Nhân rộng các mô hình học tập: Nền tảng xây dựng xã hội học tập

Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1373/ QĐ-TTg ngày 30-7-2021 đang được các địa phương triển khai tích cực. Các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác khuyến học. Là địa phương có quy mô dân số và học sinh lớn, các cấp hội khuyến học của thành phố Hà Nội xác định việc nhân rộng các mô hình học tập là nền tảng xây dựng xã hội học tập, đáp ứng việc học tập thường xuyên của mọi người ở trong trường học và tại cộng đồng.

Nhân rộng các mô hình học tập: Nền tảng xây dựng xã hội học tập ảnh 1

Tạo điều kiện để mọi người dân tự học thường xuyên, phù hợp hoàn cảnh thực tế là giải pháp quan trọng để xây dựng xã hội học tập một cách bền vững. Trong ảnh: Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai tặng thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, tháng 9-2021. Ảnh: Vũ Lê

Vượt chỉ tiêu xây dựng các mô hình học tập

Từ một tổ chức có hơn 100 nghìn hội viên, đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã có hơn 21 triệu hội viên, chiếm hơn 21% dân số của cả nước. Không chỉ phát triển về quy mô, chất lượng hoạt động khuyến học cũng để lại nhiều dấu ấn.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, một trong những dấu ấn tiêu biểu của hội khuyến học các cấp trong 5 năm gần đây là kết quả xây dựng các mô hình học tập. Theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, cả nước phấn đấu có 70% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% “Dòng họ học tập”, 60% “Cộng đồng học tập” và 50% “Đơn vị học tập”. Kết quả đạt được trên cả nước đều vượt chỉ tiêu, trong đó cao nhất là tỷ lệ “Đơn vị học tập” vượt 35,7%, tỷ lệ “Dòng họ học tập” vượt 16,5%, tỷ lệ “Cộng đồng học tập” vượt 5,4%... Việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập còn tạo chuyển biến về ý thức của mỗi cá nhân trong việc tự học. 5 năm gần đây, cả nước có hơn 101 triệu lượt người học xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ, học nghề…

Tại Hà Nội, phong trào xây dựng các mô hình học tập luôn được các cấp hội khuyến học xác định là nhiệm vụ nòng cốt để xây dựng xã hội học tập. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, so với chỉ tiêu tại Quyết định số 281/QĐ-TTg, tỷ lệ “Đơn vị học tập” vượt 42%, tỷ lệ “Dòng họ học tập” vượt 18%, tỷ lệ “Cộng đồng học tập” vượt 27%... Đây là sự cố gắng rất lớn của hơn 1,3 triệu hội viên khuyến học các cấp trong bối cảnh hoạt động có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho rằng, việc xây dựng các mô hình học tập đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Từ vị trí tốp cuối, năm 2020, huyện Ba Vì được đánh giá ở vị trí thứ 17/30 quận, huyện, thị xã của thành phố về chất lượng giáo dục.

Còn bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu hết về ý nghĩa của hoạt động khuyến học. Vì thế, cần nhân rộng hơn nữa các mô hình học tập để công tác khuyến học phát triển theo cả chiều sâu và diện rộng…

Tạo chuyển biến cơ bản

Nhân rộng các mô hình học tập: Nền tảng xây dựng xã hội học tập ảnh 2

Quang cảnh tọa đàm xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trong điều kiện bình thường mới do Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức, tháng 11-2021. Ảnh: Minh Đức

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, linh hoạt… Việc vận động, tạo điều kiện để mọi người dân tự học thường xuyên, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nhân rộng các mô hình học tập tiếp tục được xác định là nhiệm vụ, cũng là giải pháp quan trọng của đề án để xây dựng xã hội học tập một cách bền vững.

Nhằm phát huy kết quả dẫn đầu cả nước trong việc xây dựng các mô hình học tập, ứng phó với tình hình dịch bệnh, Hội Khuyến học Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm về giải pháp nhân rộng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới. Một số giải pháp đã được nêu, như: Đa dạng phương thức tuyên truyền, vận động để giúp người dân thay đổi nhận thức về việc học tập thường xuyên; kết nối các lực lượng để hỗ trợ học sinh nghèo…

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, xác định vai trò nòng cốt của ngành Giáo dục trong việc triển khai đề án, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phòng tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, bảo đảm không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường; tiếp tục lan tỏa Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để mọi học sinh của quận và học sinh các huyện còn khó khăn đều có đủ thiết bị học trực tuyến, giúp các em tiếp cận với việc học dù trong bất kỳ điều kiện nào.

Còn theo Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mê Linh Vũ Văn Hảo, nhằm lan tỏa sự chia sẻ, tình yêu thương trong tình hình dịch bệnh, các cấp hội đã kịp thời biểu dương những tấm lòng thiện nguyện. Ngoài ra, Hội Khuyến học huyện Mê Linh còn triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên cơ sở đã thí điểm, góp phần đẩy mạnh các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ…

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, Hội Khuyến học Hà Nội phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, trao thưởng cho học sinh vượt khó học tốt và hỗ trợ kịp thời các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn. “Hội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, như có 60% số công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 90% số trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin…”, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh khẳng định.

Báo Hà nội mới

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw