Tập trung trí tuệ, vì sự nghiệp phát triển tỉnh Lào Cai giàu mạnh, đất nước phồn vinh

LCĐT - Sáng 15/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tiến hành nội dung thảo luận tại hội trường, đại biểu đại diện cho các chi, đảng bộ, lãnh đạo các ngành, đơn vị của tỉnh đã tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện của Trung ương, dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khóa XV, dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh. Nội dung các tham tham luận của đại biểu tập trung vào công  xây dựng Đảng, xây dựng thể chế, chế độ, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp phát triển tỉnh Lào Cai ngày càng giàu, mạnh, sự nghiệp phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh. 

* Trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân

Đồng chí Trần Minh Sáng thảo luận tại Đại hội.
Đồng chí Trần Minh Sáng thảo luận tại Đại hội.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng có nhiều ý kiến vào dự thảo các Văn kiện của Trung ương trình Đại hội 13 của Đảng. Đây là những ý kiến tâm huyết của Đảng bộ huyện Bảo Thắng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, với mong muốn tạo ra những bước phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai.

Huyện ủy Bảo Thắng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại mục II: Tầm nhìn và định hướng phát triển, tiểu mục 2 – Quan điểm chỉ đạo, tại trang 27, dòng 13 từ dưới lên đề nghị bổ sung thêm cụ từ “bảo vệ môi trường”, để thành “gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội – bảo vệ môi trường là trung tâm…”. Vì hiện nay, bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế xã hội có mối quan hệ mật thiết.

Tại tiểu mục 3 - Mục tiêu phát triển, Huyện ủy Bảo Thắng đề nghị chọn mục tiêu: Đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo chiều hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Vì đây là mục tiêu phù hợp với tình hình hiện tại và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Mặt khác phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại mục XV – Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội, Tiểu mục 2, các đột phá chiến lược (trang 71), Huyện ủy Bảo Thắng đề nghị bổ sung thêm đột phá chiến lược “Đột phá công tác cán bộ, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ”. Bởi cán bộ luôn là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều từ cán bộ.

Đối với dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030, Huyện ủy Bảo Thắng đề nghị, trong  mục II về hạn chế, yếu kém, Tiểu mục 5 đề nghị thêm cụm từ “quản lý xây dựng còn để xảy ra nhiều sai phạm” sửa thành “Quản lý phát triển đô thị còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch đô thị thấp, thiếu bản sắc, kiến trúc riêng, thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, quản lý xây dựng còn để xảy ra nhiều sai phạm”. Tại phần Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030, Huyện ủy Bảo Thắng đề nghị chọn mục tiêu “Đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao” sẽ phù  hợp với mục tiêu tổng quát, bảo đảm tính khái quát, khả thi, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Bên cạnh việc đề nghị bổ sung, thay đổi một số cụm từ trong các dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Huyện ủy Bảo Thắng còn đề xuất lựa chọn một số phương án liên quan đến phương hướng phát triển đất nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025…

* Phát triển dịch vụ, kinh tế cửa khẩu tạo đột phá trong phát triển kinh tế

Đồng chí Đỗ Trường Giang tham luận tại Đại hội.
Đồng chí Đỗ Trường Giang tham luận tại Đại hội.

Lào Cai có tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu với vai trò là “cầu nối” thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh, thành trong cả nước sang thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng là tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tiện lợi hóa thông quan tại cửa khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác. Vậy nên, hoạt động xuất, nhập khẩu đã đạt được những kết quả tích cực, giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng cao, bình quân tăng 16,49%/năm.

Lĩnh vực dịch vụ tăng từ 40% lên 43% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dịch vụ logistics đã thu hút 200 doanh nghiệp, hình thành trên 20 kho bãi hàng hóa, đã có kho lạnh bảo quản hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 bình quân hàng năm đạt trên 11 triệu tấn.

Để phát triển kinh tế cửa khẩu và dịch vụ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn tới cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể. Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, đề xuất đầu tư giai đoạn 2 đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai với quy mô 4 làn xe toàn tuyến để đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; triển khai xây dựng đường sắt khổ lồng (khổ 1.000 mm và khổ 1.435 mm) từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), đề xuất phương án đầu tư đoạn đường sắt đấu nối từ ga Phố Lu đến Khu công nghiệp Tằng Loỏng; làm việc với các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế và các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ các nút thắt trong vận tải, đặc biệt việc kết nối đường sắt giữa cảng Lạch Huyện và cảng Chùa Vẽ của thành phố Hải Phòng và kết nối đường sắt với cảng thủy nội địa của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, góp phần phát huy lợi thế của vận tải bằng đường sắt; đẩy nhanh tiến độ đầu tư Sân bay Sa Pa.

Đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư cầu biên giới tại khu vực Bản Vược và cơ sở hạ tầng tại khu vực này; khu logistics hạng 2 quy mô 50 – 70 ha hoàn chỉnh để giải phóng năng lực xuất, nhập khẩu góp phần giảm tải cho Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành...

Phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu, tiện lợi hóa thông quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp kiểm tra chung, đề xuất với các cơ quan trung ương thực hiện rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành. Triển khai các biện pháp lành mạnh môi trường kinh doanh tại cửa khẩu, góp phần giảm thời gian và chi phí thông quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Song hành, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xuất khẩu và dịch vụ xuất, nhập khẩu; phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực ngoại thương, hàng hải, giao thông vận tải, công nghệ thông tin... để đào tạo lực lượng nhân sự cho phát triển; mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại; xã hội hóa công tác đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động tại doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật có trình độ tay nghề cao.

Xây dựng cơ chế quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng kết cấu Khu Kinh tế cửa khẩu; tiếp tục đề xuất cho phép tỉnh Lào Cai được thực hiện xây dựng Khu Kinh tế đặc thù hợp tác qua biên giới; đề xuất xây dựng chính sách thương mại điện tử xuyên biên giới; hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa của thương mại điện tử xuyên biên giới...

* Nâng cao chất lượng xét xử gắn với cải cách hành chính tư pháp

Tập trung trí tuệ, vì sự nghiệp phát triển tỉnh Lào Cai giàu mạnh, đất nước phồn vinh ảnh 3
Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh tham luận tại Đại hội.

Trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được xác định, đó là nâng cao chất lượng xét xử, chú trọng tốt việc tranh tụng tại phiên tòa; xét xử nghiêm minh; triển khai thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp nhằm bảo đảm phán quyết của Tòa án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đảm bảo quyền con người, quyền công dân, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng đội ngũ công chức toà án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai trong sạch, vững mạnh; thực hiện cải cách hành chính tư pháp từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để triển khai thắng lợi các nghị quyết của Đảng về công tác tư pháp và công tác cải cách tư pháp, góp phần ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhiều giải pháp trọng tâm được Toà án nhân dân tỉnh đề ra. Đó là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%, bảo đảm các phán quyết của Toà án đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa. Tích cực tham mưu về các chủ trương, biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng, các vụ án lớn mà dư luận và xã hội quan tâm, các vụ án liên quan đến dịch bệnh Covid-19; tăng cường xét xử lưu động. Tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Triển khai và thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến theo tinh thần cải cách tư pháp; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư và trợ giúp viên pháp lý tham gia trong các giai đoạn tố tụng.

Tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức và thẩm phán theo vị trí việc làm. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn thẩm phán và điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, thẩm phán. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu (nếu có).

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án bảo đảm hiệu lực, hiệu quả để giải quyết nhanh chóng các công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc tại Tòa án; góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai; công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

* Nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ

Đồng chí Mai Đình Định tham luận tại Đại hội.
Đồng chí Mai Đình Định tham luận tại Đại hội.

Trọng tâm công tác chính trị, tư tưởng trong giai đoạn hiện nay của Đảng bộ tỉnh là cần giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng. Trong đó, có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu công tác chính trị tư tưởng đủ bản lĩnh, năng lực, tâm huyết với ngành; chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền; nắm bắt dư luận xã hội và phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó coi trọng yếu tố cán bộ, đổi mới khâu tuyển dụng, lựa chọn cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng của cấp ủy đảng, lựa chọn được những cán bộ tâm huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng; đạo đức lối sống trong sáng; nắm vững chủ trương; am tường cơ sở; nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, khoa học, đổi mới, sáng tạo; nói, viết thuyết phục. 

Chủ động nắm bắt, kịp thời, chỉ đạo công khai, minh bạch trong cung cấp, định hướng thông tin báo chí, dư luận xã hội, nhất là chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền những vụ việc nhạy cảm, phòng, chống tham nhũng. Tham mưu để ban hành quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và quy định về chỉ đạo, định hướng tư tưởng, chính trị đối với công tác thông tin báo chí và tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí, dư luận xã hội. 

Coi trọng và thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội, bảo đảm bám sát sự chỉ đạo của thường trực cấp ủy và những vấn đề cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm. Xây dựng, củng cố và tổ chức bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; tham mưu ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo đảm an ninh tư tưởng - văn hóa trong tình hình mới.


Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là kỷ luật phát ngôn; không để nảy sinh những khuynh hướng, quan điểm sai trái, đi ngược lại chủ trương của Đảng, để các thế lực thù địch có thể lợi dụng kích động, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, giải quyết tận gốc những bức xúc trong nhân dân trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; chú trọng đấu tranh trên mạng internet. Tăng cường xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. 

Đối với công tác tuyên vận, cần quán triệt, triển khai đầy đủ, nghiêm túc quy định mới đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tuyên vận đến cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, nhất là cấp cơ sở. Gắn thực hiện công tác tuyên vận với việc thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp nói riêng. Thường xuyên kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng tham mưu thực hiện nhiệm vụ của ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn, nhất là phó trưởng ban tuyên vận chuyên trách về năng lực xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác tuyên vận. Tiếp tục điều chỉnh nội dung quy chế phối hợp trong thực hiện công tác tuyên vận do cấp ủy các cấp ban hành bảo đảm sát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện. Coi trọng và nâng cao chất lượng việc ban hành nghị quyết của cấp ủy cơ sở, nhất là nội dung thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thống nhất của Đảng.

* Cần giải pháp đột phá phát triển đô thị, giao thông trọng điểm

Tập trung trí tuệ, vì sự nghiệp phát triển tỉnh Lào Cai giàu mạnh, đất nước phồn vinh ảnh 5
Đồng chí Nguyễn Trọng Hài tham luận tại Đại hội.

Những năm qua, nhiều thế hệ lãnh đạo của Lào Cai đã rất tâm huyết và bằng nhiều giải pháp chiến lược, đột phá đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo diện mạo mới cho các đô thị trong tỉnh. Song song với phát triển đô thị, tỉnh đặc biệt quan tâm, chủ động dành nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn và đề nghị Trung ương đầu tư hoàn thành nhiều công trình nhằm đẩy mạnh giao thương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hẹp khoảng cách về mọi mặt giữa Lào Cai với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Tuy nhiên, những kết quả của các chiến lược và những đột phá nêu trên chưa đủ để tỉnh thực sự cất cánh, trở thành tỉnh khá của cả nước. Do vậy, cần có giải pháp chiến lược và đột phá trongphát triển kết cấu hạ tầng giao thông hạ tầng đô thị. Đó là, cần xác định phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông lànhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, từ đó tích cực tuyên truyền để có sự vào cuộc và đồng thuận cao của Nhân dân.
Xây dựng các mô hình đột phá chiến lược, gồmxây dựng cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và chương trình xây dựng đô thị, tăng cường năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững các đô thị.Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kỹ thuật diện rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án trọng điểm, nhất là giao thông tạo động lực phát triển, kết nối nông thôn - đô thị, các khu du lịch và kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp.Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các đô thị thông minh tạo nền tảng nâng cao hiệu quả dự báo và quản trị đô thị.Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải phải đi trước và mang tính chủ đạo, có tính chất quyết định cho việc định hướng phát triển không gian; bố trí, sắp xếp toàn bộ cảnh quan và quy mô cấu trúc của đô thị.Đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị gắn với cơ sở dữ liệu kết nối để quản lý điều hành giao thông nói chung và hệ thống giao thông trong các đô thị nói riêng.

Phải xác định rõ các nhiệm vụ chiến lược cần thực hiện có hiệu quả, trong đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh và bền vững với mục tiêu người dân đô thị có chất lượng cuộc sống tốt; đô thị có sức hấp dẫn và có khả năng thu hút nhà đầu tư chiến lược, du khách trong và ngoài nước.Lấy phát triển kinh tế đô thị làm động lực phát triển kinh tế - xã hội cả tỉnh, các khu vực và địa phương. Quản lý chặt chẽ các nguồn lực tạo ra từ đô thị và các nguồn lực cho phát triển đô thị.Tổ chức không gian, xây dựng hệ thống đô thị thống nhất hiệu quả, toàn diện và thích ứng, tăng cường kết nối đô thị - nông thôn.Nâng cao chất lượng đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, cải thiện điều kiện sống cho dân cư đô thị.Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và có bản sắc.Đổi mới mô hình chính quyền đô thị, nâng cao năng lực, quản lý phát triển đô thị theo hướng hiệu quả, thực chất.Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với các khu du lịch, cửa khẩu… đáp ứng yêu cầu vận tải gắn với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI cần ban hành ngay các đề án trọng tâm, trong đó có Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Khẳng định "sức mạnh mềm" trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Khẳng định "sức mạnh mềm" trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là chủ trương lớn, xuyên suốt được Lào Cai đặc biệt quan tâm triển khai thời gian qua. Nhờ linh hoạt phát huy vai trò “sức mạnh mềm” tuyên truyền, vận động từ cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh trở thành phong trào thi đua được sự đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân.

fb yt zl tw