Giá hàng hóa “đứng im” sau khi xăng, dầu giảm mạnh

LCĐT - Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm sâu liên tiếp nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn không “nhúc nhích” với lý do cần độ trễ.

Trong kỳ điều hành chiều 21/7, giá xăng, dầu các loại đã giảm mạnh. Qua 3 kỳ điều hành giá xăng, dầu gần đây nhất, xăng E5 RON 92 giảm hơn 6.200 đồng/lít, xăng RON 95 giảm hơn 6.800 đồng/lít. Tại Lào Cai, giá xăng các loại (E5 RON 92-II, RON 95-III, RON 95-V) được Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Lào Cai niêm yết ở mức từ 25.070 đồng/lít đến 27.280 đồng/lít, giá dầu (dầu hỏa 2-K, DO 0,05S-II, DO 0,001S-V) từ 25.240 đồng/lít đến 27.360 đồng/lít tùy loại và tùy vùng. Như vậy, giá xăng, dầu đã giảm về mức tương đương hồi tháng 2/2022.

Việc giảm giá xăng, dầu trong bối cảnh hiện tại được nhiều người kỳ vọng là cơ hội để nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm theo. Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường của phóng viên, giá thực phẩm, rau xanh, hàng tiêu dùng trên địa bàn thành phố Lào Cai gần như “đứng im” và chưa có dấu hiệu giảm.

Bà Lương Thị Hương ở xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) cho rằng, khi giá xăng tăng, giá hàng hóa tăng theo, vậy khi giá xăng giảm, giá hàng hóa cũng phải giảm. Có như vậy mới công bằng và giảm áp lực về tài chính cho người tiêu dùng.

Thực phẩm là mặt hàng đầu tiên được người tiêu dùng kỳ vọng sớm hạ nhiệt khi giá xăng, dầu giảm. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai cho thấy, hầu như giá các loại thực phẩm không có biến động. Đối với thịt lợn, giá bán được các tiểu thương duy trì ở mức từ 100 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg tùy loại; giá gà thịt từ 90 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/kg, các loại thực phẩm tươi sống khác giá vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong 10 ngày qua.

Lý giải về giá thịt lợn vẫn ở mức cao, chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương ở chợ Cốc Lếu cho biết: Mặc dù giá xăng giảm, nhưng giá lợn hơi và lợn móc hàm vẫn tăng trong nhiều ngày qua, vì thế tiểu thương không thể giảm giá bán. Hiện tại, giá lợn hơi đang ở mức 71 nghìn đồng/kg, trong khi đó, giá lợn móc hàm là 92 nghìn đồng/kg. “Chúng tôi cũng muốn giảm giá để hàng hóa bớt ế ẩm, nhưng giá nhập vào cao nên đành bó tay”.

Không chỉ thực phẩm tươi sống, mà giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng chưa có dấu hiệu giảm kể từ đầu tháng 7 đến nay. Theo các cơ sở kinh doanh, việc điều chỉnh giảm đối với mặt hàng tiêu dùng là chính sách của nhà sản xuất và nhà phân phối. Vì vậy, độ trễ của việc giảm giá cần có thời gian, ít nhất 10 - 15 ngày mới có thể đến các đại lý bán lẻ. “Khi nhà phân phối chưa điều chỉnh giá thì chúng tôi không thể giảm giá được vì thời gian qua, lĩnh vực bán lẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn trước áp lực của dịch bệnh, sức mua giảm và tăng giá xăng, dầu. Nếu tự giảm giá, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra bù lỗ nên đại lý không thể thực hiện được. Nếu giá xăng, dầu ổn định, chắc chắn giá hàng tiêu dùng cũng sẽ giảm theo” - bà Phạm Thị Thoa, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Nhạc Sơn, phường Cốc Lếu nói.

Trong các loại hàng hóa khảo sát sau khi giá xăng, dầu giảm, chỉ rau xanh có dấu hiệu “hạ nhiệt” nhưng ở mức “nhỏ giọt”. Các loại rau trái vụ như bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách, cải thảo, cải canh… giảm khoảng 10% so với thời điểm 10 ngày trước nhưng vẫn từ 15 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/kg. Các loại quả, như bầu, bí đao, mướp… có giá khoảng 10 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, rau muống, mồng tơi, cải xoong, rau dền được bán từ 5 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/mớ; măng tươi 8 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/kg…

Chị Lê Thị Yến, tiểu thương bán rau tại chợ Pom Hán cho biết: Rau xanh bắt đầu có dấu hiệu giảm giá nhẹ từ vài ngày nay, riêng rau trái vụ có nguồn gốc từ Sa Pa vẫn bán với giá cao, rau gia vị cũng tăng giá do năm nay thời tiết thất thường. Chúng tôi muốn giảm giá, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào các đầu mối và sự điều tiết của thị trường.

Thực tế nhiều lần tăng, giảm giá xăng, dầu cho thấy, khi mặt hàng này tăng thì nhiều mặt hàng khác tăng rất nhanh để bù lại chi phí vận chuyển hoặc tranh thủ “té nước theo mưa”, tuy nhiên khi giá giảm, hàng hóa khác rất ít khi giảm theo và có chăng chỉ giảm theo kiểu “nhỏ giọt”.

Để công bằng với người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ nhằm ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đáng chú ý, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ khẩn trương thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

fb yt zl tw