Nhà thầu có được bù giá thép tăng?

Hàng loạt nhà thầu lớn đối mặt nguy cơ thiệt hại 'kép': Bị phạt hợp đồng do chậm tiến độ và thua lỗ lớn khi giá thép tăng đến 50 - 60%...

Nhà thầu gói XL11 dự án Mai Sơn - QL45 cho biết, thời điểm bỏ thầu, giá thép khoảng 11.200 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thi công, nhà thầu phải mua với giá thực tế từ 14.500 - 17.500 đồng/kg

Hàng loạt nhà thầu lớn thi công cao tốc Bắc - Nam đang đối mặt nguy cơ thiệt hại “kép”: Bị phạt hợp đồng do chậm tiến độ và thua lỗ lớn nếu tiếp tục triển khai thi công khi giá thép tăng đến 50 - 60% so với thời điểm bỏ thầu.

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Hơn 3 tháng qua, ông Vũ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Định An chạy đôn chạy đáo khắp nơi, gõ cửa các cơ quan chức năng tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thi công gói thầu XL11, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.

“Giá thép đang tăng chóng mặt, nếu không được cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh bù giá trực tiếp, nhà thầu đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn nếu tiếp tục thi công và bị phạt hợp đồng khi không đảm bảo tiến độ”, ông Tuấn Anh than thở.

Theo ông Tuấn Anh, gói thầu XL11 do liên danh nhà thầu: Tập đoàn Cường Thịnh Thi - Tổng công ty 319 - Công ty TNHH Định An đảm nhiệm thi công từ cuối năm 2020.

Trong đó, phần việc của Định An là thi công toàn bộ 6 cầu trên tuyến với nhu cầu sử dụng thép khoảng 3.800 tấn. Thời điểm bỏ thầu, giá thép trên thị trường khoảng 11.200 đồng/kg.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai thi công, giá thép tăng đột biến, nhà thầu phải mua với giá thực tế từ 14.500 - 17.500 đồng/kg.

“Nhà thầu đã mua khoảng 1.600 tấn thép để tổ chức thi công và đã bị lỗ khoảng 5,5 tỷ đồng so với giá bỏ thầu. Phần còn lại đang chuẩn bị mua tiếp 2.200 tấn, dự kiến lỗ khoảng 13,9 tỷ đồng.

Chúng tôi đang chờ cơ quan chức năng xem xét chấp thuận chủ trương cho phép bù giá trực tiếp, lúc đó doanh nghiệp mới dám vay ngân hàng để mua thép phục vụ thi công các hạng mục còn lại”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, trường hợp giá thép không được điều chỉnh theo hướng bù giá trực tiếp, nhiều gói thầu trên cao tốc Bắc - Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nhà thầu càng làm càng lỗ nặng.

Ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cũng đang cảm thấy bất lực trong việc xoay trở giải pháp nhằm giảm thua lỗ do giá thép tăng cao khi thi công tại hai gói thầu XL1, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và XL8, cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo ông Tuyến, giá thép thực tế nhà thầu đang mua tăng so với giá tại thời điểm bỏ thầu khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg. Nhu cầu sử dụng thép ở gói XL1 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 3.600 tấn, nhà thầu dự kiến lỗ khoảng 41 tỷ đồng.

Tại gói thầu XL8, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhà thầu ước tính bù lỗ gần 20 tỷ đồng cho 1.900 tấn thép cần phải mua. Thời điểm này, các gói thầu thi công đều cơ bản đảm bảo tiến độ.

“Giá thép tăng đột biến khiến nhà thầu đứng trước lằn ranh: Tiếp tục mua thép để đẩy nhanh thi công sẽ chịu thua lỗ nặng. Nếu thi công cầm chừng, tiến độ chậm sẽ bị chủ đầu tư xử phạt.

Bây giờ, chúng tôi chỉ trông chờ vào việc cơ quan thẩm quyền sớm có giải pháp phù hợp, cho phép vật liệu thép được bù giá trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia này”, ông Tuyến chia sẻ.

Cần phải nói thêm, hợp đồng các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công là các hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số và được tính cho toàn bộ hợp đồng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp trong điều kiện giá vật tư, vật liệu nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Trong khi giá thép thời gian qua tăng đột biến 50 - 60% so với thời điểm bỏ thầu, nếu áp dụng điều chỉnh giá thép theo hệ số chung với các loại vật liệu khác trong gói thầu: Đất, cát, xi măng, nhựa đường… các nhà thầu thi công hạng mục có kết cấu thép sẽ chịu thiệt hại lớn do hệ số điều chỉnh không theo kịp biến động của giá thép trên thị trường.

Không riêng thép tăng giá

Không chỉ thép, giá một số loại vật liệu cơ bản khác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam cũng đang leo thang, khiến các nhà thầu đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc VINACONEX cho biết, tại gói thầu XL3, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, do biến động giá của các loại vật liệu chính so với thời điểm bỏ thầu, liên danh nhà thầu VINACONEX - Trung Chính ước tính lỗ khoảng 315 tỷ đồng.

Trong đó, vật liệu thép lỗ khoảng 55 tỷ đồng; vật liệu cấp phối đá dăm, cốt liệu đá, cát vàng, xi măng lỗ khoảng 152 tỷ đồng; vật liệu đất đắp nền đường lỗ khoảng 86 tỷ đồng…

“Để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu có đủ dòng tiền quay vòng sản xuất, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận điều chỉnh phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng từ hệ số sang bù trừ trực tiếp đảm bảo sát với giá thực tế của thị trường”, đại diện liên danh nhà thầu kiến nghị.

Đang triển khai thi công hầm Thung Thi và hơn 6km đường tại gói thầu XL12, cao tốc Mai Sơn - QL45, Tập đoàn Đèo Cả cũng gặp nhiều vướng mắc khi giá tăng từ 40 - 60% so với thời điểm bỏ thầu.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hợp đồng dự án quy định được điều chỉnh giá nhưng việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường… gây khó khăn cho các nhà thầu thi công và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo sở xây dựng các tỉnh công bố giá, chỉ số giá theo tháng đảm bảo sát với thực tế thị trường. Đồng thời, xây dựng chỉ số giá riêng cho đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ để có cơ sở thực hiện điều chỉnh giá phù hợp theo đúng quy định.

Đề xuất áp dụng công thức điều chỉnh giá riêng

Giá thép tăng phi mã khiến nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đối mặt nguy cơ bị phạt do chậm tiến độ và thua lỗ nặng nếu tiếp tục triển khai (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45)

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cho rằng, theo quy định nhà thầu phải đảm bảo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng đã ký kết, nếu làm chậm sẽ bị phạt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thép tăng đột biến do các yếu tố khách quan, việc phạt hoặc thay thế nhà thầu chậm tiến độ bằng nhà thầu khác cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, khi nhà thầu khác vào làm, nếu giá thép vẫn cao, nhà thầu cũng sẽ gặp khó khăn như hiện nay.

“Để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức điều chỉnh giá từ chỉ số sang phương pháp bù giá trực tiếp”, vị này chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản vừa gửi đến Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công.

Trong đó, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh và được tính cho toàn bộ hợp đồng.

Tuy nhiên, khi thị trường có biến động lớn, bất thường, nhưng chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của dự án, công trình cụ thể thì việc điều chỉnh giá cho cả hợp đồng cũng khó phản ảnh đầy đủ, chính xác mức độ biến động giá đột biến của thị trường.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, cho phép được điều chỉnh phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng đã kết thúc.

Cụ thể, đối với hạng mục công việc có sử dụng vật liệu thép được áp dụng công thức điều chỉnh giá riêng; các hạng mục còn lại của hợp đồng được áp dụng công thức khác. Đồng thời, thuê tư vấn tính toán lại tỷ trọng các yếu tố chi phí trong các công thức đảm bảo phù hợp giá hợp đồng và dự toán gói thầu được duyệt.

Lý giải về đề xuất trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thời gian qua, vật liệu thép có sự biến động giá bất thường (biến động lớn hơn các loại vật liệu xây dựng khác), việc sử dụng chung một công thức sẽ không phản ánh đúng thực tế biến động của thép do hệ số trượt giá chung bao gồm sự biến động của tất cả yếu tố chi phí của cả hợp đồng.

“Việc tách riêng các hạng mục công việc có sử dụng vật liệu thép để áp dụng riêng một công thức điều chỉnh giá sẽ phản ánh chính xác hơn biến động giá vật liệu, phù hợp hơn với thực tế thi công, nghiệm thu và thanh toán từng đợt. Đồng thời, việc điều chỉnh giá theo phương pháp này cũng phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 07/2016 của Bộ Xây dựng”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Bộ Xây dựng: Sẽ xem xét để bù giá vật liệu cho nhà thầu

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa diễn ra, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, qua theo dõi trong 9 tháng qua, một số vật liệu xây dựng có sự biến động về giá cả. Trong đó, vật liệu cát, đá dao động trong khoảng 3 - 5%, xi măng không biến động nhiều, nhựa đường lúc lên lúc xuống, riêng cốt thép biến động lớn nhất, giá tăng khoảng 50%.

“Trong hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức đầu tư công, cơ bản là các hợp đồng điều chỉnh giá. Do vậy, các nhà thầu cứ yên tâm là sẽ được điều chỉnh giá”, ông Hùng nói và cho biết, để việc điều chỉnh giá kịp thời, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các sở xây dựng trên cả nước công bố giá hàng tháng thay vì hàng quý như trước đây.

Đến nay, theo thống kê đã có 40/63 sở xây dựng các tỉnh, thành tiến hành công bố giá hàng tháng. Riêng các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An mới có thông báo giá đến tháng 3/2021.

Theo Thông tư 07/2016 của Bộ Xây dựng có 2 phương thức điều chỉnh giá, gồm: Điều chỉnh giá bằng phương pháp bù trừ trực tiếp và điều chỉnh giá bằng hệ số.

“Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị được áp dụng công thức điều chỉnh giá riêng cho vật liệu thép, chúng tôi sẽ sớm có văn bản trả lời và hướng dẫn về việc này”, ông Hùng nói.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Đề xuất để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán tối đa được Bộ Công thương lý giải nhằm đưa ngành này dần tiếp cập cơ chế thị trường. Tuy nhiên khi thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đúng nghĩa thì liệu việc giao quyết định giá bán cho doanh nghiệp đã hợp lý?

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Sáng nay (2/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng mạnh theo đà tăng của thế giới. Theo đó, vàng miếng hơn 81 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn hơn 71 triệu đồng/lượng.

fb yt zl tw