Đâu là nguyên nhân thôi việc của CBCCVC?

Theo Bộ Nội vụ, CBCCVC thôi việc là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm, đặc biệt là qua số liệu báo cáo trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng 2022, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả là trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Tỉ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%. Trong 39.552 nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế  là 12.198 người…

“Có thể nói, ngoài y tế còn có giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập, có thể phân thành các nguyên nhân có khách quan, chủ quan”, Thứ trưởng nói.

Giải thích về nguyên nhân khách quan, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay, Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có thị trường lao động, phát triển thị trường lành mạnh, khu vực công sang khu vực tư, xuất khẩu lao động đều là liên thông. Nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực công- tư có sự cạnh tranh lao động… Nguyên nhân thứ hai là xã hội hoá, tự chủ đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của luật CBCCVC, các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương, nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ quản trị như doanh nghiệp, nhiều đơn vị có chế độ ký hợp đồng thì việc ra vào khu vực công -tư là thường xuyên…

Nói về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ chỉ rõ, thứ nhất, Trung ương, Chính phủ có nhiều Nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống. Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đã báo cáo Chính phủ căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp. Thứ hai, công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia chưa tốt, nhiều người có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi sang làm việc tại khu vực tư với nhiều chính sách thu hút. Thứ ba, thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động. Thứ tư, là do chủ quan, môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để CBCCVC phát huy tốt năng lực. Thứ năm, là về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của CBCCVC. Ngoài ra, nghỉ việc, chuyển việc còn vì lí do cá nhân, muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp…

Như vậy trong 5 nguyên nhân chủ quan mà Bộ Nội vụ đưa ra thì nguyên nhân về tiền lương đứng thứ nhất, do đó đột phá về chính sách tiền lương cần được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm kể cả trước mắt cũng như lâu dài.

Đột phá từ chính sách về lương?

Đất nước ta đang hội nhập sâu với thế giới nhất là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, do vậy nó tác động mạnh mẽ vào hệ thống công vụ, công chức vốn xuất phát điểm nền tảng là cơ chế quan liêu bao cấp. Giờ đây, hệ thống công vụ, công chức Việt Nam đang đối mặt với thách thức người Nhà nước rời Nhà nước. Do đó Nhà nước phải có những giải pháp đột phá đổi mới nền hành chính, công vụ, công chức giữ chân người tài. Trước hết là đổi mới chính sách về lương.

Ai cũng biết lương của CBCCVC về cơ bản là không đủ cho họ và gia đình. Câu chuyện cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo canh cánh, thường nhật, do đó họ phải làm gì, làm ở đâu để kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình là một câu hỏi lớn.

Lương ở cơ quan không đủ sống thì buộc phải kiếm sống ở khu vực tư. Có những nơi lương khu vực tư cao hơn khu vực công. Những người có năng lực, thực tài sẽ được trả lương tương xứng trong khu vực tư. Một trong những sự hấp dẫn của khu vực tư chính là coi trọng thực tài, trả lương theo kết quả công việc.

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, vừa qua, Ban chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở.

“Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (hiện 1,49 triệu), tăng khoảng 20,8% để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tăng lương hưu, trợ cấp BHXH đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng chi ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%”, ông Mai thông tin.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

“Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, để xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, ông Mai nhấn mạnh.

Trả lương cho CBCCVC cũng là đầu tư cho phát triển, tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay, trong đó có liên quan đến nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, nhất là khi đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế. Như vậy có thể nói chính sách tiền lương cũng chỉ là một trong rất nhiều đột phá hiện nay để giữ ‘chân’ CBCCVC, ngoài ra để giữ chân CBCCVC chúng ta còn có các giải pháp khác như tạo môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến…