Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (78.034.787 ca), vượt xa châu Âu  (61.703.243 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 55.120.976 ca  và Nam Mỹ với 38.158.530 ca. Châu Phi (8.509.720 ca) và châu Đại Dương (276.989 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tuy vậy, tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, nhờ đó, các nước dần dỡ bỏ và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới và sống chung an toàn với COVID-19.

Tình hình dịch bệnh tại châu Á có những dấu hiệu cải thiện ảnh 1
 Tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản đã có những dấu hiệu lắng xuống, số ca mắc mới giảm trong những ngày qua.

Tại Nhật Bản, tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu lắng xuống, số ca mắc mới giảm trong những ngày qua. Ngày 18/10, nước này chỉ ghi nhận 429 ca mắc mới, con số này 1 ngày trước đó là 492 ca và 2 ngày trước đó là 528 ca. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số ca mắc mới ở Nhật Bản giảm mạnh từ mức đỉnh 25.892 ca được ghi nhận vào ngày 20/8 là do đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 ở nước này.

Theo thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tính đến ngày 14/10, có gần 94,6 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 74,96% dân số nước này, trong đó 83,66 triệu người đã tiêm đủ hai mũi. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11. Sau đó, Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung vào tháng 12.

Singapore thông báo từ ngày 19/10, nước này miễn quy định cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 8 nước đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 gồm Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ. Với hơn 80% dân số đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, giữa tháng 9 vừa qua, Singapore đã chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế cho hành khách đã tiêm chủng từ Đức và Brunei trong khuôn khổ chương trình “Vaccinated Travel Lane” (Hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng).

Tại châu Âu, Anh và Nga đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Ngày 18/10, Anh ghi nhận thêm 49.156 ca mắc COVID-19 mới, ngày 17/10 nước này ghi nhận 44.989 ca mắc mới, hiện tổng số ca mắc ở Anh là 8.497.868 ca. Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc COVID-19 cao tại Anh. Trong đó, có nguyên nhân Anh là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 từ ngày 19/7, sớm hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác.

Cùng ngày 18/10, Nga ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 34.325 ca - cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 8.027.012 ca, trong khi số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên tới 224.310 ca.

Tại Bắc Mỹ, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm, với 45.855.287 ca, trong đó 745.509 đã tử vong. Chính phủ Mỹ cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với những người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, người đến từ hơn 30 quốc gia cụ thể sẽ được phép nhập cảnh Mỹ qua các cửa khẩu hàng không và đường bộ từ ngày 8/11.

Tại Nam Mỹ, Brazil ghi nhận số ca mắc ở mức cao nhất khu vực, với 21.651.910 ca, trong đó 603.465 ca đã tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 7.446      ca nhiễm mới.

Tại châu Phi, một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong khoảng 7 ca mắc COVID-19 tại châu lục này thì chỉ có 1 ca được phát hiện. Điều này cho thấy số ca mắc trên thực tế cao hơn nhiều và nguyên nhân là  năng lực xét nghiệm tại lục địa này còn hạn chế..

Tại châu Đại Dương, Australia là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 145.314 ca, trong đó có 1.543 ca tử vong. Trong ngày 18/10, nước này ghi nhận 2.179 ca nhiễm mới./.