Chúng ta muốn gì ở trẻ

LCĐT - Trẻ em là tương lai của dân tộc, là thế hệ kế tiếp phát huy truyền thống của cha ông. Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, cha mẹ, ông bà mong muốn con cháu khôn lớn, nối nghiệp tổ tiên. Nhưng thế nào là khôn lớn? Thế hệ tương lai cần có những năng lực, phẩm chất gì? Làm sao để có những năng lực, phẩm chất ấy? Chúng ta mong muốn những gì ở trẻ?

Chúng ta mong trẻ cao lớn, khỏe mạnh. Cho ăn no, ăn ngon không khó nữa, nhưng ăn gì cho đủ chất, từ dưỡng chất đến chất vi lượng? Vẫn thói quen nội trợ định sẵn, trong khi các cháu tự bổ sung những “bim bim”, “xúc xích”, những bánh kẹo, những thức uống, những thức ăn chế biến sẵn có chất bảo quản và sự tiếp tay của bố mẹ, ông bà thì thật quá phong phú. Ăn sạch, chả dễ dàng gì. Nhìn những bé thiếu dinh dưỡng đã ái ngại. Xem những thông tin về trẻ bị ung thư thì thật thương tâm và lo lắng. Lại còn lo sao trẻ không béo phì nữa!

Chúng ta muốn trẻ nhanh nhẹn và có sức bền. Thế thì trẻ phải được rèn luyện, vui chơi. Chơi ở trường, chơi ở nhà và chơi nơi công cộng. Có chỗ chơi không? Có được chơi không? Chơi lúc nào? Chơi ở đâu? Giá như chúng ta nhắc nhở, đôn đốc và tạo điều kiện nhiều hơn cho trẻ được chơi như lo chuyện học thì thật tốt! Đúng là còn nhiều điều băn khoăn.

Tuy nhiên, chiều cao cầu thủ Đội tuyển Việt Nam đã khá lên, đá đến cuối hiệp hai còn sung sức. Học sinh các cấp đã có nhiều cháu cao lớn. Lớp 11, 12, nhiều cháu cao mét bảy, mét tám. Ấy là tín hiệu vui cho chiều hướng cao lớn của thế hệ tương lai. Tín hiệu ấy cho chúng ta niềm lạc quan rằng: Các cháu đang cao lớn, nhanh nhẹn và tăng sức bền.

Chúng ta mong muốn cụ thể gì về năng lực, phẩm chất ở trẻ? Điều mong muốn dường như đã in sâu trong tâm niệm, rằng: Mong muốn các em chăm ngoan, học giỏi. Mong muốn thế không sai nhưng nghe đã cũ mòn. Từ xa xưa đã mong muốn như thế. Học giỏi là đạt điểm cao, chín mười. Chăm chỉ là miệt mài, cần cù, là học bài làm bài đầy đủ. Ngoan là lễ phép, biết chào hỏi, biết vâng lời người trên. Lớp học thủa không xa, tường vách phía trên, bên này dán hai chữ “kỷ luật”, bên kia hai chữ “trật tự”. Cái tiêu chí vâng lời và kỷ luật, trật tự là bao trùm, là thứ nhất. Tiêu chí này không sai, nhưng bó hẹp quá, mà bó hẹp với trẻ là kìm hãm phát triển, thì trái với quy luật. Chỉ mong muốn vâng lời sẽ biến trẻ thành mẫu người phục tùng, máy móc, không biết sáng tạo. Răm rắp trật tự, kỷ luật sẽ kìm hãm tính hồn nhiên, hiếu động, hoạt bát của trẻ em. Để trật tự, kỷ luật thì thầy cô phải quát, phải phạt. Học trò ồn ào bất kể lý do gì sẽ nghe tiếng dập thước lập lại trật tự. Ở nhà, muốn con cái vâng lời thì phải dùng mệnh lệnh, quát mắng và đòn roi. Mục tiêu ngoan ngoãn vâng lời với phương thức mệnh lệnh và trừng phạt là dễ nhất, nhưng hiệu quả thấp nhất, đâu dễ bắt trẻ vâng lời. Trẻ luôn hồn nhiên, hiếu động, tinh nhạy và ưa khám phá, dễ gì chấp nhận mệnh lệnh! Đứa trẻ chỉ biết vâng lời thì chả thành giỏi giang, có chăng sẽ thành người đầu sai, bảo sao làm vậy!

Thế nên, phải vượt qua mong muốn ngoan ngoãn với nội dung hạn hẹp cũ kỹ để mong muốn trẻ biết yêu thương, giỏi giang, năng động, hoạt bát, tự giác và tự tin. Tình yêu thương của cha mẹ, ông bà, của thầy cô và của mọi người lan tỏa đến trẻ sẽ nảy nở và nhân lên tình yêu thương ở trẻ em.

Được hướng dẫn, khuyến khích làm việc, trẻ sẽ hưng phấn, hoạt bát. Được khen khi có thành quả sẽ tạo niềm tin để tự tin làm tiếp. Khi đã biết yêu thương, đã năng động, hoạt bát, tự tin, trẻ không những biết vâng theo lẽ phải mà còn biết nhận thức, biết phân biệt đúng sai, dám bày tỏ ý kiến, dám tranh luận và biết tranh luận để tìm ra lẽ phải. Đừng khó chịu khi trẻ nêu ý kiến khác mình. Hãy lắng nghe, đúng thì khuyến khích, chưa đúng cũng đừng vội dội nước lạnh. Khi đó, chúng ta sẽ thấy trẻ lớn hẳn lên.

Chúng ta mong muốn đem lại hạnh phúc cho trẻ. Chính những điều mong muốn nói trên là hạnh phúc lớn lao nhất, tươi đẹp nhất mà trẻ em cần được hưởng và có quyền được hưởng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw