Quyết chí khởi nghiệp

LCĐT - Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất biên cương Tả Ngài Chồ (Mường Khương) nghèo khó, anh Thào Seo Lìn cũng như bao người con vùng cao khác, sớm quen với công việc nhà nông. Nhận thấy quê hương mình người dân hầu hết có kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng phương thức sản xuất vẫn còn lạc hậu; tốt nghiệp THPT, anh thi vào Khoa Nông - Lâm - Ngư, trở thành sinh viên của Đại học Hùng Vương.

Anh Thào Seo Lìn và vợ thu hoạch vụ lê đầu tiên.
Anh Thào Seo Lìn và vợ thu hoạch vụ lê đầu tiên.

Ra trường, chàng thanh niên sinh năm 1992 trở thành một trong những đội viên Dự án trí thức trẻ theo Nghị quyết 30a về công tác tại xã Bản Sen (Mường Khương). Thế nhưng nhận thấy công việc tại cơ quan nhà nước không đúng sở trường, trong khi lại xa nhà, đất của gia đình thiếu lao động sản xuất, anh phải ra một quyết định rất khó khăn lúc bấy giờ, đó là từ bỏ công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước. Năm 2018, anh trở về quê hương Tả Ngài Chồ để khởi nghiệp bằng chính lĩnh vực nông nghiệp đầy may rủi.

Diện tích đất sản xuất của gia đình anh Lìn tương đối rộng, thế nhưng nhiều đời nay vốn chỉ trồng ngô, lúa nương, ruộng thì cấy lúa nước để đảm bảo lương thực. Với kỹ thuật canh tác truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ ngô nên hiệu quả kinh tế không cao. Với kiến thức đã học ở nhà trường và kinh nghiệm đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, anh quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp của gia đình. Thay vì mỗi năm sản xuất 1 vụ ngô, 1 vụ lúa hay trồng những cây ngắn ngày như tam giác mạch, các loại đậu, ớt, rau củ, anh mạnh dạn đầu tư trồng lê Tai nung (VH6), quýt và hoa anh đào. Anh Lìn tâm sự: Nhiều đời nay rồi, mảnh đất này chỉ trồng ngô, cấy lúa, đảm bảo đủ ăn chứ không thể vươn lên làm giàu được. Thế nên tôi quyết tâm chuyển đổi sang những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhận thấy điều kiện khí hậu của địa phương phù hợp với cây ăn quả ôn đới, cây quýt, nên tôi đi học tập kinh nghiệm của những vùng trồng khác, ứng dụng vào trồng tại vườn nhà.

So với các loại cây lương thực ngắn ngày, các loại cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao hơn. Trong khi đó, kiến thức học được từ giảng đường đại học chủ yếu là lý thuyết nên để ứng dụng được, anh Lìn thường cùng vợ đến các vườn lê ở Bắc Hà và Si Ma Cai, kết nối, học hỏi từ những chủ vườn nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, với vốn tiếng Trung, anh chịu khó tìm tòi trên các diễn đàn, mạng xã hội, mạng internet từ Trung Quốc để học thêm kỹ thuật canh tác các loại cây ăn quả. “Nông nghiệp tại Trung Quốc phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực cây ăn quả. Tả Ngài Chồ giáp Trung Quốc, điều kiện khí hậu cũng khá tương đồng với các vùng sản xuất của nước bạn. Tiếc rằng vốn tiếng Trung của tôi còn ít nên việc học tập, kết nối hạn chế. Tự mày mò thì tôi cũng tìm hiểu được một số kỹ thuật ứng dụng trên vườn lê của gia đình. Ví dụ như kỹ thuật để cành thấp, chỉ cao từ 1 đến 1,5 mét, tỉa thưa cành, tỉa quả sao cho hợp lý và dễ thu hoạch. Những kỹ thuật này tôi thấy khá phù hợp và hiệu quả”.

Cây lê Tai nung được đưa về Tả Ngài Chồ, bén duyên với mảnh đất này, bắt đầu ra những lứa quả  bói. Anh Lìn gửi vào đó toàn bộ tâm huyết, sự đầu tư, chăm bón với mong muốn cây lê cho trái ngọt. Vườn lê được gia đình cắt tỉa, uốn, vin cành tạo tán theo đúng kỹ thuật, đến khi ra quả thì tỉa thưa, bọc quả để bảo vệ trước sự tấn công của nhiều loại côn trùng. Sau hơn 3 năm chăm sóc, 3 ha lê Tai nung cho thu hoạch lứa đầu tiên. Dù mới là năm đầu tiên cho thu hoạch nhưng năng suất từ mô hình này khá cao, sản lượng lê dự kiến hơn 3 tấn. Do được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nên lê của gia đình anh Lìn quả to, mã đẹp, mọng nước. Dù thị trường tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lê của gia đình vẫn đều đặn nhận các đơn đặt hàng cả trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh cây lê, gia đình anh Lìn cũng mạnh dạn trồng quýt, hoa anh đào. Anh Lìn ấp ủ dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng một số loại cây ăn quả ôn đới như lê, đào, mận trong thời gian tới. Anh cũng mong chính quyền địa phương đầu tư xây dựng thêm điểm dừng chân, nghỉ dưỡng với mong muốn đưa Tả Ngài Chồ thành một điểm đến để trải nghiệm cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Anh Sùng Seo Sà, Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ nhận định: Thào Seo Lìn là thanh niên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tiên phong, góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo nên mô hình kinh tế mới, đó là đầu tư phát triển cây ăn quả ôn đới. Đây cũng là một trong những hướng phát triển kinh tế mà xã khuyến khích nông dân mở rộng. Từ mô hình trồng lê Tai nung của gia đình Thào Seo Lìn, người dân trong xã có nơi để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế trong những năm tới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Chiều 16/4, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Hội nghị chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học; phòng chống đuối nước và tệ nạn xã hội trong trường học với sự tham gia của gần 20 nghìn học sinh (từ lớp 4 đến lớp 12) tại 300 điểm cầu thuộc 73 trường phổ thông trên địa bàn huyện.

fb yt zl tw