Những “Bóng hồng” trên lưng ngựa

LCĐT- Ngày thường, những người phụ nữ ấy là nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương với công việc đồng ruộng, thế nhưng trong ngày hội lớn, họ trở thành những vận động viên đua ngựa nổi bật trên đường đua. Cùng với các nam vận động viên, sự xuất hiện của những “bóng hồng” trên lưng ngựa được ví như một làn gió mới, đóng góp vào thành công của Giải đua ngựa truyền thống trên mảnh đất “cao nguyên trắng”.

Hoàng Thị Tuyệt là nữ kỵ sỹ đầu tiên ở Bắc Hà.

Nữ kỵ mã đầu tiên ở Bắc Hà

Khi hoa mận bắt đầu bung nở trắng xóa cũng là lúc báo hiệu năm cũ sắp qua, chúng tôi ngược núi để tìm gặp Hoàng Thị Tuyệt (sinh năm 1991) ở thôn Na Kim, xã Tà Chải. Chị Tuyệt là nữ kỵ mã đầu tiên tham gia Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà năm 2020. Chính điều này đã khiến khán giả có mặt trên sân phải trầm trồ, “ngả mũ” thán phục, để rồi cổ vũ cuồng nhiệt cho nữ kỵ mã.

Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Xín Mần (Hà Giang), năm 2009, Hoàng Thị Tuyệt nên duyên với anh Hoàng Văn Du. Rồi chị theo chồng về làm dâu và sinh sống tại Bắc Hà. Chính khoảng thời gian này đã giúp chị Tuyệt làm quen với những chú ngựa của gia đình. Khi nghe tin Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà cho phép vận động viên nữ tham gia, Hoàng Thị Tuyệt không chút do dự mà đăng ký ngay. Đến bây giờ, Hoàng Thị Tuyệt vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp, xen lẫn lo lắng khi lần đầu tiên ngồi trên lưng ngựa. Vì không có yên, nên rất khó ngồi vững, chị Tuyệt đã phải kìm chặt hai chân vào thân ngựa, 2 tay bám chặt lấy bờm ngựa để giữ thăng bằng. Những bước phi ngựa đầu tiên cũng là lúc chị Tuyệt nhận ra: Phụ nữ cũng có thể đua ngựa! “Mình đăng ký tham gia đua ngựa vì muốn thể hiện bản thân và khẳng định giá trị của phụ nữ trong cuộc sống. Qua đây, mình cũng muốn gửi lời chia sẻ đến chị em, nếu có cơ hội và sức khỏe, hãy mạnh dạn tham gia”, Hoàng Thị Tuyệt tâm sự.

Vì không có nhiều thời gian tập luyện nên chị Tuyệt chỉ tập 3 buổi trước khi giải đua ngựa diễn ra, mỗi buổi tập cũng chỉ kéo dài khoảng 20 - 30 phút. Huấn luyện viên của chị không ai khác, chính là anh Hoàng Văn Du - chồng chị. Anh Du bộc bạch: Từ khi có giải đua ngựa Bắc Hà, năm nào mình cũng tham gia, nên đã có kinh nghiệm xử lý tình huống trên đường đua. Phụ nữ cưỡi ngựa bình thường đã khó, mà cưỡi ngựa đua còn khó và nguy hiểm hơn. Mặc dù lo lắng, nhưng thấy vợ quyết tâm nên mình ủng hộ để vợ tham gia!

Ước mơ chinh phục lưng ngựa

Tiếng vó ngựa gõ nhịp, tiếng lục lạc len trong gió bắt đầu gần hơn, từ phía bên kia đồi, chị Tải Thị Lan đang cùng chồng dắt ngựa, thồ hàng xuống núi. Vào ngày hội, vẫn đôi ngựa đó lại trở thành chiến mã cùng mang giải thưởng lớn về cho vợ chồng.

Các nữ kỵ sỹ trên đường đua.

Chị Lan thổ lộ, từ khi còn nhỏ, gia đình đã nuôi ngựa để thồ hàng, làm sức kéo, thi thoảng chị cưỡi lên lưng ngựa cùng bố mẹ xuống núi. Sau khi lập gia đình, chị cùng chồng nuôi ngựa để thồ hàng cho khách. Năm 2016, chồng chị là anh Vàng Văn Giang bắt đầu tham gia đua ngựa. Anh Giang nhiều lần thi đấu đạt thành tích cao, đặc biệt anh là nhà vô địch Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà năm 2020. Đi theo chồng mấy cuộc đua, chị dần có niềm đam mê với môn thể thao mạo hiểm này. Nhiều lần nhìn chồng và các vận động viên chân trần, ngồi ngựa không cần yên, ngựa tung vó về đích tại các cuộc thi, chị khát khao được một lần ngồi trên lưng ngựa, trải nghiệm cảm giác thi đấu.

Ngay khi biết các nữ kỵ sỹ có cơ hội tham gia thi đấu, chị Lan hăng hái đăng ký. Mặc dù công việc gia đình bận rộn, gần đến ngày đua chị mới có thời gian luyện tập. Thế nhưng, may mắn hơn nhiều chị em khác, chị có chồng hướng dẫn. Buổi sáng, vợ chồng dắt ngựa ra sân tập rồi lại cùng dắt ngựa đi thồ hàng cho khách. Dù đã nhiều lần ngồi trên lưng ngựa, nhưng ngồi ngựa không yên với chị không hề dễ dàng. Ngựa di chuyển nhanh là chị lại không ngồi vững và ngã xuống sân. Ngày thi đấu, chị Lan tự tin khi có cả gia đình ngồi trên khán đài hò reo, cổ vũ. Ngựa bắt đầu phi nhanh, chị ngã nhoài trên đường đua, không bị khuất phục, chị tiếp tục leo lên lưng, thúc ngựa chạy. Trải qua các vòng đấu cam go, cuối cùng chị cán đích ở vị trí thứ ba. Chị Lan chia sẻ: Điều quan trọng không phải là về vị trí thứ mấy mà niềm vui lớn nhất là cuối cùng tôi được toại nguyện mong muốn ngồi trên lưng ngựa, tham gia thi đấu như các vận động viên nam. Những giải đấu tiếp theo, nếu có cơ hội, nhất định tôi sẽ là một trong số những cái tên trong danh sách đó.

 “Thủ lĩnh” của các nữ kỵ mã

Đối với chị Vàng Thị Thư, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Hối thì ngoài đam mê, việc tham gia giải đua ngựa còn là vai trò, trọng trách của một thủ lĩnh.

Niềm vui đứng trên bục chiến thắng của các nữ kỵ sỹ.

Từ bé, chị Thư đã được bố đặt lên lưng ngựa, đưa đi làm nương. Nhớ lại ký ức của những ngày gắn liền với lưng ngựa, chị bồi hồi: Năm 2003, khi đó mình mới học hết lớp 9, nhưng do các trường học còn thiếu giáo viên, mình được phân công nhiệm vụ lên thôn Sản Chư Ván (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà) dạy mầm non. Trường cách nhà 20 km, trời chưa kịp sáng, mình cùng bố đã thồ đồ dùng, cả người trèo lên lưng ngựa để sang trường học, hai bố con đi suốt cả ngày đường mới tới nơi. Trong 2 năm dạy học, mỗi lần muốn về thăm nhà, bố lại dắt ngựa lên trường đón con. Nhưng không may, bố mất, mình nghỉ dạy, về nhà giúp mẹ làm nương để chị gái và em trai đi học tiếp. Từ đó, mình trở thành trụ cột trong gia đình, hằng ngày dắt ngựa thồ hàng xuống chợ.

Năm 2018, chị mạnh dạn cưỡi ngựa diễu hành, ngựa đi rất nhẹ nhàng trên sân. Thời điểm đó, chị mong địa phương sẽ tổ chức một giải đua dành cho phụ nữ, để chị em có cơ hội thử sức và mang đến những điều mới lạ cho giải đua ngựa truyền thống của địa phương. “Cầu được ước thấy”, tháng 11/2020, giải đua ngựa truyền thống xã Na Hối mở rộng có cơ hội cho nữ kỵ sỹ tham gia. Ban đầu chị đăng ký vì muốn thúc đẩy phong trào thể thao, thế nhưng, trải qua mấy ngày tập luyện, chị đã thực sự yêu thích môn thể thao mạo hiểm này.

Chị Thư không lạ lẫm với lưng ngựa, nhưng để thuần được chú ngựa quả không đơn giản. Mỗi ngày chị tập với một chú ngựa để theo dõi xem con ngựa nào phù hợp với mình nhất. Trong vòng 1 tháng, chị đã tập và làm quen với gần chục con ngựa. Đến gần ngày thi, chú ngựa mà chị ưng ý nhất không may có vấn đề, do đó chị quyết định đổi ngựa dù mới chỉ được làm quen với ngựa khoảng 2 vòng tập thử. Đó là chú ngựa có tốc độ chạy cao, phù hợp với vận động viên nam. Không ngờ được rằng, trải qua các vòng thi cam go, cuối cùng chị về đích ở vị trí thứ hai.

Tham gia giải đấu, chị Thư không nhận được sự đồng tình của mẹ và chồng vì lo phụ nữ chân yếu tay mềm. Chị giấu gia đình đi tập, đến ngày thi, chị cũng không ngờ cả gia đình đều đến cổ vũ. Chị Thư chia sẻ thêm: Tôi chỉ mong muốn thúc đẩy các phong trào của phụ nữ ở vùng cao. Tôi tin chắc rằng nếu được tuyên truyền mạnh hơn, sẽ có nhiều chị em đăng ký tham gia giải đua ngựa, tạo thành phong trào phát triển sâu rộng tại địa phương, đem đến hình ảnh mới cho du lịch “cao nguyên trắng”.

Giờ đây, nhắc đến đua ngựa Bắc Hà, du khách không chỉ nghĩ đến các nam kỵ mã, mà còn có các “bóng hồng” trên đường đua. Chúng tôi chia tay những nữ kỵ mã khi sương trắng phủ kín các cung đường, bắt đầu cảm nhận được mùa xuân đang tràn vào những ngõ nhà, mùa thu hút hàng nghìn du khách ngược núi lên cao nguyên ngắm đào hồng, mận trắng và có lẽ ngắm cả những “bóng hồng” trên lưng ngựa. 

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

VAR được áp dụng tại Vòng chung kết U23 châu Á 2024

VAR được áp dụng tại Vòng chung kết U23 châu Á 2024

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã có buổi họp với các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam để phổ biến những quy định chung dành cho các đội tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024. Những nội dung quan trọng trong Luật thi đấu cũng được đề cập đến, trong đó có việc áp dụng công nghệ VAR tại tất cả các trận đấu của giải.

Thử thách mang tên “vượt qua giới hạn”

Thử thách mang tên “vượt qua giới hạn”

“Cố lên… chút nữa thôi… Tiếp tục hay bỏ cuộc!”… là những câu nói hiện lên trong đầu tôi suốt 4 giờ đồng hồ chinh phục cự ly 42 km đầu tiên trong đời tại giải Marathon Đền Hùng Spirituality 2024 vừa diễn ra tại tỉnh Phú Thọ. Với những ai yêu thích chạy bộ, lần đầu tiên hoàn thành cự ly Full Marathon luôn là dấu mốc đặc biệt và đáng nhớ nhất trên hành trình chinh phục những cung đường. 

VBA và nỗ lực phát triển bóng rổ cộng đồng

VBA và nỗ lực phát triển bóng rổ cộng đồng

Song hành theo định hướng nhiệm vụ thể thao Việt Nam năm 2024 của Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt: "Luôn coi trọng việc xây dựng nền móng, từ thể thao quần chúng đến thể thao trường học để lựa chọn được những tài năng thể thao làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp", phát triển bóng rổ cộng đồng càng là nội dung Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) mong muốn đẩy mạnh năm nay.

Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024

Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024

Đặt mục tiêu phấn đấu giành từ 12 - 15 suất dự Olympic Paris 2024 nhưng đến thời điểm này, thể thao Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được 50% chỉ tiêu và vẫn đang trong hành trình tìm kiếm thêm suất chính thức trong bối cảnh phía trước còn khá nhiều khó khăn.

U23 Việt Nam và chiến dịch "trục vớt" niềm tin

U23 Việt Nam và chiến dịch "trục vớt" niềm tin

Đội tuyển U23 Việt Nam đã có mặt ở Doha, Qatar, chính thức bước vào hành trình VCK U23 châu Á 2024. Hơn cả một giải đấu, đây còn là “chiến dịch khôi phục lại niềm tin” cũng như tình yêu của người hâm mộ bóng đá Việt.

fb yt zl tw