Khởi sắc nơi đầu nguồn biên giới

LCĐT - Sau 30 năm kể từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập, khắp dải biên giới Bát Xát đã khởi sắc rõ nét khiến ai cũng bất ngờ.

Vùng cao đổi thay

Trong những ngày thu, cả tỉnh đang rộn ràng hướng về kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh với những câu chuyện của quá khứ, hiện tại và tương lai, về những đổi thay trên mảnh đất Lào Cai. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung (huyện Bát Xát), ông Vàng Duần Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã A Mú Sung nhả khói thuốc lào, nhìn ra những tràn ruộng bậc thang trải vàng lên tận lưng núi, nhớ lại: Khi tỉnh Lào Cai tái lập (năm 1991), A Mú Sung heo hút như ốc đảo bởi chỉ có đường đất, đi lại vô cùng khó khăn. Khi trung tâm huyện Bát Xát vẫn còn ở xã Bản Xèo, rồi đến năm 1994 chuyển về xã Bản Qua, mỗi lần đi họp, tôi phải theo đường mòn vượt rừng, vượt núi, đi về mất đúng 3 ngày. Đường là vậy, điện thì không có, cán bộ y tế cũng không có ai, cả xã chỉ có 2 lớp học với khoảng 30 học sinh học phổ thông và 20 thanh niên học bổ túc văn hóa. Hầu hết các hộ thuộc diện nghèo, nhiều hộ đói phải ăn ngô, ăn sắn qua ngày. Kiên trì vận động mãi, bà con mới dần chuyển từ các giống lúa, ngô kém hiệu quả sang canh tác lúa lai, ngô lai năng suất cao, trồng chè đặc sản…

Khởi sắc nơi đầu nguồn biên giới ảnh 1
Mùa vàng Ý Tý.                                                               Ảnh: Ngọc Bằng
Mùa vàng Ý Tý. Ảnh: Ngọc Bằng Giờ học ngoại khóa của thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Ý Tý.
Giờ học ngoại khóa của thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Ý Tý.

Ông Phú cũng không thể tưởng tượng nổi sau 30 năm vùng đất quê hương mình lại đổi thay kỳ diệu như vậy. A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt chuẩn nông thôn mới. Điện, đường, trường, trạm y tế được xây dựng đầy đủ, phục vụ cuộc sống người dân. Các thôn, bản đều đông vui, nhiều ngôi nhà được xây mới đẹp chẳng khác gì dưới phố. Thôn Lũng Pô xưa kia không có người ở nay đã thành thôn kiểu mẫu với vùng trồng chuối, dứa, xoài, có hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân của người dân đạt 36,1 triệu đồng/năm. Cả xã chỉ còn gần 5,7% hộ nghèo. Học sinh từ bậc mầm non tới THPT đều được tới trường…

Từ A Mú Sung, chúng tôi theo Tỉnh lộ 156 ngược dốc lên Y Tý, xã biên giới xa nhất huyện nằm trên thượng nguồn suối Lũng Pô. Chẳng biết từ bao giờ, người ta vẫn truyền nhau câu nói: “Bao giờ Y Tý có kem/Bát Xát có điện thì em lấy chồng” để nói về sự khó khăn nơi đây. Một người bạn của tôi trước đây là phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai kể lại: Năm 1998, anh có chuyến công tác phải đi bộ hàng chục km theo đồng chí Bùi Quang Vinh (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh) khảo sát mở tuyến đường từ Dền Sáng - Y Tý - Ngải Thầu - A Lù. Đến năm 2000 thì đường thông, xe máy và ô tô U-oát đã lên tới Y Tý. Giờ thì tuyến đường nhựa từ Mường Hum lên Y Tý sắp được nâng cấp và mở rộng. Còn ở Y Tý, đường vào các thôn, bản đều được đổ bê tông. Xa như tuyến đường vào các thôn Sim San, Hồng Ngài gần 20 km cũng đang được đổ bê tông…

Anh Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý thông báo tin vui: Y Tý đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị du lịch và phấn đấu trở thành thị trấn vào năm 2025. Mới đây, thôn Choản Thèn được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch, trên địa bàn xã cũng có 2 dự án du lịch đang triển khai, các tuyến đường huyết mạch kết nối các xã Mường Hum, Trịnh Tường, A Mú Sung, đặc biệt là Khu Du lịch quốc gia Sa Pa với Y Tý cũng đang được cải tạo, nâng cấp, tạo tiền đề để du lịch Y Tý “cất cánh”.

Xây dựng huyện biên giới phát triển

Thực tế cho thấy, không chỉ ở xã A Mú Sung, xã Y Tý, mà bức tranh các xã vùng cao của huyện Bát Xát cũng đổi thay rõ nét sau 30 năm tỉnh được tái lập với gam màu tươi sáng. Khám phá một vòng các xã vùng cao, chúng tôi trở lại trung tâm huyện để có cái nhìn toàn diện về huyện biên giới Bát Xát hôm nay. Anh Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát tặng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Bát Xát còn thơm mùi giấy mới rồi tươi cười bảo: Năm 1991, khi tỉnh Lào Cai được tái lập thì trung tâm huyện Bát Xát vẫn còn ở xã Bản Xèo. Đến năm 1994, huyện xây dựng trung tâm hành chính mới ở xã Bản Qua, nay là thị trấn Bát Xát. Sau cuộc “dời đô” lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện chung sức, đồng lòng vượt qua gian khó, xây dựng thị trấn Bát Xát ngày càng phát triển. Từ vùng đất chỉ có lau sậy và đầy bom mìn sau chiến tranh, thị trấn Bát Xát hôm nay đông vui, nhộn nhịp, nhà cửa san sát hai bên đường, nhiều hàng quán “mọc” lên chẳng khác gì ở thành phố Lào Cai.

Nhìn vào bức tranh tổng thể huyện vùng cao, biên giới Bát Xát hôm nay có thể thấy sự khởi sắc sau 30 năm kể từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định 14%; thu nhập bình quân đạt 39,8 triệu đồng/người/năm, tăng 13,9 triệu đồng so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra. Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45,1% xuống còn 12,5%, bình quân mỗi năm giảm 6,5%. Nhìn vào tổng thu ngân sách của huyện Bát Xát thấy rõ bước phát triển vượt bậc, từ 1 tỷ đồng năm 1991, đến năm 2011 đạt 117 tỷ đồng, năm 2020 đã đạt 330 tỷ đồng, tăng bình quân 14,95%/năm.

Khởi sắc nơi đầu nguồn biên giới ảnh 3
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đem lại thu nhập cao cho người dân.

Vượt lên vô vàn gian khó, huyện Bát Xát đã có 8/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 100% xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; tất cả các thôn, bản đã có đường ô tô và có điện lưới quốc gia; 100% xã phủ sóng điện thoại di động và internet; 100% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa đạt nhiều thành quả quan trọng; an ninh, trật tự được đảm bảo, toàn tuyến biên giới được bảo vệ vững chắc… Đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết của Nhân dân các dân tộc trong huyện.

Tôi đã từng có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong câu chuyện, đồng chí Bình say sưa nói về những kế hoạch, dự định để đưa vùng đất Bát Xát phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa. Đảng bộ huyện Bát Xát đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh với mức thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt 1,2 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.980 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%... Để thực hiện điều đó, Bát Xát lựa chọn 3 lĩnh vực đột phá là phát triển du lịch; quản lý, khai thác tạo nguồn lực từ đất cho đầu tư phát triển; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Tương lai của Bát Xát đang ngày càng rộng mở với nhiều dự án quan trọng phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân các dân tộc, huyện Bát Xát sẽ ghi thêm những dấu son mới trên hành trình phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thư cảm ơn nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Lào Cai

Thư cảm ơn nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Lào Cai

LCĐT - Đồng chí Đăng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai đã gửi Thư cảm ơn về việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1/10/1991 – 1/10/2021).
Vững vàng “phên dậu” biên cương

Vững vàng “phên dậu” biên cương

Đồng hành suốt 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, bộ đội biên phòng tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Giới thiệu địa chỉ sách điện tử “30 năm Lào Cai sáng tạo”

Giới thiệu địa chỉ sách điện tử “30 năm Lào Cai sáng tạo”

LCĐT - Nhân dịp kỷ niệm 30 tái lập tỉnh, nhằm góp phần lan tỏa hình ảnh Lào Cai ''kiên trung, giàu sáng tạo, đang vươn mình hòa nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước và thời đại'' đến với bạn bè trong nước, tỉnh Lào Cai xuất bản sách điện tử “30 năm Lào Cai sáng tạo”.
Tự hào quê hương 30 năm phát triển

Tự hào quê hương 30 năm phát triển

​​​​​​​LCĐT – Lào Cai sau 30 năm tái lập đã thay đổi mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là hiện thân sinh động của quá trình dựng xây không nghỉ của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều có quyền tự hào về sự phát triển của quê hương
fb yt zl tw