Một số kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho tam nông giai đoạn 2006-2011
1. Huy động vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được nâng lên
Giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ , bao gồm:
- Đầu tư cho phát triển sản xuất các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 153.548 tỷ đồng, bằng 35,48% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (trong đó: từ nguồn ngân sách nhà nước gần 106.000 tỷ đồng, chiếm 69% và vốn trái phiếu Chính phủ là 47.548 tỷ đồng, chiếm 31%).
- Đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở nông thôn là 279.240 tỷ đồng, bằng 64,52% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (trong đó: từ nguồn ngân sách nhà nước là 208.459 tỷ đồng, chiếm 74,65% và vốn trái phiếu Chính phủ là 70.781 tỷ đồng, chiếm 25,35%).
Ngoài ra, trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị Hiệp định về ODA đã được ký kết hơn 26,897 tỷ USD, chiếm trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, giảm nghèo là 3,833 tỷ USD.
Dư nợ cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng bình quân 24%/năm. Tính đến 31/12/2011, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các TCTD đạt 499.056 tỷ đồng, tăng 30,64% so với 31/12/2010 và gấp hơn 3 lần so với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại thời điểm 31/12/2006. Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đến ngày 31/12/2011 là 103.731 tỷ đồng, tăng 15,95% so với cuối năm 2010 và tăng gấp 4,3 lần so với dư nợ cuối năm 2006.
Ngoài ra, nhiều địa phương đã có các giải pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu, đường, trường học, nhà ở… nhờ đó đã huy động thêm được nguồn lực vào quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
2. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng tác động tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn
Đến nay, tổng năng lực tưới thiết kế của hệ thống thuỷ lợi khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác . Các công trình thuỷ lợi còn đáp ứng mục tiêu ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, duy trì cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên 5,650 tỷ m3/năm. Hệ thống đê biển, đê sông cũng được quan tâm đầu tư củng cố, nâng cấp; đã đầu tư những đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ các khu dân cư tập trung, những khu vực kinh tế quan trọng ; góp phần nâng cao phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.
Hạ tầng giao thông nông thôn đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được kết quả rất quan trọng, đã có mạng lưới giao thông với các phương thức vận tải được phân bổ tương đối hợp lý trên khắp mọi miền đất nước, tạo ra sự liên hoàn từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn bản. Đến năm 2011 cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, chiếm 98,6% tổng số xã. Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy, phát triển sản xuất, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, trao đổi hàng hoá, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.
Lưới điện trung và hạ áp tại các địa bàn nông thôn đã được mở rộng mạng lưới cung cấp điện tới các xã, huyện thuộc các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2011 đã có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện.
Hệ thống chợ nông thôn đã từng bước được quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán của người dân. Tính đến cuối năm 2011, tổng số chợ cả nước là 8.729 chợ , trong đó chợ nông thôn chiếm khoảng 78% (6.808 chợ). Trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, thôn, sân vận động, công viên, nhà ở nông thôn,... đã từng bước được xây dựng khang trang, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Về hệ thống y tế ở nông thôn cũng được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011 có 40% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (theo chuẩn mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2020). Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nông thôn tốt hơn, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được chú ý và mở rộng đến cấp thôn, có 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn (năm 2006 có 89,2%). Hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân đã hình thành, góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đến nay, cả nước có 33,2% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn và 68,5% xã có cơ sở kinh doanh thuốc tây y.
Hệ thống trường lớp học ngày càng phát triển, đến năm 2011 có 9.029 xã (99,5%) có trường tiểu học (năm 2006: 99,3%). Cùng với sự phát triển của hệ thống trường tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo phát triển, mở rộng đến cấp thôn, đến nay có 45,5% số thôn có lớp mẫu giáo; 15,6% số thôn có nhà trẻ.
Về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: tính đến năm 2011, cả nước có 45,5% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tăng 9% so với năm 2006; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nước hợp vệ sinh để dùng đạt 78%. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện với 18,3% số xã có xây hệ thống thoát nước thải chung (năm 2006 có 12,2%), 8,4% số thôn có hệ thống thoát nước thải chung và 43,5% số xã có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải (năm 2006 có 28,4%), 22,4% số thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải.
Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao và truyền thông nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đến năm 2011 đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn (năm 2006 là 75,4%); 38,7% số xã có nhà văn hoá xã (năm 2006 là: 30,6%); 48% xã có sân thể thao. Bên cạnh việc xây dựng các nhà văn hoá, hệ thống nhà văn hoá thôn, khu thể thao thôn đã hình thành và phát triển nhanh. Đến năm 2011 có 61,7% số thôn có nhà văn hoá, 21,9% số thôn có khu thể thao.
Việc phát triển nghề và làng nghề thời gian qua góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hiện cả nước có tổng số 4.575 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.324 làng nghề được công nhận .
3. Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống trên địa bàn nông thôn
Đến nay có 4.208 cơ sở sản xuất giống đáp ứng nhu cầu , trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,… được dùng giống mới. Đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt của người nông dân, có những mô hình mang lại hiệu quả cao, gần đây xuất hiện mô hình ”cánh đồng mẫu lớn” ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống của trung ương và địa phương được quan tâm đầu tư. Đầu tư công cho lâm nghiệp chủ yếu tập trung qua Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đã đạt những kết quả quan trọng, vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vừa cải thiện môi trường sinh thái; tạo công ăn việc làm và thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương nhất là người dân ở vùng cao.
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, góp phần nâng cao giá trị sản lượng, giá trị xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người dân vùng nông thôn ven biển, ven sông. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2011 khoảng 1,1 triệu ha, sản lượng thủy sản đạt khoảng 2,9 triệu tấn, tốc
độ tăng trưởng bình quân tăng 12,9%/năm.
Sản xuất lương thực đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong 5 năm 2006-2010, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5,1%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành 3,3% vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm Quốc hội đề ra. Năm 2011, trong khi nền kinh tế nước ta gặp khó khăn và diễn biến thị trường thế giới có nhiều phức tạp, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 28% so với năm 2010, đã góp phần giảm nhập siêu, nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Đến năm 2011, thu nhập và mức sống của người dân nông thôn đã được nâng lên một bước .
4. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội từng bước được đảm bảo; an ninh chính trị vùng nông thôn được giữ vững
Kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2011 đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 9,45%, giảm 12% so với 2006. Đến nay, đã đảm bảo được việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho gần 14 triệu người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cho 7,9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; đã bố trí ngân sách để hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên mua thẻ bảo hiểm y tế.
Sau hơn hai năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 798.240 người theo chính sách của Đề án, trong đó: 46% học các nghề nông nghiệp và 54% học các nghề phi nông nghiệp; có 32,6% là đối tượng 1 , 10,6% là đối tượng 2 , còn lại là đối tượng lao động nông thôn khác; 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ việc làm sau khi được đào tạo nghề đạt trên 70%.
5. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong giảm nghèo, phát triển bền vững
Giai đoạn 2006-2011, Chính phủ đã lựa chọn những vấn đề bức xúc, cấp bách nhất của từng ngành, lĩnh vực để giải quyết theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong 5 năm đã có 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân 7-8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt 103,3% kế hoạch; triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với 3 triệu lượt người nghèo; 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, đạt 88% so với kế hoạch; 150 ngàn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, đạt 100% kế hoạch, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhân rộng ở 218 xã thuộc 35 tỉnh, tổng số hộ tham gia mô hình là 27.566 hộ, trong đó 77% là hộ nghèo (21.329 hộ).
Chương trình xây dựng nông thôn mới sau hơn 1 năm triển khai đã đạt được kết quả tích cực. Nhận thức về nông thôn mới đã có chuyển biến, nhiều địa phương đã tạo ra được phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua giám sát cho thấy, đến nay cả 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí. Đã có một số ít xã đạt 19 tiêu chí; 1,2% số xã đạt 15 đến 18 tiêu chí; 3,3% số xã đạt từ 11 đến 14 tiêu chí; 13% số xã đạt từ 7 đến 10 tiêu chí; 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí (trong đó có 28,2% xã đạt dưới 3 tiêu chí). Đến hết năm 2011 có khoảng 52% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2.820 xã (chiếm 31%) đã được phê duyệt.
6. Đầu tư cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Thời gian qua, phương thức hoạt động của các hợp tác xã bước đầu được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Việc thực hiện chính sách đầu tư công đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động của hợp tác xã, một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho xã viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động . Trong tổng số 14.233 hợp tác xã đang hoạt động có 6.372 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 44,7%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với 3.155 hợp tác xã, chiếm gần 50% số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước; 59 hợp tác xã lâm nghiệp; 200 hợp tác xã thuỷ sản. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã thể hiện được vai trò trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cung ứng vật tư, dịch vụ thủy lợi, tiêu thụ sản phẩm, việc làm.
|