Chấm phá nét đẹp đất thượng nguồn Lai Châu

LCĐT- Lai Châu được ví như viên ngọc sáng khi hội tụ cả vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ với kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc các dân tộc. Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại tỉnh Phú Thọ, Lai Châu đã mang đến một bản sắc riêng của vùng đất văn hóa được lưu giữ và phát triển từ ngàn đời.

Lễ hội “Mừng cơm mới”

Chấm phá nét đẹp đất thượng nguồn Lai Châu ảnh 1

Dưới bàn tay khéo léo của các cô gái Lự, món xôi ngũ sắc được trình bày đẹp mắt. Ảnh: Ngc Thng

Trong 20 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng biệt đã tạo lên bức tranh văn hóa đa sắc màu của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc. Một trong những nét văn hóa độc đáo được Lai Châu mang đến giới thiệu tại ngày hội là trích đoạn Lễ hội “Kin khảu máy” (Mừng cơm mới) của dân tộc Lự. Ai đã từng đến thăm các bản người Lự ở thì chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi bộ trang phục nhuộm chàm truyền thống được điểm xuyết những đường thêu họa tiết tỉ mẩn thể hiện góc nhìn của phụ nữ Lự trong cuộc sống muôn màu. Người Lự có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú và đậm bản sắc. Các lễ hội trong năm của người Lự đều nói lên niềm tin của họ vào sự che chở của các đấng siêu nhiên trong cuộc sống của con người, phản ánh truyền thống yêu lao động và tinh thần đoàn kết cộng đồng đáng quý được hun đúc qua nhiều thế hệ.

Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Lự tin rằng, không chỉ con người mà mọi vật xung quanh đều có linh hồn và thóc lúa cũng vậy. Sau mỗi mùa thu hoạch lúa, người Lự luôn làm Lễ hội “Mừng cơm mới”. Phần lễ vật gồm: Lợn, gà, xôi, rượu… được các gia đình trong bản đóng góp. Thầy cúng là người khấn cảm ơn hồn lúa đã cho năm nay được mùa, mời hồn lúa và các vị thần: Đất, nước, sấm, chớp và tổ tiên phù hộ cho bản làng có một vụ thu hoạch thắng lợi, mong vụ sau sẽ bội thu, sâu bệnh không lây lan, người già khỏe mạnh, gia súc đầy chuồng. Sau phần lễ, dân bản sẽ thực hiện bữa ăn cộng đồng và cùng nhau múa hát, chơi trò chơi dân gian với quan niệm nhiều người chung vui thì vụ sản xuất tiếp theo sẽ càng thêm bội thu, cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Chấm phá nét đẹp đất thượng nguồn Lai Châu ảnh 2

Vẻ đẹp rực rỡ của trang phục phụ nữ La Hủ.    Ảnh: Ngc Thng

Lễ hội mừng cơm mới của người Lự không chỉ mang lại niềm vui, tăng tình đoàn kết của bà con trong bản mà còn là cơ hội để những người lớn tuổi giáo dục con, cháu về những phong tục, tập quán của dân tộc. Qua đó, góp phần xây dựng bản ngày càng lớn mạnh, no ấm, hạnh phúc và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Lự.

“Vẻ đẹp nơi thượng nguồn”

Cùng với trích đoạn lễ hội “Mừng cơm mới” đậm đà bản sắc, về với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, Lai Châu còn có một bộ sưu tập trang phục độc đáo “Vẻ đẹp nơi thượng nguồn” của ba dân tộc: Cống, Mảng và La Hủ mang đậm hơi thở của thiên nhiên, của núi rừng trong từng đường kim, mũi chỉ. Trang phục thường ngày của người Cống thiết kế tuy đơn giản, nhưng là một sản phẩm dệt may thủ công rất đặc sắc. Trang phục phụ nữ Cống có hai loại áo: Áo dài xẻ ngực, ống tay áo được trang trí bằng mảnh vải màu ghép lại, xen kẽ với những đường chỉ thêu họa tiết tỉ mỉ ở phần gấu áo. Áo ngắn may kiểu xẻ ngực, cài khuy dọc theo nẹp áo có trang trí cúc bạc và các đường chỉ màu. Ngoài ra, người phụ nữ Cống còn choàng thêm một chiếc yếm ở lớp ngoài, trên đó có đính những dải phụ kiện hình vuông bằng bạc và những dải sọc ngang nhiều màu sắc đồng bộ với phần ống tay áo khiến bộ trang phục càng thêm sang trọng và quý phái.

Chấm phá nét đẹp đất thượng nguồn Lai Châu ảnh 3

Tung còn là trò chơi không thể thiếu trong các lễ hội của người Thái Lai Châu.      Ảnh: Ngc Thng

Trang phục của phụ nữ La Hủ có nhiều điểm tương đồng với người Hà Nhì. Song, điểm khác biệt của trang phục người La Hủ là họa tiết trang trí ở chiếc áo ngắn bên ngoài và chiếc khăn quấn đầu. Áo ngắn bên ngoài của La Hủ có hàng cúc ở giữa hình con bướm bằng kim loại màu trắng và nhiều chi tiết trang trí bằng kim loại dọc theo bên cạnh. Cổ áo và gấu áo được trang trí bằng nhiều dải vải màu và đường chỉ thêu tinh tế. Vòng đeo trên đầu được làm bằng cây mây và trang trí bằng những chiếc ghim nhôm. Chiếc mũ của La Hủ được gắn nhiều quả bông len sặc sỡ và hai chùm dây hạt cườm rủ xuống, tôn lên nét khả ái cho gương mặt người phụ nữ.

Vào dịp lễ, phụ nữ Mảng thường xuất hiện với một vẻ đẹp bình dị và duyên dáng. Bộ trang phục gồm có váy dài, áo ngắn xẻ ngực, chân quấn xà cạp và một tấm vải choàng màu trắng. Chiếc áo ngắn được may bằng vải sợi bông, tròn, xẻ tà có hàng khuy làm bằng vải. Váy của người Mảng là váy ống đứng, màu đen, được cố định bằng thắt lưng. Điểm dễ nhận biết của người phụ nữ Mảng chính là một tấm vải màu trắng quấn từ ngực đến trùm mông. Tấm vải choàng được may bằng vải thô, ở giữa được trang trí bằng đường thêu chỉ đỏ. Bộ trang phục của phụ nữ Mảng khá đơn giản, song vẫn mang ấn tượng riêng từ kiểu dáng, chất liệu vải đến kỹ thuật cắt may, thêu thùa mang đậm bản sắc dân tộc.

Chấm phá nét đẹp đất thượng nguồn Lai Châu ảnh 4

Môn đẩy gậy luôn thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ.       Ảnh: Ngc Thng

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, tỉnh Lai Châu mang đến chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp dân gian và hiện đại, thể hiện rõ nét vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc, trong không gian chợ phiên với tiếng khèn đắm say gọi bạn tình của chàng trai Mông, những điệu múa uyển chuyển của những cô gái Giáy cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và thưởng thức các món ăn độc đáo được chế biến khéo léo của các cô gái Lự. Đồng thời, các vận động viên của tỉnh cũng tham gia thi đấu các môn thể thao như: Đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu… Tất cả đã hòa quyện tạo nên hương vị, âm thanh sống động như mời gọi du khách ghé thăm vùng đất Lai Châu nên thơ và hữu tình...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Non cao Lào Cai hướng về nguồn cội

Non cao Lào Cai hướng về nguồn cội

Những ngày tháng 3 âm lịch, mặc dù là người may mắn được hòa vào dòng người hành hương về đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ) để dâng nén nhang tri ân hoặc người không thể trở về thì đều chung niềm tự hào được là “con Lạc, cháu Hồng”.

Kết nối sợi dây văn hóa

Kết nối sợi dây văn hóa

Những câu chuyện ở khắp các thôn, bản từ vùng thấp đến vùng cao là minh chứng cho thấy phụ nữ Lào Cai đang tiếp tục kết nối sợi dây văn hóa ngàn đời, viết tiếp trang mới của câu chuyện văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Thiêng liêng nguồn cội ''con Rồng, cháu Tiên''

Thiêng liêng nguồn cội ''con Rồng, cháu Tiên''

Trở về cội nguồn, nơi Đất Tổ linh thiêng các Vua Hùng đóng đô, dựng nước, với sợi chỉ đỏ kết nối bền chặt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy để đoàn kết một lòng, dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đậm đà hương vị xứ Mường

Đậm đà hương vị xứ Mường

Bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên là một trong 2 di sản vừa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Trong chuyến công tác tìm hiểu tư liệu lịch sử phục vụ cho ký sự hướng về Điện Biên, nhóm phóng viên của Báo Lào Cai đã có dịp tới tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất bánh tại hợp tác xã Hoa Ban Trắng, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay.

Xuất bản sách về các hệ giá trị trong thời kỳ mới

Xuất bản sách về các hệ giá trị trong thời kỳ mới

Cuốn sách “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” là lời khẳng định việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.

Cho con tình yêu với đàn piano

Cho con tình yêu với đàn piano

Những năm gần đây, các trung tâm năng khiếu dành cho trẻ em nở rộ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều cha mẹ đã đăng ký cho con mình theo học các lớp nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, nhảy…, trong đó đàn piano là một loại nhạc cụ được nhiều học sinh yêu thích và chọn theo học.

fb yt zl tw