Thành phố Lào Cai xây dựng nhà văn hóa liên khu dân cư

LCĐT - Những nhà văn hóa liên tổ dân phố, liên khu dân cư trên địa bàn các phường của thành phố Lào Cai được xây dựng với quy mô lớn không chỉ góp phần khai thác hiệu quả công năng của nhà sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu dân cư, mà còn đồng bộ quy hoạch thiết chế văn hóa, hạn chế đầu tư dàn trải, cải tạo cảnh quan, hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.

Nhiều nhà văn hóa không đáp ứng được yêu cầu

Nhà văn hóa Trần Phú là nơi sinh hoạt của các hộ tổ 1, phường Cốc Lếu, vỏn vẹn 80 m2, mỗi khi tổ chức họp, người dân phải ngồi ra cả hành lang. Trong khi đó, những năm qua, phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh ở các khu dân cư, nhưng không có sân chơi, bãi tập cho người dân.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, trên địa bàn 10 phường của thành phố Lào Cai hiện có 122 nhà văn hóa, trong đó 10 nhà văn hóa phường; 112 nhà văn hóa tổ, liên tổ dân phố phục vụ nhu cầu sử dụng của 219 tổ dân phố. Các nhà văn hóa tổ, liên tổ dân phố hiện nay cơ bản mới đáp ứng nhu cầu hội họp, phổ biến thông tin, chính sách, pháp luật tới người dân, chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức các sự kiện, biểu diễn văn hóa - văn nghệ, nhu cầu tập luyện và thi đấu thể dục - thể thao, tổ chức đám cưới cho cộng đồng khu dân cư. Bên cạnh đó, các nhà văn hóa tổ, liên tổ được đầu tư còn manh mún, chắp vá, đa số có diện tích nhỏ, thiếu trang - thiết bị, sự phân bố không đồng đều, vị trí chưa phù hợp, phục vụ 1 - 2 tổ dân phố.

Mặc dù thành phố và tỉnh đã quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, tuy nhiên, quỹ đất dành cho các nhà văn hóa tổ, liên tổ không đồng đều, hầu hết có diện tích đất hẹp, chủ yếu từ 80 m2 đến 100 m2. Các nhà văn hóa tổ, liên tổ đều là nhà cấp 4, lợp mái tôn, nhiều nhà xây dựng đã lâu không được sửa chữa, nâng cấp, không được thường xuyên chăm sóc, dọn dẹp, chỉnh trang (do chỉ khi họp mới sử dụng) nên không đảm bảo và chưa phù hợp với cảnh quan, kiến trúc đô thị.

Nhà văn hóa Tân Lập, phường Bắc Cường.
Nhà văn hóa Tân Lập, phường Bắc Cường.

Ngoài ra, trang - thiết bị, trang trí, khánh tiết các nhà văn hóa đều từ nguồn xã hội hóa hoặc đã được Nhà nước đầu tư từ lâu do đó bàn ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang trí không đồng bộ hoặc cũ, hỏng, lỗi thời. Khuôn viên cũng không được chú trọng đầu tư, không tận dụng làm sân chơi, bãi tập cho người dân, bỏ hoang hoặc cho thuê bán hàng, trông giữ xe... Tần suất sử dụng các nhà văn hóa còn thấp (chiếm 20% đến 25%). Việc quản lý nhà văn hóa chưa chặt chẽ, khoa học, còn tình trạng sử dụng nhà văn hóa không đúng mục đích. Kinh phí cho thuê, các nguồn xã hội hóa từ nhà văn hóa một số nơi chưa minh bạch...

Nhà văn hóa không chỉ là nơi hội họp

Nhà văn hóa khu dân cư Nguyễn Du, phường Kim Tân vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. Được xây dựng trên khu đất rộng 1.230 m2 gồm 3 tầng: Tầng 1 rộng 620 m2, tầng 2 và 3 rộng 385 m2, tổng kinh phí đầu tư 9,9 tỷ đồng. Nhà văn hóa này không chỉ là nơi tổ chức hội họp của bà con mà còn là điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức sự kiện, thư viện, tập luyện và thi đấu, biểu diễn văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tổ chức đám cưới… Tại phường Bắc Cường, công trình nhà văn hóa khu dân cư Tân Lập cũng có quy mô tương đương vừa được khánh thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của khoảng 1.000 hộ trong tương lai khi tiểu khu đô thị số 10 được lấp đầy. Đây là 2 nhà văn hóa đầu tiên được xây dựng theo chủ trương sắp xếp, đầu tư xây dựng mới các nhà văn hóa liên tổ dân phố, liên khu dân cư giai đoạn 2021 - 2025.

Theo phương án sắp xếp, đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa liên tổ dân phố, liên khu dân cư trên địa bàn các phường của thành phố Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 35 nhà văn hóa, tổng kinh phí gần 209 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Bố trí mỗi phường từ 6 đến 12 nhà văn hóa đa năng phục vụ liên tổ dân phố (từ 500 đến trên 1.000 hộ); ưu tiên xây dựng mới nhà văn hóa đa năng đối với các điểm có sẵn quỹ đất, vị trí phù hợp kết nối được nhiều tổ dân phố, nhu cầu sử dụng quy mô lớn, người dân đồng thuận cao, hiện trạng nhà văn hóa cũ đã xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Các nhà văn hóa không đảm bảo diện tích đất (từ 300 m2 trở xuống), quy mô xây dựng nhỏ hẹp, xuống cấp, vị trí không trung tâm, không thuận lợi cho nhu cầu sử dụng của nhiều tổ dân phố nếu người dân không còn nhu cầu sử dụng sẽ điều chỉnh sang mục đích sử dụng khác.

Bà Vũ Thị Thùy Dung, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lào Cai cho biết: Nhà văn hóa liên khu dân cư, tổ dân phố được xây dựng theo hướng đa năng không chỉ là nơi tổ chức hội họp mà còn là điểm sinh hoạt cộng đồng, tập luyện, thi đấu, biểu diễn văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, tổ chức các sự kiện của khu dân cư, góp phần xây dựng đô thị văn minh. Trong khuôn viên nhà văn hóa đa năng bố trí ít nhất 1 - 2 sân chơi, bãi tập (bóng rổ, bóng chuyền hơi...), lắp đặt các thiết bị tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời…

Thực hiện phương án đã được thành phố phê duyệt, căn cứ vào diện tích đất, vị trí, nhu cầu sử dụng của các hộ từng nơi để xây dựng nhà văn hóa đa năng có quy mô khác nhau, có thể xây dựng 2 tầng hoặc 3 tầng; kiến trúc cơ bản có sự thống nhất, tạo đặc trưng. Mỗi nhà văn hóa đa năng bố trí có tối thiểu các phòng chức năng, gồm: Hội trường, phòng truyền thống kết hợp nơi làm việc, sinh hoạt của ban lãnh đạo khu dân cư, tổ dân phố; từ 1 đến 2 sân thi đấu, tập luyện thể thao (tùy điều kiện có thể trong nhà hoặc ngoài trời). Trong khuôn viên nhà văn hóa, nếu cần thiết, phù hợp, có thể kêu gọi đầu tư phát triển các dịch vụ văn hóa như mở các câu lạc bộ gym, yoga, rumba, bể bơi…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nhiếp ảnh gia người Việt đạt giải ảnh báo chí thế giới làm giám khảo cuộc thi "Bảo tồn nguồn nước, Nuôi dưỡng tương lai"

Nhiếp ảnh gia người Việt đạt giải ảnh báo chí thế giới làm giám khảo cuộc thi "Bảo tồn nguồn nước, Nuôi dưỡng tương lai"

Nhiếp ảnh gia Maika Elan (tên thật là Nguyễn Thanh Hải) - người Việt đầu tiên đạt giải thưởng ảnh báo chí thế giới, chính thức trở thành giám khảo của cuộc thi ảnh “Bảo tồn nguồn nước, Nuôi dưỡng tương lai” do Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Đại sứ quán (ĐSQ) Nhật Bản.

Viết báo ở Điện Biên Phủ

Viết báo ở Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các phóng viên chiến trường đã vượt lên rất nhiều khó khăn gian khổ, thiếu thốn và đạn bom của quân thù để có những trang viết chân thực, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi xin trích đăng bài viết này từ tư liệu của gia đình nhà văn Hữu Mai.

fb yt zl tw