Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn gia súc trước rét đậm, rét hại

LCĐT - Những ngày này, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt rét đậm, nhiệt độ các khu vực giảm phổ biến còn 12 - 15 độ C, vùng núi giảm còn 9 - 12 độ C, thị xã Sa Pa, Y Tý (Bát Xát) giảm còn 5 - 6 độ C. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng người dân đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống rét nhằm bảo vệ đàn gia súc.

Mấy ngày nay, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C, đàn trâu của gia đình ông Châu A Giả, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) không chăn thả trên nương mà được nuôi nhốt tại chuồng. Ngoài thức ăn chính là rơm khô được dự trữ từ vụ mùa, mỗi ngày ông còn bổ sung cám ngô và nước muối loãng để tăng sức đề kháng cho trâu. Ông Giả cho biết: Gia đình có 5 con trâu, trị giá gần 200 triệu đồng, đây là tài sản lớn nhất nên việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu được đặt lên hàng đầu. Những ngày mưa rét, các thành viên trong gia đình thay nhau nấu cám, dọn vệ sinh chuồng, chuẩn bị sẵn vật liệu, nếu có băng giá thì đốt lửa cạnh chuồng để sưởi ấm cho trâu.

Những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp, người dân xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) chủ động lùa gia súc về chuồng.
 Những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp, người dân xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) chủ động lùa gia súc về chuồng.

Xã Mường Hoa hiện có 317 hộ chăn nuôi với gần 900 con gia súc, công tác phòng, chống rét, dự trữ thức ăn được chính quyền và người dân chủ động ngay từ đầu mùa đông. Theo đó, xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động người dân dự trữ rơm, tu sửa chuồng nuôi, hướng dẫn biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa cho biết: Những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền xã trong việc tuyên truyền, vận động nên tình trạng thả rông gia súc trong mùa đông, nhất là trong những đợt rét đậm, rét hại hầu như không còn. Đến nay, 100% hộ chăn nuôi đã có chuồng nuôi nhốt đảm bảo, các hộ đã chủ động dự trữ thức ăn thô, xanh cho gia súc trong mùa đông.

Bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Phòng đã phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, vận động bà con thu gom các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; những hộ có điều kiện thực hiện dự trữ cỏ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh để cung cấp cho đàn gia súc trong mùa đông. Đặc biệt, trước khi xảy ra đợt rét đậm này, các xã, phường đã tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi khẩn trương sửa chữa, che chắn chuồng nuôi nhốt; đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng di chuyển đàn gia súc đến nơi có nhiệt độ ấm để tránh rét…

Người dân thị xã Sa Pa chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc.
Người dân thị xã Sa Pa chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. 

Tại huyện vùng cao Bát Xát, những ngày này nhiệt độ ngoài trời giảm sâu, đặc biệt, tại các xã khu vực thượng huyện xuất hiện rét hại về đêm và sáng sớm. Huyện và các xã đã và đang triển khai quyết liệt việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Toàn xã có 578 hộ chăn nuôi gia súc lớn, tổng đàn gần 1.500 con (trâu, ngựa). Theo rà soát của xã, có 540 hộ đã có chuồng nuôi nhốt kiên cố, đảm bảo phòng, chống rét, chỉ còn 38 chuồng tạm đã được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn gia cố, che chắn tránh gió lùa. Đa phần các hộ đã dự trữ được thức ăn thô, thức ăn tinh đạt từ 200 kg/con. Ngay khi có thông tin về đợt rét đậm, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với khuyến nông viên thôn, bản kiểm tra việc chống rét cho đàn gia súc tại các hộ chăn nuôi; kịp thời nhắc nhở các hộ chăn nuôi còn chủ quan.

Ông Lục Như Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Với phương châm chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét gây ra, ngay từ đầu mùa đông, huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn cử cán bộ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân các biện pháp phòng, chống đói, rét và chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, trong đó, chú trọng vận động hộ dân trồng ngô mật độ dày, ngô vụ đông, ngô sinh khối, cỏ voi để đàn vật nuôi có đủ thức ăn trong những tháng mùa đông.

Người dân Bát Xát bổ sung thức ăn xanh, tinh bột để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Người dân Bát Xát bổ sung thức ăn xanh, tinh bột để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Ngay khi xảy ra rét đậm, UBND huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin về tình hình thời tiết trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã để người chăn nuôi kịp thời nắm được, chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi. Cử cán bộ được giao phụ trách trực tiếp xuống các thôn, bản, hộ gia đình để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các hộ triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi. Nếu nhiệt độ tiếp tục giảm sâu, xảy ra rét đậm, rét hại, các xã, thị trấn sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống rét cho vật nuôi theo phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ đông xuân 2022 - 2023 UBND huyện đã phê duyệt.

Người dân huyện Mường Khương chủ động dự trữ thức ăn, nuôi nhốt để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.
Người dân huyện Mường Khương chủ động dự trữ thức ăn, nuôi nhốt để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.
Người dân huyện Mường Khương chủ động dự trữ thức ăn, nuôi nhốt để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

Không chỉ Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, mà các địa phương khác trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi trên tinh thần chủ động, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Đồng thời rà soát lại phương án, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, bởi theo dự báo, thời gian tới sẽ tiếp tục có những đợt rét đậm tăng cường, thậm chí xuất hiện băng giá, có thể gây hại đối với đàn vật nuôi.

Hiện, toàn tỉnh có trên  44.000 hộ chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa), tổng đàn trên 127.400 con. Số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét chiếm 78,1%; số hộ có chuồng tạm chiếm 17,8%; số hộ không có chuồng nuôi nhốt chiếm 4,1% (trong đó, số hộ còn thả rông gia súc chiếm 1,7% tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn). Tổng diện tích cỏ trồng toàn tỉnh hiện có trên 2.800 ha, sản lượng ước đạt khoảng 700.000 tấn, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn. Có hơn 23.300 hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh (dự trữ được từ 200 kg thức ăn/con gia súc trở lên), chiếm 52,9%; có 16.000 hộ dự trữ dưới 200 kg thức ăn/con gia súc...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Dông lốc làm 151 nhà dân bị tốc mái

Dông lốc làm 151 nhà dân bị tốc mái

Đêm 17/4, rạng sáng 18/4, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dông lốc cục bộ ở một số địa phương gây thiệt hại về tài sản, hoa màu và nhà ở của người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại do mưa dông gây ra là gần 3 tỷ đồng.

Nghiêm cấm hành vi dàn xếp, thông thầu các dự án giao thông

Nghiêm cấm hành vi dàn xếp, thông thầu các dự án giao thông

Ngày 17/4, Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu các cục, vụ, viện, Ban Quản lý dự án, Tổng công ty, Sở Giao thông vận tải các địa phương,... có giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định.

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đáng chú ý, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ khẩn trương thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

fb yt zl tw