Xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất

LCĐT - Từ khi triển khai đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bước đột phá tích cực về hạ tầng giao thông, làm thay đổi diện mạo và đời sống người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới không đơn thuần là xây dựng hạ tầng, mà cùng với đó cần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân để đảm bảo thực chất, bền vững.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, Lào Cai đã đạt nhiều kết quả nổi bật, với 62 xã được công nhận đạt chuẩn, 2 địa phương cấp huyện (thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng) đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Nhưng, các địa phương “về đích” nông thôn mới hầu hết là các xã vùng thấp, khu vực I, có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển. Từ nay đến hết năm 2025, Lào Cai phấn đấu có thêm 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 29 xã ở khu vực III và 3 xã khu vực II. Đây là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, còn nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất ảnh 1

Tiêu chí môi trường được quan tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương thực hiện 19 tiêu chí liên quan đến hết hầu hết lĩnh vực, như xây dựng hạ tầng, môi trường, thu nhập… vùng nông thôn. Việc đạt các tiêu chí sẽ góp phần khẳng định chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng, với xuất phát điểm thấp như các xã khu vực III, việc “về đích” nông thôn mới có những tác động đến đời sống người dân khi không còn được thụ hưởng các chính sách đặc thù.

Theo báo cáo của UBND huyện Si Ma Cai, sau khi rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ không được thụ hưởng khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện này có 6 lĩnh vực chịu tác động lớn là giáo dục, dân tộc, văn hóa, nội vụ, ngân hàng chính sách và y tế. Đơn cử như các chính sách trong lĩnh vực dân tộc, theo kết quả rà soát về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, các xã đạt chuẩn nông thôn mới không được thụ hưởng một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội. Trong đó, có 2 dự án là “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” (đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở) và “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc”. Hoặc lĩnh vực nội vụ, các xã “về đích” nông thôn mới thuộc xã loại I thì không còn được hưởng toàn bộ chế độ theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP, như thu hút, trợ cấp lần đầu khi đến nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, phụ cấp công tác lâu năm... Trong khi đó, dù đã “về đích” nhưng các xã vùng cao vẫn có những khó khăn đặc thù, không thể đặt tương quan với các xã khu vực vùng thấp.

Tương tự như Si Ma Cai, tại các địa phương khác sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ với khu vực đặc thù. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh nhận định: Thực tế vẫn có địa phương đang “mất động lực” phấn đấu “về đích” nông thôn mới, bởi khi đó sẽ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo 1 bộ tiêu chí chung, nếu so sánh tương quan các xã vùng thấp với các xã vùng cao hoặc so tỉnh miền núi Lào Cai với các tỉnh miền xuôi sẽ thấy rất khập khiễng. Nếu ví xây dựng nông thôn mới giống như “may đồng phục” cho khu vực nông thôn thì việc “may đo” cần thực hiện tỉ mẩn theo “kích cỡ” riêng của từng xã. Để làm được điều đó thì xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính thực chất, không thể chỉ là một phong trào chạy theo thành tích.

Cũng theo ông Kiên, để xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất thì việc quan trọng nhất mà các địa phương cần thực hiện là người dân phải chủ động làm tốt các tiêu chí người dân cần làm. Đồng nghĩa với đó, việc phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục những khó khăn mang tính đặc thù, tạo tiền đề để người dân phát triển kinh tế là “chìa khóa”. Người dân nông thôn, khu vực đặc biệt khó khăn cần làm quen với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất thành vùng với quy mô tập trung, có liên kết. Khi đời sống người dân được nâng lên, sức mạnh nội lực của địa phương đó sẽ tăng, việc đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cũng vì thế thuận lợi hơn, việc không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cũng không còn là trở ngại.

“Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện, cách làm phải thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, không nợ tiêu chí, không chạy theo thành tích”, ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Để xây dựng nông thôn mới thực chất, đúng hướng, các địa phương cần phát huy sức mạnh nội lực, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thay đổi thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững công trình hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư… và từng bước nâng cao “tầm vóc” để vừa vặn hơn với “chiếc áo” nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Mặc dù mới qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhưng có thể khẳng định mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn hoàn thành. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Thế Yên, Cựu chiến binh ở thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai sớm nhận định đúng giá trị của quả chuối. Quyết định đầu tư vùng trồng chuối tiêu hồng sạch, cùng với việc làm chủ công nghệ dấm lạnh quả chuối, gia đình ông Yên đã đưa chuối tiêu hồng từ loại quả bình dân trở thành sản phẩm OCOP 3 sao chất lượng.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập, các địa phương trong tỉnh cùng doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2024 - 2025

Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2024 - 2025

Nhằm tổ chức sản xuất chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Văn bản số 1562/UBND-NLN yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện các giải pháp duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025.

fb yt zl tw