Đâu chỉ là tấm áo

Những năm gần đây, nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường sắc đẹp quốc tế khiến khán giả trong nước nức lòng. Bên cạnh chiếc vương miện danh giá, người đẹp Việt cũng ghi dấu ấn ở những vòng thi phụ, nhất là những phần thi trang phục dân tộc. Khác với những phần trình diễn khá nhạt nhòa từ các đàn chị đi trước, ở các cuộc thi gần đây chúng ta đã đầu tư bài bản, chăm chút hơn cho từng bộ trang phục để chinh phục ban giám khảo.

Đỗ Thị Hà đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020. Ảnh minh họa

Đỗ Thị Hà đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, câu chuyện những thiết kế để đại diện hồn cốt Việt Nam trên đấu trường nhan sắc quốc tế thời gian qua cũng gây ra không ít tranh cãi. Đành rằng trang phục trình diễn phải khác thường ngày và với thời trang trình diễn điều quan trọng là thông điệp, là hiệu ứng nhưng có không ít trang phục, nếu không nghe lời dẫn hay đọc qua phần giới thiệu, khán giả trong nước khó mà cảm nhận được chúng đại diện cho nét văn hóa truyền thống của đất nước mình. Nhất là những bộ trang phục mang hình ảnh bánh mì, kén tằm hay mới nhất là bánh tét…

Muốn khác biệt phải sáng tạo và sáng tạo phải phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Để đáp ứng hết những tiêu chí đó không phải dễ nhưng cũng không phải vì vậy mà có thể tùy tiện. Không chỉ là một tấm áo, khi đã gọi là trang phục dân tộc, chúng phải mang bản sắc riêng, có tính đại diện cho mỗi quốc gia, dân tộc… để qua đó tự hào giới thiệu và lan tỏa văn hóa đất nước mình đến bạn bè năm châu.

Qua những bộ trang phục dân tộc trong các cuộc thi quốc tế gần đây, thật khó để nói chúng mang cảm hứng văn hóa truyền thống Việt Nam. Không phải cứ góp nhặt truyền thống mỗi vùng miền một chút, kết hợp lại, biến tấu và phá cách sẽ thành trang phục dân tộc. Để làm được điều đó ít nhất cần sự am tường, thẩm thấu từng nét đẹp văn hóa vùng miền hay dân tộc mà mình chọn làm cảm hứng sáng tạo chứ chưa nói đến cần có bề dày am hiểu về văn hóa nói chung… Không phải cứ đặt các thành tố truyền thống cạnh nhau hay gom góp chút văn hóa bản địa của mỗi miền kết lại thì có thể gọi là trang phục dân tộc mà đó chỉ là sự “chiếm dụng văn hóa”, một khái niệm đang được quan tâm trên các diễn đàn sáng tạo và trở thành nỗi lo toàn cầu trước việc hội nhập và tiếp biến văn hóa.

Những năm gần đây, cổ phục Việt rất được quan tâm. Rất nhiều dự án của các bạn trẻ phỏng dựng và phục dựng, tại sao chúng ta không lấy đó để làm chất liệu, cảm hứng cho những phần thi trang phục dân tộc ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế? Sao phải gánh trên người những bộ trang phục quá cồng kềnh nhưng nhìn vào chẳng thấy dáng hình quê hương cũng như khi gặp sự cố rất khó xử lý?

Một vài cuộc thi sắc đẹp quốc tế sẽ không thể ảnh hưởng đến câu chuyện văn hóa hay trang phục truyền thống dân tộc nhưng nếu nhìn xa hơn, đây là cơ hội tốt để chúng ta quảng bá văn hóa nước nhà ra thế giới. Tất nhiên, một nền văn hóa, văn hiến qua mấy ngàn năm lịch sử không chỉ có tấm áo là chuyện để nói, để tự hào nhưng chí ít, từ trang phục sẽ làm nên sự khác biệt cơ bản nhất giữa chúng ta và bạn bè quốc tế. 

Không phải ngẫu nhiên mà cổ phục, trang phục truyền thống trở thành một trong những xu hướng được thế hệ gen Z (khái niệm để nói về các bạn trẻ sinh từ năm 1996 trở về sau) trên toàn cầu quan tâm. Bởi trong môi trường hội nhập quốc tế đa chiều, những nền văn hóa tiếp xúc và ảnh hưởng nhau rất dễ làm chúng ta trở nên tương đồng, từ lối sống đến nếp sinh hoạt. Để tạo được dấu ấn, đòi hỏi chúng ta phải có sự khác biệt, có bản sắc riêng. Chính những thành tố của văn hóa truyền thống nước nhà sẽ tạo cho chúng ta sự khác biệt với bạn bè quốc tế, với những quốc gia, dân tộc khác… 

Báo SGGP

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw