Góp ý thực tâm, tiếp thu thực chất

Bấy lâu nay, hầu như các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trước khi ban hành (hay sửa đổi, bổ sung) chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định nào cũng đều lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và những đối tượng liên quan trực tiếp hay chịu sự tác động của chủ trương, chính sách, quy định đó.

Cái hay của việc làm này là huy động, phát huy được trí tuệ tập thể, vì càng có nhiều đóng góp ý kiến, cơ quan soạn thảo và người có thẩm quyền càng có cơ hội tiếp cận, chọn lọc được những ý kiến xác đáng, phù hợp để hoàn thiện văn bản. Cũng nhờ đó mà giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, giá trị nhân văn của chủ trương, chính sách trở nên hoàn thiện hơn và phản ánh đúng quy luật cuộc sống, quy luật phát triển xã hội.

Góp ý thực tâm, tiếp thu thực chất
 Ảnh minh họa. 

Vấn đề mấu chốt là ở chỗ: Người góp ý có thực tâm không? Cơ quan xây dựng, soạn thảo văn bản và người có thẩm quyền tiếp thu có thực chất không? Nói ra điều này vì thời gian qua, nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người không quan tâm đúng mức đến cả việc góp ý và tiếp thu. Người góp ý (bao gồm cơ quan cấp dưới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có liên quan) đôi khi có cảm giác bị “bội thực” vì nhiều văn bản của cấp trên gửi xuống yêu cầu cấp dưới đóng góp ý kiến, nhưng hoặc do thiếu thời gian nghiên cứu, hoặc do tâm lý “mình ý kiến liệu cấp trên có tiếp thu không”, vì thế chỉ đóng góp qua loa, đại khái, cốt cho xong việc. Trong khi đó, cơ quan cấp trên, mà chủ yếu là bộ phận tham mưu cho cấp trên xây dựng, soạn thảo văn bản lại xem nhẹ, thậm chí làm ngơ, không rà soát, xem xét kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của cấp dưới nên văn bản sau khi ban hành cơ bản vẫn như ban đầu.

Đó là biểu hiện góp ý không thực tâm, tiếp thu không thực chất. Nói thẳng ra đây chính là bệnh hình thức trong quy trình xây dựng, soạn thảo, góp ý chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại trong một bộ phận cơ quan công quyền ở nước ta hiện nay. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao một số văn bản, quy định của nhiều bộ, ngành, cơ quan và chính quyền địa phương ban hành chưa ráo mực đã không phát huy hiệu lực, hiệu quả, thậm chí phải sớm thu hồi vì không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Cá biệt có bộ luật, có điều luật được chuẩn bị kéo dài hàng năm trời, với hàng chục cơ quan liên quan có ý kiến, hàng trăm người góp ý, nhưng cuối cùng cũng không được Quốc hội thông qua vì ít nhiều có biểu hiện cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của chính cơ quan xây dựng, soạn thảo luật. Theo các chuyên gia luật, trong khi người góp ý không xuất phát từ tấm lòng trung thành với lợi ích Tổ quốc, lợi ích nhân dân, lợi ích cho số đông, mà người có thẩm quyền (cơ quan có trách nhiệm) lại không thực lòng tiếp thu ý kiến thật sự xác đáng, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học thì những bộ luật, điều luật sẽ rơi vào tình trạng “chưa nở đã tàn” là đương nhiên.

Nếu để bệnh hình thức tiếp tục tồn tại trong quy trình xây dựng, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện chủ trương, chính sách ở các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước thì không chỉ làm lãng phí thời gian, công sức (vì nhiều người đóng góp ý kiến nhưng không thực tâm, người có trách nhiệm tiếp thu không thực chất), mà còn tạo ra nguy cơ lãng phí niềm tin trong xã hội. Gọi là “lãng phí niềm tin” bởi lẽ niềm tin của nhân dân, niềm tin của xã hội vô hình trung bị hao tổn vào những quyết sách, văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính khả thi trong thực tiễn. Đây là mầm mống có thể gây bất ổn tâm lý xã hội mà các nhà xã hội học từng cảnh báo nên không thể xem thường.

Góp ý thực tâm, tiếp thu thực chất vừa là phương pháp làm việc khoa học, vừa là thái độ ứng xử khôn ngoan để tạo tiền đề cho ra đời những chủ trương, quyết sách đúng đắn, khả thi, vừa là một cách phòng ngừa, giảm thiểu những văn bản quy định theo kiểu “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” như một đại biểu Quốc hội từng thẳng thắn nêu ra.

Báo Quân đội Nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Chiều 16/4, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Hội nghị chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học; phòng chống đuối nước và tệ nạn xã hội trong trường học với sự tham gia của gần 20 nghìn học sinh (từ lớp 4 đến lớp 12) tại 300 điểm cầu thuộc 73 trường phổ thông trên địa bàn huyện.

fb yt zl tw