Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

LCĐT - Động vật hoang dã có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái, góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ sự cân bằng trong tự nhiên. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện và có chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có 955 loài động vật hoang dã có giá trị bảo tồn mức quốc gia và toàn cầu, trong đó có 155 loài quý, hiếm; 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới; 19 loài thuộc phụ lục của CITES; 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.

Ông Lê Ngọc Bổng ở thành phố Lào Cai bàn giao cá thể khỉ cho cơ quan chức năng.
Ông Lê Ngọc Bổng ở thành phố Lào Cai bàn giao cá thể khỉ cho cơ quan chức năng.

Là tỉnh biên giới, hoạt động giao thương qua các cửa khẩu rất sôi động, mỗi năm, Lào Cai thu hút lượng lớn du khách tới tham quan nên nguy cơ buôn bán, sử dụng động vật, các sản phẩm động vật hoang dã rất lớn. Ngoài ra, 53% diện tích tự nhiên của tỉnh có tán rừng che phủ với 2 khu bảo tồn thiên nhiên, 1 vườn quốc gia, nhiều hộ sống gần rừng, kinh tế dựa vào rừng… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép. Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc phòng, chống săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật và các sản phẩm động vật hoang dã.

Cách đây gần chục năm, tại các đô thị, khu du lịch của tỉnh, không khó để thấy những biển hiệu quảng cáo với nội dung như “Thịt thú rừng”, “Đặc sản thịt rừng”, “Hương rừng”… nhưng hiện tại, tuyệt nhiên không gặp biển hiệu có nội dung tương tự. Việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã cũng được xử lý dứt điểm.

Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân.
Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ vi phạm về vận chuyển động vật hoang dã, năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 không xảy ra vụ vi phạm về lĩnh vực này. Kết quả trên thể hiện sự chuyển biến lớn trong nhận thức của cộng đồng về việc “nói không” với sử dụng và buôn bán động vật và các sản phẩm động vật hoang dã. Đây cũng là kết quả sự chỉ đạo của tỉnh với nhiều văn bản yêu cầu các cấp, ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền nâng cao công tác quản lý, phòng, chống săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng động vật và các sản phẩm động vật hoang dã.

Tiếp thu các văn bản chỉ đạo, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo với chức năng, nhiệm vụ, thực tế của đơn vị. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; biên soạn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, pano, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trưng bày, triển lãm, hội thảo khoa học; lồng ghép nội dung tuyên truyền về động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm vào các hoạt động cộng đồng… Nhờ đó, ý thức của cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã được nâng lên rõ rệt. Nhiều động vật hoang dã được hiến tặng, giao nộp cho cơ quan chức năng để cứu hộ, bảo tồn.

Trong năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Sa Pa) tiếp nhận, cứu hộ 121 cá thể động vật hoang dã do người dân, cơ quan chức năng hiến tặng, bàn giao. Trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 13 cá thể động vật hoang dã được giao nộp để cơ quan chức năng cứu hộ, nuôi dưỡng an toàn trước khi thả về tự nhiên.

Đáng chú ý là trên 95% cá thể động vật hoang dã được cứu hộ là do người dân tự nguyện hiến tặng. Đơn cử như gần đây là trường hợp 1 cá thể khỉ vàng có tên khoa học Macaca Mulatta, một loài thuộc nhóm IIB - nhóm loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được người dân tại huyện Bắc Hà tự nguyện hiến tặng cho cơ quan chức năng. Vào tháng 2/2022, ông Phạm Tuấn Tú ở thị trấn Bắc Hà tình cờ gặp người dân mang cá thể khỉ bị thương đi bán và đã mua về chăm sóc. Khi khỉ khỏe mạnh, ông tự nguyện hiến tặng cho cơ quan chức năng để tiếp tục chăm sóc, cứu hộ và tái thả vào tự nhiên.

Hoặc trường hợp của gia đình ông Lê Ngọc Bổng ở phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) tự nguyện hiến tặng cá thể khỉ mặt đỏ mà gia đình đã nuôi cho cơ quan chức năng. Cá thể khỉ này do gia đình ông Bổng mua từ tỉnh Bình Thuận về nuôi từ năm 2015. Nhận thức việc nuôi nhốt động vật hoang dã của gia đình là vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cuối năm 2021, gia đình ông Bổng làm đơn hiến tặng cá thể khỉ mặt đỏ cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên để được chăm sóc khoa học, phục hồi các tập tính tự nhiên của loài và sẽ tái thả về môi trường sinh sống tự nhiên.

Với những nỗ lực quản lý, bảo tồn của lực lượng chức năng và sự chung tay của người dân địa phương, tin rằng hệ sinh thái rừng tự nhiên cùng những cá thể động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được bảo vệ và ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw