người với nhau. Luôn nghĩ đến những người yếu thế trong xã hội để giúp đỡ họ hoà nhập với cuộc sống”, thầy Hà chia sẻ.

Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw