Cảm nhận của cơ sở kinh doanh du lịch trong DDCI

LCĐT - Ngành du lịch Lào Cai đang trải qua quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển. Trong những năm qua, ngành du lịch đã đóng góp cho tăng trưởng GDP, phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi nhuận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cảm nhận của cơ sở kinh doanh du lịch trong DDCI ảnh 1
Lĩnh vực du lịch tại Lào Cai có sự phát triển.                                       Ảnh: Ngọc Bằng

Trước bối cảnh thị trường du lịch đóng băng do ảnh hưởng của Covid-19, khảo sát DDCI 2020 cũng quan tâm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, coi đây là chuyên đề nghiên cứu. Với mẫu phiếu cấp huyện, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chiếm 6,71%, phân bổ rải rác tại các địa bàn; với mẫu phiếu cấp sở, ban, ngành, doanh nghiệp du lịch chiếm 2,6% tổng mẫu, thực hiện thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông... Khảo sát góp phần đưa cảm nhận của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đến gần hơn với các cấp chính quyền và sở, ban, ngành, góp phần chung vào sự phát triển của du lịch tỉnh Lào Cai.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch, môi trường kinh doanh tại các sở, ban, ngành đạt 7,3 điểm, thuộc nhóm khá. Mức điểm này cũng thấp hơn so với mức trung bình chung các lĩnh vực toàn tỉnh. Điều đó phần nào cho thấy các doanh nghiệp, hợp tác xã đang đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh dưới góc độ ngành kém hơn so với các ngành còn lại.

Nhận xét chung về chất lượng quản lý, điều hành trong năm vừa qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch trong mẫu khảo sát đánh giá các cải thiện còn rất chậm: 61,54% nhìn nhận các cải thiện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch vẫn tin tưởng và đánh giá cao hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch và kế hoạch với mức điểm 7,66 điểm.

Chất lượng dịch vụ công đạt 7,15 điểm, dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch đang đứng trước thách thức về hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến (e-gov), hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết các vấn đề; các khó khăn/rào cản tiếp cận của phụ nữ, dân tộc thiểu số, phụ nữ kinh doanh và đùn đẩy trách nhiệm. Các chỉ tiêu này đều có mức điểm dưới 7. Vẫn tồn tại 27,27% các ý kiến cho rằng sở, ban, ngành đùn đẩy trách nhiệm hoặc lên cấp có thẩm quyền cao hơn khi xử lý các thủ tục hành chính và dịch vụ công liên quan lĩnh vực du lịch.

Chỉ số thành phần minh bạch thông tin và đối xử công bằng đạt 7,24 điểm. Nếu như các chỉ tiêu về minh bạch thông tin được các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch nhìn nhận tích cực hơn thì các chỉ tiêu về đối xử công bằng lại có điểm số thấp hơn. Còn quá sớm để khẳng định sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tiếp cận thông tin, dịch vụ thuộc lĩnh vực du lịch. Nhưng điểm số trên phần nào đưa ra các chỉ dẫn cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng được cung cấp dịch vụ dù ở quy mô, giới tính hay dân tộc nào.

Tính năng động và trách nhiệm giải trình đạt 7,14 điểm, là một trong hai chỉ số thành phần thấp điểm nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch liên quan. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu sáng kiến, chương trình cải cách và mang lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại tỉnh, trong khi đó, các chỉ tiêu khác của chỉ số thành phần cũng không có sự nổi bật về điểm số, phản ánh thực tế cải cách chậm chạp.

Chi phí không chính thức lại được doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch cảm nhận giảm cả về quy mô và số lượng, đạt 7,55 điểm. Tuy nhiên, khi so sánh với sự cải thiện chung trên toàn tỉnh, dường như các doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngành du lịch đang phải chịu mức chi phí lớn hơn và kém tích cực hơn các lĩnh vực còn lại. Phân tích cụ thể, 66,67% doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch trong mẫu khảo sát vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong năm vừa qua.

Hỗ trợ kinh doanh và doanh nghiệp đạt 7,04 điểm, thấp nhất trong các chỉ số thành phần được đánh giá. Sự thiếu vắng của các chương trình hỗ trợ phù hợp là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả chỉ số thành phần chưa cao.

Không phủ nhận những hành động kịp thời của chính quyền tỉnh Lào Cai trong năm 2020 hỗ trợ ngành du lịch tỉnh, như chương trình kích cầu du lịch Lào Cai “Mùa hè Sa Pa năm 2020” với sự tham gia của 82 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến hình ảnh, thương hiệu và thu hút khách du lịch đến với Lào Cai.

Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch quan tâm vẫn có thể cải thiện. Trả lời cho câu hỏi tại sao khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam còn chưa cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong mẫu khảo sát cũng tự nhìn nhận được các vấn đề tại địa phương như quảng bá sản phẩm, quảng bá du lịch chưa tốt, chất lượng lao động, chưa đủ vốn để mở rộng sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng chèo kéo, lợi dụng sức lao động của trẻ em... Không những vậy, khách hàng nội địa cũng so sánh, nhìn nhận chưa xứng tầm du lịch trong nước. Do đó, các biện pháp định hướng, hỗ trợ từ các sở, ban, ngành liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch là rất cần thiết, xóa đi các rào cản, để khi mở cửa đón du khách quốc tế và thu hút thêm lượng khách nội địa, du lịch Lào Cai đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw