Đoàn kết là sức mạnh để vượt qua COVID-19 ảnh 1
 Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã và đang đe dọa nghiêm trọng an toàn và sức khỏe của nhân dân ta. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập rơi vào tình trạng hết sức bấp bênh… Đặc biệt hiện nay, Việt Nam bước vào một giai đoạn đầy thách thức khi dịch bệnh bùng phát trở lại với cường độ mạnh hơn, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp nhiều lần. Sau những thành công ở những giai đoạn đầu, trong những ngày vừa qua, chúng ta ghi nhận hàng trăm rồi đến hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này rất nguy hiểm do chủng virus mới đang lây lan rất nhanh...

Nhưng chính trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ. Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Đoàn kết thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19”.

Tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài... tham gia đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, kiều bào, nhân dân không được lơ là, chủ quan; nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Mỗi người luôn đề cao ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; không được chủ quan và quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc để sớm dập dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.

Tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 ngày 5/6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến chống COVID-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”. Thủ tướng cũng đồng thời bày tỏ tin tưởng “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài”.

Gần đây nhất, phát biểu tại buổi lễ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan tổ chức sáng 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ chúng ta lại càng phải đoàn kết thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, toàn hệ thống chính trị của cả nước cùng đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết để chống dịch. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế đã khởi động các cơ sở y tế phòng, chống dịch tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến trung ương; bệnh viện thuộc ngành công an, quân đội; bệnh viện dã chiến của quân đội chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Bộ Y tế cũng thông tin nhanh, kịp thời về tình hình dịch hàng giờ, hàng ngày. Các địa phương đã tăng cường tuyên truyền để nhân dân không chủ quan, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý...

Đồng hành cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch và để có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đã Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân tộc để vượt qua khó khăn, thử thách...

Ðồng sức, đồng lòng vượt qua đại dịch

Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch COVID -19 bùng phát đầu năm 2020, chưa bao giờ từ tinh thần “đoàn kết” của dân tộc lại được nhắc đến nhiều như vậy và hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Từ Trung ương tới địa phương với các Bộ, Ngành ở các cấp, cùng đoàn thể và toàn dân ta chung tay, góp sức đối phó với đại dịch vốn đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch.

Còn nhớ năm 2020, khi Ðà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, thành phố đã đón nhận nhiều ân tình với những hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ của đồng bào mọi miền đất nước. Và cũng bắt đầu từ Ðà Nẵng, những bếp cơm nghĩa tình, những bữa ăn miễn phí, hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa, nhân rộng tới các địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Những ngày qua, chúng ta được chứng kiến nhiều cách làm hay, sáng tạo của cộng đồng để giúp đỡ, tương trợ, cùng vượt qua khó khăn. Ðó là những cửa hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng, phiếu mua hàng 0 đồng…

Người dân, chiến sĩ Công an tỉnh Ðắk Lắk đội mưa khẩn trương bốc rau, củ lên xe tải để kịp vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Người dân, chiến sĩ Công an tỉnh Ðắk Lắk đội mưa khẩn trương bốc rau, củ lên xe tải để kịp vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Trong bối cảnh hiện nay khi thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm dịch của cả nước, có thể thấy mô hình “Bếp nhỏ hội em” của các hội viên phụ nữ nữ quận Gò Vấp ngày nào cũng trao 200 suất ăn đến lực lượng làm nhiệm vụ trực chốt cách ly y tế tại các phường 3, 5, 9, 10, 14, 15 quận Gò Vấp. Hay nhiều quận, huyện khác của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai mô hình cây ATM gạo… Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch về chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4 này. Theo đó, người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng hoặc đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, lao động mắc bệnh hiểm nghèo, lao động chính phải nuôi con, chăm sóc cha mẹ không có thu nhập… trong diện được hỗ trợ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.

Trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân, tiêu biểu như: hơn 200 cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh lên đường giúp Bắc Giang chống dịch; Bộ Y tế đã cử hơn 400 nhân lực y tế khác để hỗ trợ Bắc Giang triển khai tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm... Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch.

Có thể thấy rằng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và những phẩm chất ấy sẽ càng củng cố quyết tâm của chúng ta chiến đấu chiến thắng đại dịch.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.