“Cánh én hồng” ở Pa Cheo

LCĐT - Vượt qua mọi khó khăn, cô giáo Thủy luôn nhiệt tình, năng động, gây dựng và đưa phong trào Đội của trường đi lên, xứng đáng là “cánh én hồng” mang nụ cười và niềm vui cho học sinh vùng cao.

“Tôi là cô giáo vùng cao, một cô giáo vùng cao theo đúng nghĩa. 14 năm gắn bó với mảnh đất Pa Cheo đầy khó khăn, thử thách, nhưng tôi chưa từng nản chí”. Đó là lời giới thiệu của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Tổng phụ trách Đội, Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo (huyện Bát Xát) trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022”.

Cô giáo Thủy sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng). Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cô Thủy tình nguyện lên dạy học tại Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo - nơi được coi là nghèo nhất tỉnh Lào Cai. Hành trang đi dạy là chiếc xe Wave “tàu” vừa đi vừa dắt vì đường quanh co, khúc khuỷu, dốc núi ngoằn ngoèo, dựng đứng… Do nhà cách trường 70 km nên cô Thủy ở lại trường luôn. “Trường học không giống như tưởng tượng của tôi, lớp học làm bằng vầu, mái lợp fibro xi măng. Phòng ở của giáo viên không phải là nhà, cũng không được gọi là phòng, là túp lều bằng nứa, xung quanh quây những miếng bạt che những lỗ thủng; cửa không có then cài, chỉ có thể khép hờ rồi dùng cây vầu chống giữ; điện cũng không có” - cô Thủy nhớ lại.

Tuy vậy, những khó khăn về vật chất không phải là điều cô Thủy lo lắng mà việc thay đổi tư tưởng của phụ huynh về việc cho con em đến trường mới vất vả. Cô Thủy không thể quên hình ảnh những học sinh nhỏ bé, gầy guộc, mặc trên mình bộ quần áo không lành lặn giữa tiết trời lạnh “cắt da cắt thịt” đến trường. Rồi những buổi học vắng đến nửa lớp, hỏi ra mới biết vào mùa gặt nên các em phải ở nhà giúp gia đình, nhất là học sinh nữ. Thấy được sự khó khăn, vất vả đó, cô Thủy mạnh dạn đề xuất với nhà trường thành lập Câu lạc bộ bạn gái để giáo dục kỹ năng sống cho các em từ việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các em vui chơi, khám phá đến vệ sinh cá nhân hằng ngày, giáo dục giới tính…

Ngoài là Tổng phụ trách Đội, cô Thủy còn là giáo viên dạy Ngữ Văn giỏi.
  Ngoài là Tổng phụ trách Đội, cô Thủy còn là giáo viên dạy Ngữ Văn giỏi.

Mọi sự khởi đầu vốn đã khó khăn với một giáo viên trẻ mới ra trường, nay lại càng bỡ ngỡ hơn bởi cô Thủy được Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội. Thế nhưng, khó khăn rồi cũng dần vượt qua chính nhờ vào tinh thần luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu trong công việc và lòng yêu nghề cứ thế lớn dần. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, học sinh còn nhút nhát, đội nghi lễ chưa có, cả trường chỉ có một bộ trống đã cũ. “Tôi bắt đầu xây dựng các loại hồ sơ, đưa hoạt động Đội vào nhà trường. Chỉ với chiếc đài chạy bằng pin tích điện, cứ sáng sớm, tôi mở nhạc dạy các em tập hát. Bài hát đầu tiên tôi dạy các em là bài “Đi học xa”, bài múa cho hoạt động giữa giờ là bài “Hoa vườn nhà Bác”. Dần dần, hoạt động giữa giờ không đơn điệu là thể dục 7 động tác nữa, mà thay vào đó là các bài múa, nhảy aerobic, dân vũ.

Đặc biệt, nhờ cô Thủy, những tiết chào cờ đầu tuần của Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo không còn rập khuôn, khô khan trong từng khẩu hiệu và bài phát biểu dài của Ban Giám hiệu. Thay vào đó, tiết chào cờ trở nên thân thiện, đa sắc màu, sôi động khi chính các em làm chủ biên chương trình hoạt động như một sân chơi ngoại khóa, tiếp năng lượng cho các tiết học văn hóa. Cô Thủy cho biết: “Để chuẩn bị cho tiết chào cờ đầu tuần, học sinh của mỗi chi đội trực tuần sẽ tổ chức một hoạt động gắn với chủ đề của tháng. Các chi đội đăng ký tham gia theo hình thức sân khấu hóa, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền măng non, tổ chức trò chơi… Trong các tiết chào cờ, học sinh còn đưa vào trò chơi dân gian và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, qua đó rèn luyện tốt kỹ năng sống cho các em.

Cô Nguyễn Thị Thủy được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022”.
Cô Nguyễn Thị Thủy được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022”.

Không chỉ là Tổng phụ trách Đội nhiệt huyết, cô Thủy còn là giáo viên Ngữ văn được học sinh yêu quý. Học sinh vùng cao tiếng Kinh nói chưa sõi, viết chữ còn sai lỗi chính tả nhiều, lo lắng không hoàn thành nhiệm vụ, cô đề xuất với Ban Giám hiệu cho các em đi học hỏi kinh nghiệm ở các trường có học sinh giỏi, các trường có chất lượng môn Ngữ văn tốt để ôn luyện trực tiếp. “Cuối cùng, tôi đã có được học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp huyện, đủ tự tin để tiếp tục ôn học sinh giỏi những năm tiếp theo. Hiện tôi đang ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ Văn khối lớp 7 và khối lớp 9. Các em rất chăm ngoan, chịu khó, biết cô giáo không có thời gian ôn tập chính khoá nên chủ động xin ôn tập ngoài giờ hành chính và buổi tối. Với sự nỗ lực của cô và trò, tôi mong năm học tới sẽ tiếp tục mang thêm giải học sinh giỏi môn Ngữ Văn về cho trường và khẳng định chuyên môn của bản thân” - cô Thủy tự hào kể.

Thầy giáo Nông Văn Thiệp, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo cho biết: Cô giáo Nguyễn Thị Thủy đã có 13 năm gắn bó với trường. Vượt qua mọi khó khăn, cô giáo Thủy luôn nhiệt tình, năng động, gây dựng và đưa phong trào Đội của trường đi lên. Cô Thủy xứng đáng là “cánh én hồng” mang nụ cười và niềm vui cho học sinh vùng cao.

Những đóng góp của cô giáo Thủy được ghi nhận bằng bề dày thành tích: Từ năm 2010 đến nay, liên tục đạt Giáo viên dạy giỏi, Lao động tiên tiến và Tổng phụ trách Đội giỏi từ cấp huyện trở lên, 4 năm đạt Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, cô Thủy là 1 trong 68 thầy cô giáo của cả nước được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022”.  Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm vinh danh các thầy cô giáo có nhiều sáng kiến, đổi mới, vươn lên trong điều kiện khó khăn được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Chiều 16/4, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Hội nghị chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học; phòng chống đuối nước và tệ nạn xã hội trong trường học với sự tham gia của gần 20 nghìn học sinh (từ lớp 4 đến lớp 12) tại 300 điểm cầu thuộc 73 trường phổ thông trên địa bàn huyện.

Đào tạo chuyên gia an ninh mạng theo hướng thực chiến

Đào tạo chuyên gia an ninh mạng theo hướng thực chiến

Nhằm giải cơn khát thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực an toàn thông tin, Hệ thống Đào tạo công nghệ thông tin Quốc tế Bachkhoa-Aptech vừa công bố các chương trình đào tạo nhân lực theo hướng thực chiến với thời gian đào tạo từ 4 tháng đến 2 năm.

Vì sao phải đổi tên thành thẻ căn cước?

Vì sao phải đổi tên thành thẻ căn cước?

Khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, thẻ căn cước công dân sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới...

Rà soát, bố trí điểm dừng nghỉ tạm trên các tuyến cao tốc

Rà soát, bố trí điểm dừng nghỉ tạm trên các tuyến cao tốc

Ngày 15/4, Bộ Giao thông vận tải đã có công điện yêu cầu các đơn vị, cơ quan trực thuộc có các giải pháp hiệu quả thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè.

fb yt zl tw